Đường dẫn truy cập

Đặng Thị Ngọc Thịnh còn làm 'chân gỗ' đến bao giờ?


Phó Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Hà Nội, 22/03/2018.
Phó Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Hà Nội, 22/03/2018.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - người đàn bà ‘đi lên’ từ hội phụ nữ cấp tỉnh nhưng lại mờ nhạt đến nỗi từ sau đại hội 12 của đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, chỉ rất ít người dân biết rằng bà ta là cấp phó trực tiếp của kẻ đã chết là Trần Đại Quang và người còn sống là Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng vào những ngày này, Đặng Thị Ngọc Thịnh lại nổi lên như một ‘Chủ tịch nước’. Ít nhất trên phương diện lịch làm việc, bà Thịnh cũng trở nên bận rộn hơn hẳn ‘ngày xưa’ - khoảng thời gian mà bà bị cho là ‘ngồi chơi xơi nước’ và phụ trách thường trực văn phòng Chủ tịch nước chuyên trách ‘ma chay hiếu hỉ’.

‘Chân gỗ’ và ‘chân thật’ là những tiếng lóng ví von của dân gian miền Bắc về chuyện yêu đương, nhưng về sau này đã nhanh chóng thâm nhập vào đời sống chính trị, đặc biệt được dùng để ví von giữa khối đảng với khối văn phòng Chủ tịch nước.

Những lần được làm ‘chủ tịch nước’

Sự kiện bận rộn mới nhất vừa phát lộ qua vụ việc ‘Công ước 98’.

Sau khá nhiều lần ‘mất tích’ kể từ ngày bất thình lình bị một cơn bạo bệnh tại xứ Kiên Giang ‘nhà Ba Dũng’, bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng lại một lần nữa ‘biến mất’ khi ông ta đã không thể xuất hiện hôm 29/5/2019 để ‘trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98’, dù lịch trình về việc này và vai trò trình công ước của ‘Tổng tịch’ đã được báo đảng ồn ào khoa trương đến hơn nửa tháng trước đó.

Trám vào tình trạng trống vắng đáng nghi ngờ này là “Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận sự ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế”.

Cũng trong ngày 29/5, Đặng Thị Ngọc Thịnh còn tiếp đón Paul de Jersey - thống đốc bang Queensland của Úc, đồng thời "tiếp đoàn đại biểu nữ là bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến" thời kỳ kháng chiến.

Trước đó vào tháng 4 năm 2019, trong lúc báo đảng tích cực tuyên truyền về Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn liên tiếp tục gửi thư và điện chúc mừng giới chóp bu Triều Tiên và vài nước khác, nhưng lại không trưng ra nổi bất cứ hình ảnh hay video nào về ‘Tổng tịch’ đang chủ trì họp hoặc chí ít cũng đang ngồi trên giường (bệnh), Đặng Thị Ngọc Thịnh đã ‘tiếp khách nước ngoài thay’ vài ba cuộc cho đương kim Chủ tịch nước. Đó là lần thứ hai trong vòng 6 tháng bà Thịnh được làm ‘chân gỗ’ cho Chủ tịch nước.

Còn lần ‘chân gỗ’ đầu tiên xảy ra vào tháng 9 năm 2018 ngay sau khi cái chết đột ngột và đáng ngờ của Trần Đại Quang.

Ngay sau ngày Trần Đại Quang chết, đã có những cái tên được xướng lên như Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị Phóng, Ngô Xuân Lịch…, thậm chí có thể bầu bổ sung nhân vật khi đó giữ chức quyền Chủ tịch nước là Đặng Thị Ngọc Thịnh vào Bộ Chính trị.

Trong một cuộc họp báo của Ban Tuyên giáo Trung ương vào ngày 28/9 để thông tin về ‘Hội nghị Trung ương 8, khoá XII diễn ra vào tuần tới’, quan chức Lê Quang Vĩnh - Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng - đã thông báo thật lấp lửng và không thiếu hàm ý: “Với sự phân công này, các quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước được thực hiện bình thường, đầy đủ” (phân công bà Đặng Thị Ngọc Thịnh là quyền Chủ tịch nước). Trong khi đó, lại có thông tin cho biết kịch bản ‘hợp nhất Chủ tịch nước và Tổng bí thư’ đang chiếm ưu thế và xác suất xảy ra đến 70%. Thậm chí thông tin này còn dự đoán chính ông Nguyễn Phú Trọng, chứ chẳng phải ai khác, sẽ ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Hẳn vào thời điểm đó, phương án nhân sự trám vào ghế Trần Đại Quang đã được bí mật ‘chốt’ trong một căn phòng nào đó, với chỉ một ít quan chức cao cấp biết với nhau.

Rốt cuộc, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chỉ đóng vai trò một con tốt đen trong phương án ‘nghi binh’ cho kịch bản tổ chức một chiến dịch PR để Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành bản sao của Tập Cận Bình - nhân vật Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nếu tính bằng thời gian thực, bà Thịnh đã chỉ ngồi ghế ‘quyền Chủ tịch nước’ được vài ngày, bởi ngay sau đó là Hội nghị trung ương 8 đã ‘100% nhất trí’ cho Nguyễn Phú Trọng ‘nhất thể hóa’ cả hai ghế Tổng bí thư và nguyên thủ quốc gia.

Rồi cả những phương án Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị Phóng, Ngô Xuân Lịch… cũng chỉ là một thủ thuật ‘chân gỗ’ theo truyền thống thủ đoạn ‘làm nhân sự’ - điều được thực hiện tương tự như cái cách ‘đưa ra nhiều ứng cử viên cho chức Tổng bí thư nhưng đến giờ chót chỉ chọn một người’ ngay trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, và ứng cử viên ở vào thế ‘độc cô cầu bại’ đó, chẳng phải ai khác, chính là ‘chân thật’ Nguyễn Phú Trọng.

Còn sắp tới thì sao?

Khi nào ‘chân thật’ có thể tự đi?

Với tình trạng bệnh tình phập phù lúc tỏ lúc mờ của Nguyễn Phú Trọng, rất nhiều khả năng Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ tiếp tục phải làm ‘chân gỗ’ cho ông ta trong một số tháng tới, cho tới khi nào ‘chân thật’ có thể tự đi được. Nhưng chỉ là ‘chân gỗ’ với những việc không quan trọng như tiếp một số đoàn khách ngoại và khách nội, hoặc xuất hiện trong nghị trường Quốc hội - nơi mà hàng trăm cặp mắt luôn dò xét săm soi từng vết xe lăn của ông Trọng. Còn việc bà Thịnh có thể thay thế cho ông Trọng đi Washington gặp Donald Trump vào năm 2019 này thì hầu như không có cơ may nào xảy ra, vì đó là độc quyền của ‘Tổng tịch’. Ngay cả Nguyễn Xuân Phúc - tưởng như quyền uy tột bực ‘dưới một người, trên vạn người’ - cũng không có ‘cửa’ để đi Mỹ bàn chuyện hợp tác quân sự và liên doanh khai thác dầu khí.

Cũng chẳng có một cơ hội dù là nhỏ nào cho Đặng Thị Ngọc Thịnh để len qua khung cửa tối mò của đại hội 13. Cho đến tận giờ đây, tuy thân là Phó Chủ tịch nước và còn có vài lần được dàn mặt trước cả Bộ Chính trị lẫn Ban chấp hành trung ương để trám chỗ cho ‘chân thật’ nhiều khả năng không thể nhúc nhích chân được, bà Thịnh vẫn chỉ sở hữu vỏn vẹn cái ghế ủy viên trung ương mà không phải là ủy viên bộ chính trị - điều mà sẽ khiến cơ hội ‘đi tiếp’, thậm chí là cơ hội ‘ngồi tiếp’ của bà trở nên ‘chân gỗ’ hơn bao giờ hết.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG