Đường dẫn truy cập

Dân Tunisia lo ngại về mối đe dọa từ Hồi giáo cực đoan


Những người ủng hộ nhóm Hồi giáo Ansar al-Sharia xô xát với cảnh sát tại Hai al Tadamon, Tunis, 19/5/13
Những người ủng hộ nhóm Hồi giáo Ansar al-Sharia xô xát với cảnh sát tại Hai al Tadamon, Tunis, 19/5/13
Cảnh sát Tunisia bắn hơi cay để giải tán các phần tử Hồi giáo ném đá vào họ trong cuộc biểu tình, ở 2 thành phố sau khi chính phủ cấm nhóm Ansar al-Shariah, tổ chức đại hội thường niên hôm Chủ nhật. Những sự kiện này càng làm nổi bật ảnh hưởng ngày càng tăng của thành phần Hồi giáo cực đoạn trong quốc gia Bắc Phi, một thời có xu hướng thế tục vững chắc này, và một số người e ngại rằng nó làm tăng mối đe dọa trong khu vực.

Vụ ám sát ông Chokri Belaid, một lãnh tụ đối lập có chủ trương thế tục, hồi tháng 2 đã làm bùng phát một cuộc biểu tình lớn nhất của dân chúng kể từ cuộc cách mạng năm 2011 ở Tunisia.

Cảnh sát đổ lỗi cho một phần tử Hồi giáo Salafist về cái chết của ông, điều này càng làm tăng sự lo sợ Tunisia đang bước vào một chương mới, nguy hiểm trong lịch sử nước này.

Các sự kiện mới đây lại càng làm cho những lo ngại này mạnh hơn.

Trước đây trong tháng, các vụ nổ bom cài trên đường đã làm 16 binh sĩ Tunisia bị thương trong khi họ truy lùng các phần tử chủ chiến trong vùng núi giáp ranh với Algeria. Một số người Hồi giáo đã gia nhập thành phần thánh chiến ở Syria và Algeria. Và quốc gia này đứng trước thách thức ngày càng tăng của thành phần Hồi giáo Salafist, đã từng tấn công các nghệ sĩ và các mục tiêu khác trong đó có Đại sứ quán Hoa Kỳ, hồi năm ngoái, trong khi tìm cách áp đặt Hồi giáo cứng rắn của họ.

Chỉ ít năm trước đây, các sự kiện như vậy không thể tưởng tưởng nổi xảy ra trong quốc gia nhỏ bé này. Dưới chế độ độc tài của cựu tổng thống Zine el Abidine Ben Ali, Tunisia nằm trong số các nước theo đường lối thế tục nhất trong thế giới Ả Rập và là một địa điểm nghỉ hè rất được khách du lịch châu Âu ưa thích.

Một cựu bộ trưởng dưới thời ông Ben Ali, ông Hatem Ben Salem, lo sợ trước những gì đang xảy ra trong nước ông. Và như nhiều người chỉ trích khác, ông đổ lỗi cho đảng Ennahda, một đảng Hồi giáo ôn hòa đã không thẳng tay trừng trị các phần tử Hồi giáo Salafist. Ông nói:

“Cả nước lo sợ rằng chúng tôi sẽ lâm vào nội chiến. Và đó là lý do vì sao tôi nghĩ rằng chính phủ hiện đang hành sử khá nghiêm túc .. tuy tôi cho rằng họ phải chịu trách nhiệm về tình hình này, vì họ đã để cho những người này muốn làm gì thì làm và đe dọa đến đất nước như họ đang làm.”

Trước đây, đảng Ennahda lập luận rằng nền dân chủ non nớt của Tunisia cần phải để cho mọi thành phần trong xã hội được tự do phát biểu. Đảng này đã từng trải qua khó khăn dưới thời ông Ben Ali. Nhiều thành viên bị tù tội và lưu vong, trong đó có nhà lãnh đạo tinh thần của đảng là ông Rachid Ghannouchi.

Tuy nhiên, trong những tuần lễ gần đây, đảng Ennahda đã có lập trường cứng rắn hơn nhắm vào thành phần Hồi giáo tranh đấu bạo động. Cảnh sát đụng độ với thành phần Hồi giáo Salafist, và nhà chức trách cấm nhóm cực đoan Asar al-Shariah mở cuộc họp thường niên trong thành phố Kairouan ở miền trung nước này.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên đài truyền hình France 24, ông Ghannouchi của đảng Ennahda lên án tất cả mọi hình thức cực đoan. Tuy nhiên dường như ông giảm nhẹ tầm quan trong của các mối đe dọa, chẳng hạn như ông cho rằng một nhóm nhỏ những kẻ vụ lợi chủ mưu vụ ám sát ông Belaid.

Các mối lo ngại về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo không giới hạn ở Tunisia. Nước láng giềng của Tunisia là Algeria đã chiến đấu với các phần tử Hồi giáo trong một cuộc nội chiến kinh hoàng trong những năm của thập niên 1990.

Hồi tháng Giêng Algeria đã dẹp tan một vụ tấn công của các phần tử Hồi giáo tại nhà máy khí đốt ở In Amenas. Có 11 người Tunisia trong số các phần tử chủ chiến.

Mối lo ngại cũng gia tăng rằng các phần tử Hồi giáo từ Mali đang khích động cuộc nổi dậy trong một nước láng giềng khác của Tunisia là Libya.

Cựu bộ trưởng Tunisia Ben Salem lo ngại rằng thành phần Hồi giáo chủ chiến đang nhanh chóng trở thành mối đe khu vực trong vùng Bắc Phi nói riêng, và cho công đồng quốc tế nói chung. Ông nói:

“Họ đã khởi sự ở nhiều nơi, nhất là ở miền nam Algeria và miền bắc Mali. Và giờ đây họ có mặt ở Tunisia và Libya. Họ chắc sẽ có ở các biên giới với Ai Cập. Sự việc bắt đầu như vậy. Vì vậy giờ đây chúng ta cần ứng phó lại và cần có một quan điểm chung.”

Tuy nhiên ông Mahmoud Ben Romthane, một kinh tế gia và cũng là một chính trị gia đối lập, không tin chủ nghĩa khủng bố sẽ bắt rễ ở Tunisia.

Ông nêu lên truyền thống của Tunisia như một nước có đường lối ôn hòa. Ông nói người Tunisia cũng biết rằng hòa bình là yếu tố căn bản cho sự tồn vong của đất nước họ. Ông nói đáp án nằm ở tương lai chính trị, trong đó có việc bảo đảm các cuộc bầu cử được ấn định vào cuối năm sẽ diễn ra tự do và minh bạch.

Cựu bộ trưởng Ben Salem tin rằng Tunisia cần có một chính phủ đoàn kết, kết hợp trong mục tiêu chung, trừ tận gốc Hồi giáo cực đoan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG