Đường dẫn truy cập

Dân quân Hồi giáo Shia ở Iraq bị cáo buộc giết người Sunni để trả thù


Các chiến binh Đạo quân Mahdi thực tập các chiến thuật trước khi tiến quân vào làng Bo Hassan gần Tikrit, miền bắc Iraq để chiến đấu với các phần tử chủ chiến nhóm Nhà nước Hồi giáo, 12/9/14
Các chiến binh Đạo quân Mahdi thực tập các chiến thuật trước khi tiến quân vào làng Bo Hassan gần Tikrit, miền bắc Iraq để chiến đấu với các phần tử chủ chiến nhóm Nhà nước Hồi giáo, 12/9/14

Lực lượng dân quân người Hồi giáo Shia ở Iraq đang thực hiện những vụ bắt cóc, tra tấn và hành quyết thường dân người Hồi giáo Sunni, theo một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Các cuộc tấn công được cho là để trả thù những hành động tàn bạo của những chiến binh Nhà nước Hồi giáo người Sunni ở miền bắc và miền trung Iraq. Theo tường trình của thông tín viên Henry Ridgwell, các nhà phân tích e sợ về một làn sóng bạo lực giáo phái mới ở nước này.

Dân quân người Shia, tự gọi mình là Đạo quân Mahdi, chiến đấu với những chiến binh Nhà nước Hồi giáo hồi tháng trước gần thành phố Tikrit. Những dân quân này đã nắm giữ một vai trò chủ chốt, cùng với lực lượng Kurdistan và quân đội Iraq, trong việc đẩy lùi những chiến binh Nhà nước Hồi giáo người Sunni.

Nhưng báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế cáo buộc lực lượng dân quân này thực hiện những vụ bắt cóc, hành quyết và tra tấn thường dân người Sunni tại một số nơi ở Iraq.

Bà Donatella Rovera, Cố vấn Ứng phó Khủng hoảng Cao cấp tổ chức Ân xá Quốc tế giải thích:

"Họ nhắm mục tiêu vào những người đàn ông Sunni, dường như để trả thù cho những tội ác mà Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện. Về cơ bản, họ coi tất cả người Sunni, ở một mức độ nào đó, đều là những người ủng hộ ISIS."

Tổ chức Ân xá cho biết lực lượng dân quân người Shia đã giết chết hàng chục thường dân người Sunni ở các thành phố Baghdad, Samarra và Kirkuk. Tin tức nói hàng trăm nạn nhân đã được tìm thấy bị còng tay và bị bắn sau đầu trong những vụ sát hại theo kiểu hành quyết.

Lực lượng dân quân đã trở nên mạnh hơn kể từ khi ISIS tăng đà tiến trong tháng 6, bà Rovera nói.

"Nhà chức trách hoàn toàn không làm gì cả. Đối diện với một tình huống mà trong đó quân đội bỏ chạy và bỏ mặc toàn bộ phía bắc của đất nước, nhà chức trách vẫn cứ khuyến khích lực lượng dân quân người Shia cầm súng và chiến đấu với ISIS."

Tân thủ tướng người Shia của Iraq, Haider al-Abadi, đã cam kết hàn gắn sự chia rẽ giáo phái ở Iraq. Nhiều nhà phân tích đổ lỗi cho người tiền nhiệm của ông, Nouri al-Maliki, làm gia tăng căng thẳng giữa người Sunni và người Shia.

Ước tính của Liên Hiệp Quốc cho thấy hơn 1.000 người đã thiệt mạng vì bạo lực sắc tộc hồi tháng trước.


Những hành vi tàn bạo của nhóm Nhà nước Hồi giáo và các cuộc tấn công trả thù của lực lượng dân quân Shia đang tạo nên tình thế nguy hiểm ở Iraq, theo lời bà Donatella Rovera:

"Chúng ta đang chứng kiến mức độ bạo lực sắc tộc chưa từng thấy kể từ năm 2006, 2007."

Trong những năm ở đỉnh cao của cuộc nổi dậy giáo phái, những giáo sĩ tôn giáo của Iraq cuối cùng chế ngự được sự hỗn loạn này. Nhà phân tích Afzal Ashraf của Viện Nghiên cứu Royal United Services nói:

"Lý do mà cuộc nổi dậy được kiểm soát chủ yếu là vì Ayatollah Sistani, lãnh đạo tôn giáo của cộng đồng người Shia, quyết định rằng đó là vì lợi ích của người Shia, vì lợi ích của Iraq, không nên có cuộc nổi dậy đó, và xúc tiến quá trình bầu cử mà họ có thể giành được quyền lực."

Khi các cuộc tiến công của Nhà nước Hồi giáo ở các thành phố ở miền bắc Iraq và Syria tiếp diễn, các nhà phân tích nói rằng những chiến binh Nhà nước Hồi giáo vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của khu vực. Tuy nhiên, bạo lực giáo phái gia tăng là mối đe dọa đang dần hiện rõ trong tương lai của Iraq.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG