“Cũng chẳng biết vì sao nữa. Giờ mỗi ngày ở Hà Nội hàng chục ca dương tính cộng đồng, còn lại là ở trong các khu cách ly hay những người cách ly tại nhà. Tình hình này mà cứ tiếp tục kéo dài thì không biết làm sao nữa, chẳng làm ăn được gì suốt gần 2 năm nay rồi.” Đó là thời than thở của Anh Đặng Thành Trung, một người sinh sống ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo anh Trung thì gia đình anh cũng như nhiều gia đình khác giờ cũng đành phó mặc cho trời, và thậm chí cũng không buồn quan tâm nhiều đến tình hình dịch bệnh hiện tại nữa, vì cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền còn nhiều thứ phải lo toan hơn.
Anh Trung nói anh lo lắng rằng việc tiêm vaccine dù đã được triển khai đại trà nhưng do thời gian còn ngắn, cơ thể những người đã có vaccine chưa sản sinh kháng thể thì nhiều hoạt động tập trung đông người đã được phép quay trở lại khiến cho việc lây nhiễm là khó tránh khỏi. Đặc biệt trong điều kiện ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nơi người dân sinh sống quá tập trung, những quán hàng ăn uống hay tiệm cafe nho nhỏ nhưng khi mở cửa trở lại luôn có hàng chục người tụ tập ăn uống cùng một lúc. Bên cạnh đó anh cũng lo lắng không biết việc triển khai vaccine tại các quận, huyện có đảm bảo tiêu chuẩn khi một số loại vaccine yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt với tủ lạnh âm sâu, một thứ vốn không sẵn có ở Việt Nam.
Những tuần vừa qua, Việt Nam liên tục ghi nhận từ 8.000 đến 9.000 ca dương tính với Covid mỗi ngày. Mặc dù dịch bệnh có chiều hướng bùng phát trở lại nhưng trong một cuộc họp gần đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận rằng không thể tiếp tục các biện pháp phong toả, đóng cửa như trước mà phải học cách sống trong hoàn cảnh ‘bình thường mới’ như nhiều quốc gia hiện đang áp dụng.
Theo một số người khác, số ca dương tính với Covid tại Việt Nam tăng trở lại trong những tuần gần đây là điều bình thường khi các địa phương mở cửa và tình trạng ‘ngăn sông cấm chợ’ được chấm dứt.
“Mở cửa trở lại thì số ca nhiễm tăng là điều bình thường và chúng ta phải chấp nhận rằng nếu mình có bị dương tính thì đi chữa bệnh thôi, chứ không thể đóng cửa. Nếu cứ đóng cửa như trước thì còn chết hơn vì dân đói và khả năng bạo loạn trong xã hội là khó tránh khỏi,” anh Nguyễn Thành Nam ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, đưa ra quan điểm.
Cũng theo anh Nam, cho tới thời điểm hiện tại, dù cũng cảm thấy ít nhiều lo lắng mỗi khi tới công ty làm việc nhưng anh, cũng như nhiều người, chẳng có cách nào khác.
“Không làm thì lấy gì mà ăn, tiền tiết kiệm tiêu mãi cũng hết. Cái Tết này sẽ là một cái Tết ảm đạm và đói kém nhất đây. Không thể tránh khỏi vì dân còn tiền đâu mà chi tiêu,” anh Nam chia sẻ.
Đối với những người cao niên, những tuần gần đây tiếp tục là quãng thời gian lo lắng và hoang mang trước tình trạng số ca nhiễm tăng cao dù vaccine được triển khai rộng rãi. Họ đành tiếp tục hạn chế ra đường, tránh lui tới những nơi đông người để phòng bệnh.
“Bây giờ có dám đi đâu đâu. Loanh quanh ở nhà thôi, thỉnh thoảng có chạy qua một số nhà người thân. Còn đi tập thì mọi người trong nhóm đều tiêm vaccine hết cả rồi thì mình mới dám ra, mà ra một lúc rồi nhanh nhanh chong chóng lại về thôi,” bà Nguyễn Thị Lan ở quận Ba Đình, Hà Nội, thổ lộ.
Bà Lan lo lắng nếu dịch bệnh cứ tiếp tục theo chiều hướng xấu thế này thì dần dà sức khoẻ của vợ chồng bà sẽ rất khó chống đỡ. Cho dù không dính virus, bà Lan nói, thì việc hạn chế ra đường để giải trí, hạn chế tập thể dục giữ gìn sức khoẻ trong thời gian dài như vừa qua cũng thực sự là một thử thách mà vợ chồng bà khó có thể vượt qua trong thời gian tới.