Đường dẫn truy cập

Dân dùng quan tài chặn nhà máy rác, chính quyền đòi xử ‘kích động’


Dân dùng quan tài rỗng chặn đường vào nhà máy xử lý rác.
Dân dùng quan tài rỗng chặn đường vào nhà máy xử lý rác.

Hàng ngàn người dân ở khu vực huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, đã dựng lều bạt, mang quan tài rỗng và các chướng ngại vật để chặn lối vào nhà máy xử lý rác thải ở xã Phổ Thạnh, đòi chính quyền phải di dời nhà máy vì cho rằng đây là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt duy nhất của họ.

Cuộc “biểu tình” chặn xe rác của người dân huyện Đức Phổ đã khiến cho hàng trăm tấn rác thải dồn ứ, gây ô nhiễm trầm trọng cả khu vực.

Một người dân địa phương cho VOA biết cuộc “biểu tình” bắt đầu từ ngày 29/7 và kéo dài cho đến nay, có lúc tập trung đông lên đến cả ngàn người.

“Dân đang phản ánh là nhà máy xây gần dân quá, gây ô nhiễm. Thứ nhất là nguồn nước, thứ hai là khói bụi. Ruộng bữa nay mà bước xuống là bị ngứa. Ngày xưa không có vụ đó”, người dân không muốn nêu danh tính cho biết.

Theo ông, cư dân trong vùng chỉ phát hiện được ô nhiễm sau khi các nhà máy làm nước trong vùng lần lượt bỏ đi. Ông kể:“Phát hiện ô nhiễm là nhờ mấy nhà máy làm nước bình. Người ta tự bỏ đi chỗ khác, đi đóng giếng ở những chỗ khác để lấy nước, chứ không dám lấy nước ở chỗ đó nữa”.

Trước tình trạng hôi thối, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vì cuộc biểu tình của người dân, chính quyền huyện tuần qua đã tổ chức “đối thoại” với dân, nhưng không đồng ý giải quyết theo yêu cầu của họ, dẫn đến người dân tiếp tục phản đối.

Sáng 15/8, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi và các lãnh đạo tỉnh đã phải trực tiếp xuống “đối thoại” với người dân xã Phổ Thạnh để giải quyết tình hình.

Đúng quy định

Cho đến nay, chính quyền địa phương vẫn khẳng định nhà máy xử lý rác ở thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, là “đúng quy định, đúng quy hoạch”, với khoảng cách đảm bảo theo quy định nên đòi hỏi di dời nhà máy của người dân là “không hợp lý”.

Tại buổi “đối thoại” được đăng trực tiếp trên mạng xã hội ngày 15/8, một người dân xã Phổ Thạnh lý luận “bất cứ dự án nào khi đưa ra thì cũng có đầy đủ các văn bản về đánh giá tác động môi trường, quy trình sản xuất, quy trình xử lý chất thải”, nhưng người dân đã bị “mất lòng tin rất nhiều” vì “nếu như nhà máy, xí nghiệp, công ty nào cũng sản xuất theo đúng quy trình, thì đã không có Formosa, không có Vedan, không có rất nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường cho dân xảy ra”.

Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định cho phép Công ty TNHH Thượng mại và Công nghệ môi trường MD đầu từ xây dựng nhà máy xử lý rác ở huyện Đức Phổ với quy mô sử dụng 20.226 m2 đất và công suất hoạt động 50 tấn rác/ngày.

Theo lời người dân địa phương nói với VOA, chính quyền đã “thất hứa” khi cho phép nhà máy hoạt động gần khu dân cư mà theo họ là “đất chật, người đông” và chỉ có một nguồn nước sinh hoạt duy nhất.

“Lúc đầu, huyện hứa với dân là chỗ đó là tạm bợ, rồi sẽ xây chỗ khác. Nhưng bây giờ thì chính thức đưa vô hoạt động và thu gom [rác] cả tỉnh. Tại La Vân chỉ có một nguồn nước để sinh hoạt, vì bị nhiễm mặn. Mà khu nhà máy đặt là ở nguồn nước chính, cho nên dân bức xúc. Bây giờ nước tắm rửa thì người ta dùng đỡ, còn toàn bộ nước sinh hoạt là phải mua chứ không dùng [nước ở đây] được”, người dân giấu tên cho biết.

‘Kích động’

Sau khi thừa nhận huyện đã “làm hơi tắt” khi không lấy ý kiến người dân khi xây dựng nhà máy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng tại buổi đối thoại vẫn khẳng định phải để nhà máy xử lý rác và “thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường”.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi còn cảnh cáo “Những anh nào cầm đầu kích động, gây rối loạn trên địa bàn tỉnh, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. VnExpress cho biết sau khi quan chức này vừa dứt lời, người dân ở bên dưới đã “la hét vang hội trường”.

Nói với VOA vào tối 15/8, một người dân địa phương khẳng định: “Họ tự bộc phát thôi, chứ có ai [kích động] đâu, vì họ bức xúc quá. Bây giờ nó ảnh hưởng trực tiếp đến dân”.

Người này nói thêm rằng chính quyền nên thuận theo “ý dân” là di dời nhà máy xử lý rác. Còn “Nếu huyện, tỉnh như lúc sáng nói rằng số rác dồn ứ thì sẽ như thế nào, thì dân sẽ tự bỏ tiền túi ra làm. Họ tự xử lý. Vì xưa nay không có nhà máy thì Sa Huỳnh vẫn sạch sẽ, trong xanh chứ không phải như bây giờ”.

Sau buổi “đối thoại” không tìm được “tiếng nói chung” từ chính quyền, nhiều người dân cho biết sẽ tiếp tục bám trụ ở nhà máy xử lý rác để phản đối.

“Nếu dân vẫn đồng tình như lúc đâu hay bây giờ, thì tôi nghĩ sẽ khác. Chứ không lẽ bây giờ lấy lực lượng vô đàn áp dân? Vì [chính quyền] sai từ lúc đầu rồi mà”, người dân giấu tên nói với VOA, trong khi một người khác cho rằng “Ở Việt Nam là vậy rồi, phải làm gay gắt lắm thì mới giải quyết được”.

Theo tường thuật của VnExpress, hiện tại nhà máy xử lý rác ở huyện Đức Phổ chỉ còn có 3 nhân viên làm việc. Đây là những người từ nơi khác đến, còn tất cả công nhân là người địa phương đã bị người dân bắt phải viết đơn xin nghỉ việc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG