Đường dẫn truy cập

Dân chúng Đài Loan bối rối về cuộc họp thượng đỉnh với Trung Quốc


Một nhà hoạt động cầm tấm bảng ghép hình chân dung Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, biểu tình chống lại cuộc gặp sắp tới ở Singapore giữa ông Mã và ông Tập, ở trước văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 6/11/2015.
Một nhà hoạt động cầm tấm bảng ghép hình chân dung Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, biểu tình chống lại cuộc gặp sắp tới ở Singapore giữa ông Mã và ông Tập, ở trước văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 6/11/2015.

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu sẽ gặp người tương nhiệm Trung Quốc vào ngày mai trong cuộc họp cấp cao nhất giữa hai đối thủ cũ. Nhưng phần lớn công chúng Đài Loan đã bày tỏ sự bối rối về thời điểm cuộc họp và lo sợ về kết quả của cuộc họp đó.

Văn phòng Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đêm thứ ba cho hay sau 2 năm âm thầm hoạch định, ông sẽ gặp người tương nhiệm phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình. Một số người Đài Loan lo ngại về kết quả cuộc họp này bởi vì thông báo được đưa ra quá trễ nên công chúng chưa kịp tranh luận. Họ cũng nêu thắc mắc vì sao Tổng thống Mã lại muốn gặp đối tác Trung Quốc 7 tháng trước khi rời chức vì các hạn chế nhiệm kỳ.

Ông Chu Cheng-tai, 56 tuổi, một khách bàng quan tại một cuộc biểu tình nhỏ trên đường phố ở Đài Bắc hôm qua, tự hỏi liệu hai nhà lãnh đạo có ký một thỏa thuận bí mật hay không.

Ông nói cuộc họp thượng đỉnh không thông qua sự chấp thuận của dân chúng Đài Loan. Ông nói ông Mã sẽ gặp ông Tập theo quyết định riêng của ông. Như thế, ông Chu lo ngại rằng tổng thống Đài Loan có thể dùng chức vụ của ông để đồng ý với một điều gì đó nơi riêng tư hay đưa ra một lời hứa hẹn nào đó, và một số người sợ rằng ông ta có thể bán đứng Đài Loan.

Trung Quốc từng coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình từ thập niên 1940, và đe dọa sẽ chiếm đóng bằng vũ lực, nếu cần, một hành động sẽ chấm dứt mấy thập niên tự trị dân chủ. Ông Mã và các giới chức Trung Quốc đã gác qua một bên những bất đồng chính trị vào năm 2008 để bắt đầu các cuộc trao đổi ở cấp thấp trong chính phủ. Hai bên đã ký 23 thỏa thuận, đa số có liên quan đến thương mại, các tuyến trung chuyển và đầu tư.

Một số người Đài Loan phấn khởi về ý nghĩa lịch sử của cuộc họp thượng đỉnh, mà các nhà lãnh đạo của hai bên chưa bao giờ có được vì bang giao băng giá. Họ hoan nghênh việc bãi bỏ các hạn chế của Trung Quốc đối với bang giao nước ngoài của Đài Loan hay những dấu hiệu hòa bình lâu dài mà không gây phương hại đến quyền tự trị của đảo quốc.

Nhưng họ tự hỏi vì sao Tổng thống Mã không gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc khi ông còn nhiều thời giờ hơn trong lúc tại chức để chứng tỏ thiện chí. Quốc dân đảng cầm quyền đang về sau ứng viên đối lập chống Trung Quốc trước các cuộc bầu cử vào tháng 1, và sự cách biệt đó đã khơi ra mối lo sợ rằng hai vị lãnh đạo sẽ tìm cách gây ảnh hưởng đối với cử tri.

Các nhà phân tích nói cử tri sẽ quay về phía ứng viên đối lập nếu họ thấy ông Mã nhích lại quá gần với Trung Quốc hay nếu vị chủ tịch của Trung Quốc gây sức ép với Đài Loan tiến tới thống nhất. Một số nhà hoạt động đang hoạch định một cuộc xuống đường phản đối vào ngày mai ở Đài Bắc.

Tại một cuộc họp báo hôm qua, ông Mã nói ông sẽ không đưa ra thỏa thuận hay lời hứa nào, nhưng hy vọng cuộc họp thượng đỉnh sẽ giữ cho mối quan hệ được ổn định. Các giới chức Đài Loan nói hai ông sẽ đối xử với nhau với sự tôn trọng bình đẳng, một điểm tế nhị vì Trung Quốc coi chính phủ Đài Loaan là không hợp pháp và hạn chế Đài Loan trong bang giao với nước ngoài. Ông Mã cũng gợi ý rằng các cuộc họp thượng đỉnh giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ trở thành các sự kiện thường xuyên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG