Các chính trị gia của Mỹ đánh dấu kỷ niệm 40 năm chính quyền Sài Gòn sụp đổ bằng việc giới thiệu dự luật yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền trước khi nhận được hỗ trợ.
Với thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đang được đàm phán, một nhóm 4 dân biểu Hạ viện Mỹ thuộc cả hai đảng đã giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam để bảo đảm rằng những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền không bị 'bán đứt' trong các cuộc đàm phán thương mại.
Dân biểu Chris Smith, Chủ tịch tiểu ban đặc trách nhân quyền thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, chỉ trích thành tích nhân quyền của Việt Nam là “tệ hại” và vì thế Việt Nam không xứng đáng nhận được những lợi ích thương mại hay hợp tác an ninh mà Washington hứa hẹn.
Ông nói “Đảng Cộng sản không phải là tương lai của Việt Nam” và nói thêm rằng cải thiện nhân quyền là điều cơ bản đưa tới quan hệ tốt hơn giữa hai nước.
"Người dân Mỹ không phải cấp tiền cho việc tra tấn hay việc bỏ tù những nhà báo, những nhà lãnh đạo tôn giáo, nhà hoạt động quyền người lao động, hoặc những người ủng hộ dân chủ và tự do trên Internet," dân biểu Smith nói.
Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, là người đồng bảo trợ dự luật này ngay từ đầu, hôm 30 tháng 4 ra thông cáo ủng hộ dự luật.
“Dự luật này là trọng yếu trong những nỗ lực của chúng ta nhằm cải thiện tình hình cho người dân Việt Nam,” thông cáo nói.
Kể từ giữa tháng hai Việt Nam đã bỏ tù ít nhất 34 blogger, theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới.
Những dân biểu đồng bảo trợ dự luật này còn có Dana Rohrabacher (Đảng Cộng hòa), Zoe Lofgren và Gerald Connolly (cùng Đảng Dân Chủ).
Những dự luật tương tự như dự luật này trong những năm gần đây đã thông qua dễ dàng ở Hạ viện, nhưng bị đình lại ở Thượng viện.
Dự luật này sẽ không ngăn chặn hỗ trợ nhân đạo bao gồm viện trợ lương thực, những nỗ lực làm sạch chất độc da cam, hoặc các chương trình phòng chống HIV/AIDS.
Nguồn: AFP, Chairman Royce's Press Release