Những diễn biến liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran (upd)
Những diễn biến về chương trình hạt nhân của Iran2012
Tháng Giêng: Cơ quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế, IAEA, xác nhận Iran tinh luyện uranium tới 20% có thể phân hạch được.
Tháng Hai: Các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc chấm dứt thảo luận tại Tehran mà không thanh sát cơ sở quân sự có tranh chấp tại Parchin.
Tháng Tư: Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad thề quyết không từ bỏ quyền về hạt nhân của Iran.
Tháng Năm: Các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc báo cáo tìm thấy nhiều dấu vết uranium tại một địa điểm ở Iran.
Tháng Bảy: EU bắt đầu cấm toàn bộ các vụ nhập khẩu dầu hỏa của Iran, Hoa Kỳ mở rộng các biện pháp trừng phạt.
Tháng Chín: IAEA đòi thanh sát Parchin, Iran gọi các biện pháp trừng phạt EU là “vô trách nhiệm.”
Tháng 12: IAEA nói có tiến bộ trong đàm phán với Iran. Hoa Kỳ áp đặt thêm các biện pháp chế tài.
2013
Tháng Giêng: Iran nói rằng họ sẽ gia tăng tốc sản xuất nhiên liệu hạt nhân .
Tháng Hai: Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei bác bỏ các cuộc đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ. Iran và các cường quốc thế giới gặp nhau, đồng ý mở thêm các cuộc hội đàm.
Tháng Năm: IAEA nói Iran đã mở rộng hoạt động hạt nhân.
Tháng Chín: Tổng thống Hassan Rouhani nói Iran sẽ không định sản xuất các võ khí tàn phá hàng loạt. Iran và các cường quốc thế giới đồng ý tái tục đàm phán về vấn đề hạt nhân.
Tháng Mười: Iran hội đàm với năm hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An và Đức, sẽ có thêm các cuộc hội đàm được lên lịch vào tháng Mười Một.
Lời lẽ của cả hai bên ở Geneva là một biến chuyển đáng kể so với các cuộc đàm phán trước đây giữa Iran và nhóm được gọi là P5+1 đã không giải quyết được các bất đồng về chương trình hạt nhân của Iran.
Một giới chức cấp cao của Hoa Kỳ mô tả các cuộc đàm phán tuần này ở Geneva là “ráo riết, chi tiết, thẳng thắn và thành thực.” Và toà Bạch Ốc nói các cuộc đàm phán chứng tỏ một mức độ nghiêm túc và thực chất mà Hoa Kỳ chưa từng thấy trước đây.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói các cuộc đàm phán là một bước hướng tới việc “khép lại một vụ khủng hoảng không cần thiết.”
Trưởng ban đối ngoại Liên hiệp Âu châu Catherine Ashton cho hay các cuộc đàm phán giữa các giới chức Iran và đại diện của nhóm P5+1 mang “thực chất và lạc quan” và một vòng thương nghị mới dự trù sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8 tháng 11 tại Geneva.
Dẫn đầu các cuộc đàm phán với Iran nhân danh nhóm P5+1, bà Ashton không tiết lộ chi tiết về nội dung các cuộc họp kết thúc hôm nay.
Bà đã đọc một thông cáo được cả Iran và nhóm 6 quốc gia tán đồng và nói các cường quốc thế giới đang “cẩn thận” xem xét đề nghị của Iran nhằm giải quyết một vụ tranh chấp về hạt nhân đã kéo dài cả thập niên với phương tây.
Các cuộc thảo luận quy tụ các giới chức và đại diện của Anh quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga và Hoa Kỳ cộng với nước Ðức.
Các yêu cầu chính của nhóm P5+1 bao gồm việc Iran phải chấp nhận một cơ chế kiểm chứng toàn diện bằng việc được Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, tức IAEA, chứng nhận và công bố, và Iran phải giảm mức độ tinh chế uranium.
Trước đó trong ngày thứ tư, nhà nước Iran IRNA trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi nói rằng không có vấn đề thanh sát hay giảm mức độ tinh chế nằm trong phần một của các đề nghị của Iran, “nhưng hợp thành một phần của các bước sau của Iran.”
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng kế hoạch gồm ba phần của Iran có thể giải quyết được tình trạng đối đầu về vấn đề hạt nhân đã kéo dài rất lâu “nội trong vòng một năm,” với những thành tựu bước đầu sẽ đạt được “trong vòng một hoặc hai tháng, thậm chí ngắn hơn.”
Ðề nghị của Iran nhằm trấn an cộng đồng quốc tế rằng chương trình hạt nhân của họ có mục đích hòa bình. Ðổi lại, Iran đang mưu tìm được nới lỏng các biện pháp chế tài quốc tế đã áp đặt để buộc nước này đình chỉ các hoạt động tinh chế uranium.
Các cuộc đàm phán ở Geneva là các cuộc đàm phán đầu tiên kể từ khi ông Hassan Rouhani tương đối ôn hòa được bầu lên làm tổng thống Iran hồi tháng 6. Ông đã hứa sẽ dẫn đầu một nỗ lực ngoại giao để các biện pháp chế tài kinh tế Iran được nới lỏng, nhưng các giới chức trong khối P5+1 từng nói Iran phải chứng tỏ sự thành thật qua các bước cụ thể trước khi điều đó có thể xảy ra.
Trong các cuộc thương nghị trước, các cường quốc kêu gọi Iran từ bỏ kho dự tữữ uranium hiện hữu đã được tinh chế ở mức 20 phần trăm thuần chất và gửi ra nước ngoài. Uranium ở độ thuần chất đó là một bước kỹ thuật ngắn tiến tới việc cải biến thành chất liệu có thể chế tạo vũ khí.
Nhưng Nga đã tỏ ý thận trọng hôm thứ tư Ông Sergey Ryabkov, thứ trưởng ngoại giao Nga và là một nhà thương thuyết chính về Iran, được trích thuật nói rằng các kết quả “không bảo đảm tiến bộ xa hơn.”