Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry kết thúc ba ngày thảo luận tại Vienna vào hôm thứ Ba với người đồng cấp phía Iran mà không có được đột phá nào về tương lai của chương trình hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, các cuộc thương thuyết cấp thấp hơn sẽ tiếp tục cho tới trước thời hạn chót là ngày Chủ Nhật này để đạt một thỏa thuận dài hạn.
Ngoại trưởng Kerry cho biết tại một cuộc họp báo rằng đã có tiến bộ trong cuộc thảo luận với Iran và năm nước khác được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm. Ông nói rằng có thể đạt được một thỏa thuận, nhưng bây giờ thì chưa.
Ông Kerry nói: “Tất cả chúng tôi đều tiếp tục thương thuyết với sự thành thực. Nhưng sau các cuộc thảo luận của tôi ở đây với cả Iran và các đối tác trong nhóm P5 + 1, có một điều rõ ràng là chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm.”
Ông Kerry không chịu cho biết chi tiết của những sự bất đồng còn lại, nhưng nhiều người tin rằng vấn đề hiện nay xoay quanh việc Iran được phép tinh luyện uranium tới mức nào và sự hạn chế đó sẽ kéo dài trong bao lâu. Tinh luyện là một bước thiết yếu để sản xuất nhiên liệu cho các cơ sở hạt nhân, dùng cho cả mục tiêu dân sự lẫn quân sự.
Một thỏa thuận sẽ bao gồm việc giảm và rốt cuộc là chấm dứt những biện pháp chế tài quốc tế đã gây khốn đốn cho nền kinh tế của Iran.
Iran tuyên bố chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ cho các mục tiêu hòa bình - hiện nay là như vậy mà tương lai cũng như vậy. Nhưng Ngoại trưởng Kerry nói rõ là Iran phải có những bước cụ thể để bảo đảm điều đó.
Ông Kerry cho biết: “Cuộc trắc nghiệm đầu tiên là trả lời các câu hỏi đó và lập ra một công thức để nói với thế giới rằng đây là một chương trình hạt nhân hòa bình, và nó không thể được dùng để chế tạo vũ khí, và chúng tôi biết chắc như vậy.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ New York Times, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng Iran sẵn sàng đóng băng chương trình tinh luyện trong một vài năm, nhưng không giảm thiểu chương trình này. Người ta tin rằng các nhà thương thuyết quốc tế muốn có sự giảm thiểu từ các mức hiện nay và sự giảm thiểu sẽ kéo dài 10 năm hoặc lâu hơn.
Chủ nhật vừa qua, Ngoại trưởng Zarif phát biểu như sau về tiến trình đàm phán: “Chúng tôi đang tìm kiếm những phương thức và những phương tiện để thu hẹp sự cách biệt mà chúng tôi đang có -- không nhất thiết là chúng tôi sẽ nhượng một bước khi bên kia nhượng một bước, nhưng thật ra chúng tôi tìm kiếm những phương thức có tính chất sáng tạo để giải quyết vấn đề ngõ hầu chúng tôi có thể đạt được các mục tiêu của kế hoạch hành động Geneve.”
Nỗ lực này bị gặp trở ngại vì những quan điểm cứng rắn của một số nhân vật lãnh đạo cả ở Iran lẫn ở Mỹ. Lãnh tụ tối cao Iran mới đây đã nói tới việc tăng công suất tinh luyện uranium của nước ông lên gần 20 lần. Nhưng ngoại trưởng Kerry tỏ ra không quan tâm về điều đó. Ông nói rằng ông từng nghe nói về con số đó và thật ra nó chỉ liên hệ tới một kế hoạch dài hạn.
Nhiều chuyên gia tin rằng cho dù các nhà ngoại giao và các nhóm chuyên viên của họ có thể đạt được một thỏa thuận, thì thỏa thuận đó có thể bị bác bỏ bởi các chính khách bảo thủ ở Iran và Mỹ.
Ông Ali Vaez, một chuyên gia về Iran của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết như sau: “Những cuộc thương thuyết này bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi những sự hạn chế phát sinh từ chính trị quốc nội, thay vì được thúc đẩy bởi những quyền lợi quốc gia thật sự.”
Mặc dù vậy, ông Vaez nói rằng đôi bên vẫn có thể có được một thỏa thuận, tuy có lẽ không phải là trước thời hạn chót là ngày chủ nhật. Ông cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu cuộc điều đình diễn ra tới phút chót và rất có thể sẽ quá thời hạn chót.
Ngoại trưởng Kerry nói rằng nếu không có thỏa thuận trước chủ nhật, Hoa Kỳ sẽ đánh giá các tiến bộ và triển vọng có thêm tiến bộ, rồi sau đó sẽ quyết định về việc có đồng ý triển hạn cuộc đàm phán hay không.