Hôm 26/3, ông Sam Brownback, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã có cuộc gặp với các chức sắc tôn giáo Việt Nam ở Hoa Kỳ.
Trao đổi với VOA hôm 27/3, Chánh trị sự Hà Vũ Băng, Tổng Thư ký Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết cuộc gặp diễn ra tại Trung tâm Công giáo Việt Nam ở thành phố Santa Ana, Quận Cam, bang California, vào chiều ngày 26/3.
Trong buổi gặp các đại diện mỗi tôn giáo lần lượt trình bày tình trạng tôn giáo của mình bị vi phạm, đàn áp ở trong nước.Chánh Trị sự Hà Vũ Băng
“Trong buổi gặp các đại diện mỗi tôn giáo lần lượt trình bày tình trạng tôn giáo của mình bị vi phạm, đàn áp ở trong nước. Trong Hội đồng Liên tôn có 6 tôn giáo: Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành, Chính Thống giáo, và Công giáo. Cách đây khoảng một tuần, chúng tôi nhận được một thông báo từ thư ký của ông Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Sam Brownback nói rằng ông có nhã ý muốn gặp Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ.”
Trước đó, trong một thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Đại sứ Brownback sẽ có cuộc gặp với các đại diện của Hội đồng Liên tôn Việt Nam ở Hoa Kỳ nhằm “thảo luận các biện pháp để tăng cường nỗ lực bảo vệ tự do tôn giáo cho các cộng đồng thành viên.”
Tại cuộc gặp này, Hòa Thượng Thích Viên Lý, đại diện cho Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở Hải ngoại, đã nêu việc chính quyền Việt Nam cưỡng chế các ngôi chùa ở trong nước.
Hòa Thượng Thích Viên Lý, Viện chủ chùa Điều Ngự, thành phố Westminster, cho VOA biết:
Chúng tôi đã nêu 3 trường hợp mà trong vòng chưa đầy 3 năm đã xảy ra ở Việt Nam: chùa Liên Trì ở Sài Gòn; chùa An Cư ở Đà Nẵng; và chùa Linh Sơn ở Kon Tum...Hòa Thượng Thích Viên Lý
“Chúng tôi đã nêu 3 trường hợp mà trong vòng chưa đầy 3 năm đã xảy ra ở Việt Nam: chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn, bị san bằng toàn bộ; chùa An Cư ở Đà Nẵng cũng bị san bằng toàn bộ; chùa Linh Sơn ở Kon Tum, bị đập phá rất nặng nề. Chúng tôi cũng nêu tình trạng các tôn giáo bị đàn áp, các cơ sở tôn giáo bị trưng dụng, phá hủy… Vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam không được tôn trọng. Nhà nước có một chính sách rất tinh vi để đàn áp tôn giáo.”
Hòa thượng Thích Viên Huy, người cũng có mặt trong cuộc gặp với Đại sứ Brownback, chia sẻ với VOA:
“Các thành viên Hội đồng cũng trình bày yêu cầu trả tự do cho các nhà đấu tranh chính trị, yêu cầu tự do cho các hoạt động tôn giáo, có chính sách đất đai cho toàn thể dân chúng, theo đó nếu muốn thu hồi đất thì phải đền bù thỏa đáng.”
Báo Người Việt trích lời Linh Mục Trần Công Nghị phát biểu tại cuộc gặp nói: “Một số sự kiện xảy ra tại nhà dòng Thiên Ân (Huế), giáo xứ Lộc Hưng (Sài Gòn) vào Tháng 5 và Tháng 7, 2018, là những bằng chứng cụ thể trong việc lấn chiếm đất đai của Công Giáo.”
Theo ông Hà Vũ Băng, dịp này ông cũng trình bày việc chính quyền tỉnh Lâm Đồng sách nhiễu Chánh trị sự Cao Đài Hứa Phi:
“Tôi có trình bày việc Chánh trị sự Hứa Phi bị làm khó dễ, đánh đập, đốt nhà ở Lâm Đồng… và diễn biến mới nhất trong tháng 3 này là việc khi ông dưỡng bệnh tại nhà thì công an đến bao vây nhà, không cho đi trị bệnh, và cũng không cho y tá đến chăm sóc cho ông và trình trạng bệnh trở nên nguy cấp. Đồng thời, công an còn gửi giấy triệu tập ông với cáo buộc tham gia vào một mặt trận nào đó.”
Một trong các giấy triệu tập của công an huyện Đức Trọng được ông Hứa Phi đăng tải trên Facebook hôm 26/3 cho biết ông bị chính quyền mời làm việc “để làm rõ mối quan hệ giữa ông với các đối tượng trong tổ chức phản động ‘Liên minh Việt Nam Độc lập Dân chủ.”
Cũng hôm 26/3, tại tỉnh Vĩnh Long, ông Lê Văn Sóc, Phó Hội Trưởng Ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, đồng thời là một thành viên của Hội đồng Liên tôn trong nước, bị công an xã Đông Thạnh mời làm việc về “những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.”
Trong khi đó tại tỉnh An Giang, hôm 28/3, chính quyền được cho là đã ngăn cản Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tổ chức ngày Đại lễ kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt “bằng cách triển khai lực lượng các loại đóng chốt chặn hai đầu điểm lễ chính tại xã Long Giang, huyện Chợ Mới,” theo một thông báo của Giáo hội.
Nhận định về tình trạng tự do tôn giáo Việt Nam hiện nay, báo Người Việt trích lời ông Brownback cho biết: “
Việt Nam là một quốc gia mà chúng tôi để ý rất cẩn thận, vì đây là một trong những nước tệ nhất trên thế giới về lĩnh vực tự do tôn giáo. Chắc chắn, chúng tôi sẽ chú ý đến Việt Nam nhiều.Đại sứ Sam Brownback/ Báo Người Việt.
”
Ông Đại Sứ nói: “Chính phủ Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Donald Trump luôn luôn đặt nặng vấn đề tự do tôn giáo, và chúng tôi sẽ theo dõi tất cả các quốc gia đang vi phạm tự do tôn giáo bằng cách khuyến cáo trước, và nếu không chấp hành, chúng tôi sẽ đưa ra những biện pháp cụ thể.”
Hòa thượng Thích Viên Lý nhắc lại lời ông đại sứ, nói:
“Ông Brownback nói lên sự quan tâm đặc biệt của ông cũng như của chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề tự do tôn giáo. Ông nói rằng ở Việt Nam vấn đề tự do tôn giáo thường bị vi phạm một cách nghiêm trọng vì vậy ông sẽ đặc biệt quan tâm.”
Báo Viễn Đông Daily trích lời Đại sứ Brownback phát biểu tại cuộc gặp này, nói: “Tôi tới đây với hai mục đích. Một là muốn lắng nghe sự phản ảnh của quý vị về những vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền do nhà cầm quyền Việt Nam gây ra cho người dân, hai là tôi muốn có sự liên lạc mật thiết với HĐLT và cộng đồng Việt Nam để đẩy mạnh tiến trình tự do tôn giáo tại Việt Nam một cách tốt đẹp hơn trong tương lai.”
Việt Nam thường xuyên lên tiếng phản bác về các cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo.
Hôm 12/3, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ của Việt Nam phát biểu tại một phiên họp của Uỷ ban Nhân quyền LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ nói:
“Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.”
Đại Sứ Sam Brownback được Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm làm Đại Sứ Lưu động Đặc trách về Tự do Tôn giáo Quốc tế vào ngày 1/2/2018. Ông từng là Thống đốc bang Kansas (2011-2018), Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện tiểu bang Kansas (1996-2011), Dân biểu Liên bang (1995 – 1996).
Trong thời gian làm Nghị sĩ tại Thượng Viện Hoa Kỳ ông đã luôn tích cực tranh đấu cho tự do tôn giáo ở nhiều quốc gia và ông cũng là tác giả đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế vào năm 1998.