Việc Nhật Bản giải thích lại hiến pháp chủ hòa để có quyền tự vệ tập thể liên hệ trực tiếp đến quan hệ an ninh giữa họ với Hoa Kỳ. Nhưng ảnh hưởng của việc có thể được cảm nhận ở Philippines và những nước khác đang xích mích với Trung Quốc vì vấn đề chủ quyền. Từ Manila, thông tín viên Simone Orendain của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Toshinao Urabe cho biết đề nghị thay đổi hiến pháp chủ hòa của Nhật sẽ cho phép Tokyo giúp đỡ trong trường hợp “một nước có quan hệ chặt chẽ” với Nhật Bản bị tấn công.
Điều này có nghĩa là Nhật sẽ giúp bảo vệ Hoa Kỳ, là nước duy nhất mà họ ký kết một hiệp ước phòng thủ chung. Ông Urabe nói rằng theo hiệp ước đó, Nhật Bản không có bổn phận sử dụng vũ lực để giúp đỡ. Nhưng với sự giải thích lại hiến pháp, Tokyo sẽ có thể làm như vậy.
Đại sứ Urabe nói thêm rằng trong trường hợp của những nước khác, như Philippines, là nước mà ông nói là Nhật Bản cũng có những mối quan hệ chặt chẽ, thì vấn đề Nhật Bản có sử dụng vũ lực để giúp đỡ hay không là “tùy theo tình hình.” Ông cho biết Nhật Bản quan tâm nhiều nhất tới việc bảo vệ công dân của mình nếu họ ở trong những tình huống có nhiều rủi ro về an ninh.
Ông Urabe phát biểu như sau tại một cuộc hội thảo ở Manila hôm thứ 5.
"Nhưng trên cơ bản thì đây là một chính sách để chúng tôi tự vệ trong những tình huống khác nhau, những tình huống trước đây không nghĩ tới. Và tôi tin rằng chúng ta cần phải thực hiện những sự chuẩn bị cần thiết cho những tình huống an ninh khác nhau."
Ông Urabe nhắc lại là Nhật Bản không hề có ý định gia tăng sự hiện diện của binh sĩ của họ trên thế giới.
Cả Philippines lẫn Nhật Bản đều có những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ rất gay gắt với Trung Quốc đối với những hòn đảo nhỏ ở Biển Hoa Ðông và Biển Ðông.
Philippines là một trong những nước có ngân sách quốc phòng ít nhất ở Á châu và đang tìm kiếm sự hậu thuẫn trong lúc nhận thấy Trung Quốc có nhữgn hành vi ngày càng hung hãn trong khu vực. Manila tiếp tục tăng cường các mối quan hệ quân sự với Hoa Kỳ. Và trong lúc đối mặt với sự trách cứ của Trung Quốc, Philippines đã lên tiếng ủng hộ cho việc Thủ tướng Shinzo Abe nới lỏng những hạn chế đối với chính sách quốc phòng của nước ông.
Nhật Bản đồng ý cung cấp cho Philippines 10 chiếc tàu tuần duyên mới mà theo dự kiến sẽ được giao vào năm 2016. Họ cũng đang xem xét tới việc trợ giúp kỹ thuật để Philippines tăng cường khả năng giám sát trên biển.
Đại sứ Urabe không trực tiếp nêu tên Trung Quốc như một trong những động lực làm thay đổi môi trường an ninh của nước Nhật. Ông nói rằng sự thay đổi chính sách an ninh của nước ông chú trọng phần lớn vào việc trợ giúp nước Mỹ.
Ông Richard Heydarian, một nhà phân tích chính trị Á châu ở Manila, cho biết đề nghị của ông Abe được nhiều người xem là một cac1h để kiềm chế Trung Quốc.
"Điều này sẽ làm cho ông Abe được dễ dàng hơn trong việc thực hiện những biện pháp mạnh mẽ hơn để chống lại những hành động khiêu khích của Trung Quốc trong vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư."
Ông Heydarian cho rằng đây cũng là một cách để Nhật Bản nắm giữ vai trò của một cường quốc an ninh trong khu vực. Ông nói rằng Tokyo đang ra sức quảng bá cho hình ảnh của nước Nhật như một lực lượng đối trọng với Trung Quốc về mặt an ninh mà khối ASEAN gồm 10 nước hội viên có thể trông cậy được.
Ông Urabe cho biết sự thay đổi chính sách quốc phòng của Nhật nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ khối ASEAN, Australia, New Zealand và các nước khác trong khu vực.