Đại sứ Mỹ tại Thái Lan cho biết vương quốc này đang đối mặt với điều ông gọi là “những thách thức đáng kể” trong việc phục hồi dân chủ với cuộc bầu cử vào năm 2017. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, mối quan chính ở đây là chính quyền quân nhân Thái Lan sử dụng những luật lệ để hạn chế những cuộc tranh luận của công chúng.
Phát biểu với báo chí hồi tối thứ Tư, Đại sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan Glyn Davies nói rằng tuy các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Thái Lan vẫn tiếp tục vững mạnh, sự hạn chế của chính quyền quân nhân Thái Lan đối với quyền tự do bày tỏ ý kiến và việc dùng tòa án quân sự để xét xử những vụ án dân sự đang gây phương hại cho sự tranh luận về những vấn đề mà vương quốc này đang đối mặt.
"Chúng tôi kêu gọi đừng dùng tòa án quân sự để xét xử thường dân. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó là quan trọng. Chúng tôi tin vào thể chế pháp trị. Chúng tôi tin vào sự độc lập tư pháp. Và đương nhiên chúng tôi tin vào việc quyền của người dân được bảo vệ tại tòa án và chúng tôi nhận thấy những sự khó khăn, những vấn đề thật sự, đối với việc thường dân bị xét xử tại các tòa án binh".
Từ khi lên nắm quyền hồi tháng 5 năm ngoái, chính quyền quân nhân, có tên là Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO), đã áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm nhặt đối với những cuộc tụ họp nơi công cộng và theo dõi sát những cuộc hội thảo và những cuộc tụ họp của giới học thuật.
Theo các số liệu của một tổ chức phi chính phủ ở Thái Lan, quân đội nước này đã triệu gần 800 người, trong đó có hơn 60 học giả cùng với các nhà báo, đến “làm việc” tại các cơ quan chính phủ hoặc đến nhà của những người này.
Nhiều người đã bị câu lưu để thẩm vấn và phải tham dự những khoá học được gọi là “cải tạo” kéo dài nhiều ngày trước khi được thả. Một số người chỉ trích chính phủ đã bỏ trốn ra khỏi nước.
Đại sứ Davies cho biết Washington cũng quan tâm về việc mà ông gọi là những án tù dài hạn “trước đây chưa từng có” đối với những người bị truy tố dựa theo luật chống khi quân, là một luật lệ rất nghiêm khắc trong đó qui định những sự trừng phạt nặng nề đối với những phát biểu bị xem là xúc phạm tới Hoàng gia Thái Lan.
"Trong 7 tháng qua chúng tôi đã thấy những cáo trạng về tội phỉ báng được đưa ra cho những nhà báo và những người khác, cũng như những vụ bắt giữ không truy tố đối với những người bày tỏ những ý kiến hoặc tường thuật về những vấn đề bị giới hữu trách xem là nhạy cảm".
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Thái Lan kêu gọi chính phủ nước này thực thi điều ông gọi là “một tiến trình bao gồm nhiều thành phần”, thông qua cuộc tranh luận công khai về tương lai chính trị của đất nước, như một cách thức để bảo đảm cho sự ổn định lâu dài.
Ủy ban soạn thảo hiến pháp ở Thái Lan hiện đang soạn bản dự thảo thứ nhì dưới chính quyền quân nhân hiện nay. Bản dự thảo thứ nhất đã bị bác bỏ hồi tháng 9 bởi Hội đồng Cải cách Quốc gia do quân đội bổ nhiệm.
Ủy ban soạn thảo hiến pháp mới giờ đây có 6 tháng để viết lại hiến pháp trước khi một cuộc trưng cầu dân ý và một cuộc tổng tuyển cử dự kiến được tổ chức vào năm 2017.