Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ vừa bày tỏ quan ngại về bản án 4 năm rưỡi tù mà chính quyền Việt Nam tuyên vào tháng trước đối với nhà hoạt động Nay Y Blang ở Phú Yên.
“Quan ngại sâu sắc trước bản án đối với nhà hoạt động tự do tôn giáo người Việt Nay Y Blang. Ông vừa bị kết án 4 năm rưỡi tù vì vận động ôn hòa”, Đại sứ Rashad Hussain, người được Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ nhiệm để đặc trách về tự do tôn giáo quốc tế, viết hôm 5/2 trên trang X, trước đây là Twitter.
“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam thực hiện thủ tục tố tụng hợp pháp, trả tự do cho tất cả những người bị bắt giam oan sai và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, vẫn lời Đại sứ Hussain.
Trong diễn biến liên quan, hôm 6/2, tổ chức International Christian Concern (ICC) có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ, một tổ chức quan tâm đến tình trạng đàn áp những tín đồ Cơ Đốc trên toàn thế giới, nói trong một thông cáo rằng chính quyền Việt Nam nên trả tự do cho ông Blang “ngay lập tức”.
“Như trường hợp thường thấy ở các nước xã hội chủ nghĩa, chính quyền Việt Nam chỉ cho phép một số nhóm tôn giáo hoạt động dưới hình thức các nhóm tôn giáo được đăng ký và bị kiểm soát chặt chẽ”, tổ ICC cho biết. “Nhà chức trách yêu cầu các nhóm muốn xin được chấp thuận chính thức phải tuân theo quy trình đăng ký kéo dài nhiều năm và tránh mọi hoạt động được coi là trái với an ninh quốc gia hay phá hoại chính sách đoàn kết – một yêu cầu mơ hồ mang lại cho chính quyền rất nhiều thẩm quyền để hạn chế hoạt động tôn giáo”.
Sự đàn áp tôn giáo diễn ra ở mức đặc biệt nghiêm trọng tại các vùng nông thôn của Việt Nam và đối với các thành viên của các dân tộc thiểu số, chẳng hạn như cộng đồng dân tộc H’mong và người Thượng, vẫn theo ICC.
“Chính quyền địa phương dường như đã mạnh tay sách nhiễu các nhóm này bằng nhiều cáo buộc theo nhiều luật lệ, và cộng đồng địa phương thường không khoan dung với đức tin tôn giáo của các nhóm này”, ICC nói thêm.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ đưa ra bình luận về các lời kêu gọi trên.
Như VOA đã đưa tin, một tòa án ở Phú Yên hôm 26/1 tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù đối với thầy truyền đạo Nay Y Blang với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Trang An ninh TV của Bộ Công an nói rằng các hoạt động của ông Blang, bắt đầu từ năm 2019, có liên quan với tổ chức Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một tổ chức chưa được cấp phép. Chính quyền gọi đây là “tổ chức phản động” và cho rằng nhóm này “núp bóng tôn giáo để tập hợp lực lượng, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động ly khai, tự trị”. Tuy nhiên, các tín hữu của hội thánh này ở trong và ngoài nước bác bỏ cáo buộc này.
Ngay khi ông Blang bị chính quyền Phú Yên bắt giam vào tháng 5/2023, Đại sứ Hussain cũng lên tiếng “quan ngại”, kêu gọi “trả tự do ngay lập tức” cho ông và “bảo vệ quyền tự do thực hành đức tin” của ông và của hội nhóm của ông”.
Ngoài lời kêu gọi của Đại sứ Mỹ và ICC, hồi tuần trước, hai tổ chức nhân quyền quốc tế gồm tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) và Qũy Nhân quyền (HRF) cũng lên tiếng “quan ngại” về bản án đối với thầy truyền đạo Blang, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông.
Chính quyền Việt Nam từ đầu năm 2020 bắt đầu đẩy mạnh việc xóa bỏ các điểm nhóm của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, cho rằng nhóm này “đang hoạt động chống chính quyền Việt Nam với sự tài trợ từ nước ngoài”.
Trong các báo cáo Tự do tôn giáo thường niên, gần nhất là 2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thường xuyên đề cập đến việc các hội nhóm tư gia của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên bị chính quyền sách nhiễu.
Vào đầu tháng 1/2024, ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, tuyên bố tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) do nước này liên tục có các vi phạm “nghiêm trọng” về tự do tôn giáo. Trước đó, Việt Nam bị đưa vào danh sách SWL vào tháng 12/2022.
Liên tục sau hai đợt bị đưa vào danh sách SWL, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối, yêu cầu Mỹ “không đưa Việt Nam vào danh sách này, nói thêm rằng các nỗ lực bảo đảm quyền con người của Việt Nam “đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi” và Việt Nam “sẵn sàng đối thoại với Mỹ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau”.
Diễn đàn