Do sinh suất giảm tạo ra mối nguy là Đài Loan sẽ thiếu nhân tài trong ngành công nghệ cao, hòn đảo này tìm cách chiêu mộ hàng nghìn sinh viên Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, xem đó như là nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, báo Nhật Bản Nikkei đưa tin hôm 26/3.
Trước đó, báo Việt Nam Tuổi Trẻ Online đăng tin hôm 22/3 nói rằng Đài Loan sẽ đào tạo về ngành bán dẫn miễn phí cho sinh viên Việt Nam, ngoài ra còn trả lương cho sinh viên trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp họ sẽ làm việc cho các hãng Đài Loan.
Tuổi Trẻ Online dẫn lời ông Hàn Quốc Diệu, chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Bộ Giáo dục Đài Loan vừa công bố "Chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế" (INTENSE) cho sinh viên Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Chương trình này, được phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và trường đại học, tập trung đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, chip, bán dẫn..., theo đó, Đài Loan sẽ chi trả toàn bộ học phí trong khi doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên 10.000 đài tệ mỗi tháng (khoảng 7,7 triệu đồng), còn trường đại học sẽ đào tạo.
Theo Tuổi Trẻ Online, thời gian học là 2 năm và sau khi kết thúc chương trình, du học sinh sẽ làm việc tối thiểu 2 năm cho doanh nghiệp Đài Loan đã hỗ trợ cho việc đào tạo. Sau đó sinh viên có thể chọn làm tiếp tại Đài Loan hoặc trở về Việt Nam.
Theo bài báo của Nikkei hôm 26/3, mục tiêu của chương trình là sẽ có khoảng 70% số sinh viên quốc tế làm việc ở Đài Loan sau khi tốt nghiệp, tăng từ mức hiện nay là 40-50%.
Tại Đại học Khoa học Công nghệ Minh Tân ở thành phố Tân Trúc, còn gọi là Thung lũng Silicon của Đài Loan, nằm ở miền tây bắc của đảo, có gần 700 sinh viên Việt Nam trong số 2.300 sinh viên, Nikkei tường thuật.
Trường đào tạo bán dẫn của Đại học Minh Tân, được xem như một hãng TSMC thu nhỏ, có mục tiêu đào tạo ra các chuyên gia có thể ngay lập tức trở thành những nhân viên có giá trị cho các hãng tuyển dụng trong tương lai, Nikkei mô tả.
Các sinh viên học về các máy móc được sử dụng trong các hãng chế tạo bán dẫn ngoài đời thực. Các sinh viên cũng có thể thực tập tại các hãng sản xuất chip hãng đầu như Công ty Chế tạo Bán dẫn Đài Loan (TSMC), hay các hãng công nghệ ASE và Powertech, Nikkei cho hay.
Tờ báo Nhật nói rằng một trong những sinh viên Việt Nam chọn chương trình thạc sĩ để học hỏi từ ngành bán dẫn có vị thế hàng đầu thế giới của Đài Loan. Sinh viên 23 tuổi này dự định sẽ làm việc 3 hoặc 4 năm tại một hãng Đài Loan sau khi tốt nghiệp để tích lũy kinh nghiệm.
Những chương trình đào tạo như thế này thể hiện mối lo của các hãng công nghệ Đài Loan về nguy cơ thiếu nhân tài. “Chúng tôi cần thêm hàng chục nghìn nhân viên. Các hãng và các trường đại học cần làm việc cùng nhau để phát triển nhân tài”, ông Chang Ho, hiệu trưởng Trường Bán dẫn thuộc Đại học Minh Tân, nói với Nikkei.
Tiền lương dậm chân tại chỗ, giá nhà đất tăng và các sức ép khác đã làm cho tỷ lệ sinh của Đài Loan giảm trong những thập niên gần đây. Số ca sinh hàng năm giảm xuống mức thấp kỷ lục là 135.000 vào năm 2023 từ mức hơn 300.000 trong những năm 1990.
Trong khi đó, cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài trong ngành bán dẫn chỉ có tăng lên mà thôi. Riêng hãng TSMC hiện tuyển dụng hơn 6.000 nhân viên mỗi năm.
Nhu cầu về chip được dự báo sẽ tiếp tục tăng, trong khi đó, do Đài Loan lệ thuộc nhiều vào ngành bán dẫn, nên chính phủ, các doanh nghiệp và các trường của hòn đảo hiện đối mặt với áp lực phải lập ra các chiến lược bảo đảm nguồn nhân công.
Sinh viên từ Đông Nam Á được xem như là một phần của giải pháp, Nikkei viết. Năm ngoái, Đài Loan công bố kế hoạch chi 5,2 tỷ đô la Đài Loan (163 triệu đô la Mỹ) cho đến năm 2028 để thu hút 320.000 sinh viên quốc tế tính đến năm 2030, chú trọng vào các ngành khoa học, kỹ thuật, cơ khí và toán. Điều này đồng nghĩa là tốc độ nhận các sinh viên sẽ gấp đôi trước đây.
Diễn đàn