Một số đài kỷ niệm được xây trong thủ đô Washington để tỏ lòng tri ân các công dân Mỹ phục vụ trong quân đội. Thông tín viên VOA Deborah Block tường thuật về một đài kỷ niệm mới được khánh thành hôm Chủ nhật, vinh danh toàn thể cựu chiến binh Mỹ bị thương tật trong khi phục vụ đất nước.
Các nam nữ thương binh Mỹ lần đầu tiên được vinh danh tại một đài kỷ niệm của riêng họ. Đài kỷ niệm mang tính cách lịch sử này được xây dựng trong nhiều năm, nằm trên khu đất rộng 1 mẫu, kế bên Quảng trường Quốc gia và gần trụ sở Quốc hội.
Một đài phun nước xây theo hình ngôi sao 5 cánh, tượng trưng cho 5 quân chủng của quân đội Hoa Kỳ, một hồ phản tỉnh, các bức tường bằng đá hoa cương và bằng thủy tinh, một bức minh họa sức mạnh cũng như tính cách mong manh của người bị thương tật được dựng lên trong khu đài kỷ niệm.
Đối với ông Ron Hope, người đã mất một cánh tay năm 1969 trong chiến tranh Việt Nam thì sự vinh danh cuối cùng đã đến sau một thời gian dài. Giám đốc tổ chức từ thiện Thương binh Mỹ, nói:
“Tôi nghĩ rằng đài kỷ niệm này không chỉ vinh danh các thương binh, mà còn cho gia đình họ, những kẻ sống còn, nhưng người chăm nom họ, nhất là những người chăm nom họ, và những người thân của họ có thể đến và suy ngẫm cái giá nào mà hàng ngày những phúc lành và nền tự do của đất nước này phải trả.”
Ông Hope là 1 trong 4 triệu thương binh ở Hoa Kỳ. Trong đài kỷ niệm có một bức tường với những câu trích thuật bày tỏ lòng biết ơn về sự hy sinh của họ. Các tấm bằng thủy tinh khắc hình ảnh của các cựu quân nhân kể lại các câu chuyện về tâm trạng của người bị thương và họ đối phó ra sao với tình trạng thương tật. Ông Hope nói đối với nhiều thương binh, đó là một sự tranh đấu không ngừng và điều đó không ngăn được nhiều người trong họ cảm thấy như mình không hiện diện. Ông nói:
“Đôi khi công chúng Mỹ không biết làm thế nào tiếp cận, không biết nói chuyện với họ thế nào, không biết đối xử với các thương bình ra sao, vì vậy công chúng né tránh họ. Và cái cảm giác đó còn tệ hơn chính sự tàn phế.”
Nhà hoạt động từ thiện Lois Pope đã khởi sự thúc đẩy việc xây đài kỷ niệm này gần 2 thập kỷ trước đây, sau khi bà gặp gỡ các bình sĩ tại một trung tâm phục hồi chức năng. Bà là người đồng sáng lập một tổ chức đã gây quỹ được 80 triệu đôla để xây đài kỷ niệm, trong đó có 10 triệu đôla riêng bà đóng góp. Bà giải thích điều mà bà kỳ vọng đài kỷ niệm sẽ đạt được:
“Để thông báo tin tức, giáo dục và nhắc nhở người dân Mỹ về những hy sinh và tranh đấu, tranh đấu không ngừng và về sự thiếu sự công nhận và lòng kính trọng của chúng ta ở đất nước này đối với các thương binh.”
Bà nói đài kỷ niệm thương binh là sự nhắc nhở cái giá phải trả của chiến tranh, tuy nhiên bà nói rằng đó cũng là nơi cho phản tỉnh và hy vọng, hòa bình và hàn gắn vết thương cho các thương binh và người thân của họ.