Đường dẫn truy cập

Đại hội đồng LHQ đả kích Nga xâm lược Ukraine trong cuộc biểu quyết lịch sử


Các thành viên Liên Hợp Quốc biểu quyết về nghị quyết liên quan đến Ukraine trong cuộc họp khẩn cấp của Đại hội đồng tại trụ sở LHQ, ngày 2 tháng 3 năm 2022.
Các thành viên Liên Hợp Quốc biểu quyết về nghị quyết liên quan đến Ukraine trong cuộc họp khẩn cấp của Đại hội đồng tại trụ sở LHQ, ngày 2 tháng 3 năm 2022.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày thứ Tư biểu quyết áp đảo đả kích Nga xâm lược Ukraine và đòi Moscow đình chiến và rút các lực lượng quân sự của họ.

Nghị quyết, được 141 nước biểu quyết ủng hộ trong số 193 thành viên của hội đồng, đã kết thúc phiên họp khẩn cấp hiếm hoi do Hội đồng Bảo an LHQ triệu tập trong khi các lực lượng Ukraine đang chiến đấu tại cảng Kherson chống trả các cuộc không kích và một đợt oanh kích tàn phá nặng nề buộc hàng trăm ngàn người phải chạy lánh.

Nội dung của nghị quyết "đả kích" hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine. Lần cuối cùng Hội đồng Bảo an triệu tập phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng là vào năm 1982, theo website của Liên Hợp Quốc.

35 nước thành viên bao gồm Việt Nam bỏ phiếu trắng và năm nước gồm Nga, Syria và Belarus bỏ phiếu chống lại nghị quyết này. Mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng không có tính ràng buộc, nhưng chúng có sức nặng chính trị.

Nga đã phá hủy cơ sở hạ tầng thiết yếu, bao gồm nước uống và khí đốt cho hàng triệu người và dường như đang chuẩn bị gia tăng mức độ tàn bạo của chiến dịch chống lại Ukraine, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng.

"Đây là một khoảnh khắc vô cùng khác thường," bà Thomas-Greenfield nói. "Bây giờ, hơn bất lúc nào khác trong lịch sử gần đây, Liên hợp quốc đang bị thách thức," bà nói và đưa ra lời kêu gọi: "Hãy biểu quyết ủng hộ nếu quý vị tin rằng các quốc gia thành viên Liên hợp quốc - bao gồm cả quốc gia của quý vị - có quyền đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Hãy biểu quyết đồng ý nếu bạn tin rằng Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình."

Sau gần một tuần, Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu lật đổ chính phủ Ukraine, nhưng đã vấp phải phản ứng dữ dội chưa từng thấy từ phương Tây. Các chế tài của phương Tây đã khiến hệ thống tài chính của Nga chao đảo trong khi các tập đoàn đa quốc gia rút các khoản đầu tư ra khỏi Nga.

Washington đã áp đặt một số chế tài, bao gồm chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngân hàng trung ương, kể từ khi lực lượng của Nga xâm lược Ukraine trong cuộc tấn công lớn nhất nhắm vào một quốc gia Châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Moscow gọi cuộc tấn công này là một "chiến dịch đặc biệt." Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia phủ nhận Moscow đang nhắm mục tiêu vào thường dân và cảnh báo việc thông qua nghị quyết có thể khiến giao tranh leo thang hơn nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG