Chủ đề bao trùm nhận thấy được tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra là sự liên tục chứ không phải sự thay đổi.
Đại hội kéo dài một tuần, khai mạc hôm 16/10, dự kiến sẽ bầu lại ông Tập Cận Bình làm lãnh đạo, tái khẳng định cam kết theo đuổi các chính sách của ông trong 5 năm tới và có khả năng nâng cao hơn nữa vị thế của ông Tập như là một trong những lãnh đạo quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.
Kể từ khi lên làm lãnh đạo cao nhất cách nay 10 năm, ông Tập đã định hướng lại Trung Quốc cả trong nước và trên trường quốc tế. Quân đội nước này đã tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp còn các nhà ngoại giao của họ trở nên quyết liệt hơn và nói rằng Trung Quốc sẽ không bị Mỹ và các nước khác bắt nạt.
Ông Tập đã áp đặt kiểm soát nhà nước mạnh mẽ hơn đối với nền kinh tế và xã hội, tăng cường kiểm duyệt và bắt giữ để dập tắt bất đồng chính kiến. Chiến dịch trấn áp tham nhũng chưa từng có đã khiến hàng trăm quan chức cấp cao, bao gồm một số đối thủ chính trị khả dĩ của ông Tập, ngã ngựa.
Tất cả những điều đó sẽ vẫn tiếp diễn - đó là thông điệp từ báo cáo chính trị kéo dài 1 giờ 45 phút mà ông Tập trình bày tại phiên khai mạc.
Willy Lam, nghiên cứu viên cấp cao của viện chiến lược Jamestown Foundation, lưu ý rằng báo cáo đã mô tả khái niệm ‘hiện đại hóa kiểu Trung Quốc’ phải tuân theo các giá trị xã hội chủ nghĩa.
“Trung Quốc sẽ kiên trì đi trên con đường của riêng mình”, ông Lam ở Hong Kong nói. “Họ sẽ không vay mượn bất kỳ phương pháp hoặc phong cách quản lý nào từ nước ngoài”.
Trung Quốc hôm 17/10 đột ngột hủy bỏ việc thông báo số liệu tăng trưởng kinh tế quý III vốn được dự trù vào ngày 18/10.
Không có lý do cụ thể nào được đưa ra. Báo cáo tăng trưởng GDP có khả năng đối chọi với giọng điệu tự tin tại Đại hội Đảng khi nó cho thấy nền kinh tế chỉ tăng trưởng được 3% trong quý vừa qua, chỉ được hơn một nửa so với mục tiêu chính thức là 5,5%.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn dưới sức nặng của các hạn chế nghiêm ngặt để chống dịch COVID-19 do chính quyền của ông Tập Cận Bình áp đặt, sự xuống dốc mạnh của thị trường bất động sản và hậu quả từ cuộc chiến ở Ukraine.
Ông Tập đã quét sạch các đối thủ cạnh tranh và củng cố quyền lực. Câu hỏi đặt ra là liệu ông có giành được thêm nhiều quyền lực nữa hay không - và làm sao làm được?
Trên thực tế, ông tự mình phụ trách quân đội, chính sách đối ngoại, kinh tế và hầu hết các vấn đề khác thông qua một loạt tổ công tác đảng mà ông đứng đầu.
Về mặt biểu tượng, hệ tư tưởng của ông, được gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình, đã được đưa vào Điều lệ Đảng tại đại hội trước đó hồi năm 2017.
Một sửa đổi điều lệ đảng khác cũng nằm trong chương trình nghị sự tại đại hội trong tuần này. Chi tiết không được tiết lộ, nhưng các phân tích gia cho rằng nó có thể giúp nâng cao hơn nữa vị thế của ông Tập trong đảng.
Theo thông lệ, đảng sẽ công bố ban lãnh đạo tối cao cho 5 năm tới một ngày sau khi Đại hội kết thúc, với một vài người được vào Thường vụ Bộ Chính trị, họ sẽ ra mắt công chúng lần đầu tiên khi bước ra lễ đài.
Ông Tập được nhiều người dự đoán sẽ đứng đầu đảng với thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Điều đó đi ngược lại một thỏa thuận bất thành văn của Đảng Cộng sản Trung Quốc là các đảng viên không được ngồi quá hai nhiệm kỳ.
Những người khác được vào Thường vụ Bộ Chính trị, hiện có 7 ủy viên, có thể giúp hình dung về tương lai của ông Tập và định hướng chính sách.
Ông Tập dự kiến sẽ đưa vào Thường vụ Bộ Chính trị những người trung thành với ông. Các nhà phân tích tự hỏi liệu kinh tế sụt giảm có khiến ông giảm bớt sự hăng hái đối với mô hình kinh tế nhà nước để cất nhắc những người ủng hộ nền kinh tế theo định hướng thị trường hơn hay không.
Không có người kế nhiệm rõ ràng nào xuất hiện trong Thường vụ Bộ Chính trị hiện tại vốn được chọn vào năm 2017, và điều đó báo hiệu rằng ông Tập muốn làm nhiệm kỳ thứ ba. Làm như vậy một lần nữa sẽ cho thấy ông ấy muốn nắm quyền lâu hơn nữa.
Với hầu hết các phiên họp của Đại hội là họp kín, công chúng không biết được gì cho đến cuối tuần. Sửa đổi nào trong Điều lệ thường sẽ được công bố tại phiên bế mạc, và dàn lãnh đạo mới sẽ ra mắt một ngày sau đó.
Nhiều người dân Trung Quốc đang mệt mỏi với những hạn chế của đại dịch vốn đã làm gián đoạn cuộc sống của họ và nền kinh tế. Đối với họ, vấn đề trước mắt là liệu các hạn chế này có được nới lỏng hay không sau Đại hội Đảng
Đảng Cộng sản luôn mong muốn miêu tả đất nước theo hướng tích cực trong Đại hội và tránh bất kỳ gián đoạn xã hội nào - và một đợt bùng phát COVID-19 lớn sẽ khiến xã hội bị gián đoạn.
Nhưng các cán bộ đảng dự kiến sẽ vẫn thận trọng về việc mở cửa lại ngay cả sau Đại hội, vì không chắc COVID-19 sẽ lây nhanh như thế nào khi việc đi lại và các hạn chế khác được nới lỏng.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn