Đường dẫn truy cập

Đại học chất lượng thấp và 'lò mổ tú tài': Thực trạng lò mổ


Samsara là một bộ phim tài liệu tuyệt đẹp, hoàn toàn không có lời thoại của đạo diễn Ron Fricke, được quay tại 25 quốc gia trong thời gian 5 năm liên tục (từ 2006 đến 2011). Samsara trình chiếu các thắng cảnh thiên nhiên phi thường, những nét văn hóa độc đáo, sự tàn phá của bão lũ, hậu quả của chiến tranh, cuộc sống công nghiệp, các lễ hội hành hương của người Hồi, điệu múa của người Khmer… qua những thước film có thể nói là độc nhất vô nhị.

Một trong những cảnh quay ấn tượng của phim là cảnh hoạt động của các lò mổ gà hiện đại. Khởi đầu dây chuyền là các cỗ máy khổng lồ đi xúc các chú gà được nuôi trong trang trại, đặt chúng lên các dây chuyền tự động. Để sau đó, với các đôi mắt ngơ ngác, hàng ngàn con gà nối tiếp nhau từng bước đi vào cỗ máy chế biến. Ở đầu ra bên kia, các công nhân đứng kiên nhẫn lọc các miếng da và mỡ còn sót lại của những chú gà đã bị xẻ thịt và đóng vào các bịch đáy xốp phủ ni lông, sẵn sàng để đưa ra các siêu thị.

Đó là câu chuyện của các chú gà. Còn câu chuyện của các sinh viên Việt Nam thì sao?

Vấn đề chọn sai trường, sai nghề, và những bi kịch đau lòng của các cử nhân thất nghiệp, những bạn trẻ ra trường phải làm trái nghề với đồng lương rẻ mạt, hay những kiếp nghèo dai dẳng bám đuổi suốt đời những người khoác áo cử nhân là những câu chuyện không mới, không lạ, thậm chí rất phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay. Thế nhưng cứ mỗi mùa hè tới, các tân tú tài tốt nghiệp PTTH lại lũ lượt xếp hàng đi thi đại học - cao đẳng, và những sai lầm chết người lại tái diễn, giống như những đàn gà xếp hàng đi vào lò mổ.

Cái khó hiểu là câu chuyện đã được mổ xẻ nhiều, qua các phương tiện truyền thông và các diễn đàn xã hội, nhưng hiện tượng tệ hại này vẫn đâu hoàn đấy. Lỗi tại ai?

Nỗi cay đắng mang tên đại học

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (bản tin cập nhật thị trường lao động VN quý 2, 2014), tỷ lệ thất nghiệp chung của lực lượng lao động Việt Nam là 2,21%[i]. Trong khi đó, chúng ta có 162,4 nghìn cử nhân đại học thất nghiệp và 79,1 nghìn cử nhân cao đẳng thất nghiệp (không kể cao đẳng nghề). Với tổng số 5,2 triệu người có bằng cao đẳng trở lên trong lực lượng lao động, con số thất nghiệp trong nhóm này là 4,65%, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn bộ lực lượng lao động (2,21%).

Nếu tính riêng hai nhóm có bằng đại học/cao đẳng trở lên và nhóm không có các bằng cấp này thì nhóm ít bằng cấp hơn chỉ có tỷ lệ thất nghiệp khoảng 1,95%. Có nghĩa là nhóm người có bằng đại học/cao đẳng trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhóm người ít bằng cấp hơn tới 2,4 lần.

Nhưng đó chưa phải là điểm kết của thảm họa. Phần lớn số thất nghiệp rơi vào các tân cử nhân. Theo ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, 3 tháng đầu năm nay có tới hơn 21% thanh niên độ tuổi 20-24 có trình độ đại học trở lên không tìm được việc làm[ii]. Có nghĩa là cứ 10 tân cử nhân đại học thì ít nhất có tới 2 người không có việc làm. Điều này thực sự là một thảm họa.

Có hai bí ẩn đặc biệt lớn. Thứ nhất, tại sao các cử nhân của chúng ta lại thất nghiệp nhiều như vậy? Phải chăng là chúng ta đang “thừa thầy thiếu thợ” như nhiều người vẫn nói? Hay ở một góc nhìn khác, nền kinh tế non kém của chúng ta không đủ khả năng hấp thụ từng đấy “tinh hoa” do hệ thống đại học/cao đẳng sản xuất ra hàng năm? Thứ hai, tình trạng thị trường lao động như vậy các tân tú tài có biết không? Nếu biết thì tại sao các tân tú tài của chúng ta vẫn xếp hàng vào đại học/cao đẳng như đàn gà xếp hàng vào lò mổ? Dẫu biết rằng “cơ hội” để thất nghiệp khi khoác lên mình tấm áo cử nhân tăng lên những 2,4 lần so với không đi học các trường này, và đặc biệt “cơ hội” thất nghiệp sau khi ra trường lên tới 21%?

Lò mổ của các tú tài

Thực ra tỷ lệ người có bằng đại học/cao đẳng trong lực lượng lao động ở Việt Nam không phải lớn (5,2 trong số 53,6 triệu, chiếm 9,7%) và câu chuyện không phải nằm ở chỗ Việt Nam có quá nhiều cử nhân đại học/cao đẳng mà nhiều người vẫn nói. Tỷ lệ này ở Việt Nam không hề cao, thậm chí là cực thấp. Đây không phải là câu chuyện so với Mỹ (65,4%[iii]) vì Mỹ đã đi trước Việt Nam hàng trăm năm, mà chỉ cần so với Thái Lan hay Malaysia là đủ. Tỷ lệ này ở Thái Lan năm 2012 là 17% còn ở Malaysia là 24% (theo Ngân hàng Thế giới[iv]).

Thế nhưng ngay cả với Thái Lan và Malaysia thì Việt Nam cũng đi sau họ vài thập kỷ, vì thế tỷ lệ 17% ở Thái Lan và 24% ở Malaysia có thể cũng không nên dùng để so sánh với Việt Nam. Đáng tiếc là Ngân hàng Thế giới không có số liệu khoảng 20 năm trước ở Thái Lan và Malaysia, vì thế khó so sánh.

Số liệu “xưa” nhất mà Ngân hàng Thế giới có về Thái Lan và Malaysia là vào năm 2008 với tỷ lệ 15% và 21%. Như vậy sau 4 năm, Thái Lan tăng 2% (trung bình 0.5% mỗi năm) còn Malaysia tăng 3% (trung bình 0.75% mỗi năm). Nếu dùng tốc độ trung bình này để tính ngược lại vào thời điểm mà Thái Lan và Malaysia có tỷ lệ giống như Việt Nam hiện nay (9,7%) thì sẽ vào năm 1993 đối với Malaysia và 1997 đối với Thái Lan. Tại các thời kỳ này GDP bình quân đầu người của Thái Lan (khoảng 2500 USD vào năm 1997) và Malaysia (khoảng 3400 USD vào năm 1993[v]) đều cao hơn GDP bình quân đầu người Việt Nam hiện nay (khoảng 2000 USD).

Thế nên xét về tương quan với GDP bình quân đầu người thì có vẻ như Việt Nam đào tạo nhiều cử nhân hơn hai nước bạn hồi GDP bình quân đầu người tương tự Việt Nam hiện nay (theo cách ước lượng tuyến tính ở trên). Dẫu sao, công nghệ trong 20 năm qua có sự thay đổi rất nhanh, và vì thế nhu cầu đối với các cử nhân có lẽ cũng cao hơn hồi 20 năm trước. Vì thế tạm kết luận tỷ lệ 9,7% cử nhân trong lực lượng lao động của Việt Nam trong thời điểm này là không quá cao và cũng không quá thấp.

Mà nếu nhìn như vậy thì câu chuyện thất nghiệp của các tân cử nhân ở Việt Nam không phải do vấn đề “thừa thầy thiếu thợ”. Hệ thống đại học/cao đẳng của chúng ta không phải tạo ra nhiều cử nhân đến mức vượt xa nhu cầu của nền kinh tế non kém hiện tại. Chúng ta không đào tạo nhiều hơn xét về mặt tỷ lệ so với các nền kinh tế khác tại thời điểm cùng trình độ kinh tế.

Vậy thì tại sao các cử nhân lại thất nghiệp nhiều như vậy? Vấn đề chỉ có thể nằm ở chất lượng đào tạo của hệ thống các trường đại học/cao đẳng ở Việt Nam. Nó chỉ có thể được giải thích bằng lý do duy nhất là hệ thống này nhìn chung có chất lượng quá thấp, quá tệ hại, đến mức mà thị trường lao động không muốn, và không tải nổi, một phần sản phẩm do hệ thống này đào tạo ra và vì vậy họ trở nên thất nghiệp.

Nhiều tân tú tài, vô tình hoặc cố ý, đã biến mình thành các nạn nhân tại nhiều trường đại học/cao đẳng như vậy. Những trường này tồn tại không khác gì một thứ lò mổ đón chờ các tân tú tài đến nộp mạng, vừa phí tiền, phí thời gian, không học được cái gì mới, tốt, thay vào đó lại nhiễm phải các thói quen, cách làm việc tệ hại, lười biếng, từ đó giết chết tương lai của họ.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG