Đường dẫn truy cập

Đại biểu Quốc hội Việt Nam có quốc tịch châu Âu xin thôi chức


Ông Phạm Phú Quốc, trong một lần phát biểu tại nghị trường Quốc hội, đã xin thôi tư cách đại biểu Quốc hội và chức TGĐ Cty Tân Thuận sau khi bị phát hiện có hai quốc tịch. (Ảnh chụp màn hình Đầu Tư online)
Ông Phạm Phú Quốc, trong một lần phát biểu tại nghị trường Quốc hội, đã xin thôi tư cách đại biểu Quốc hội và chức TGĐ Cty Tân Thuận sau khi bị phát hiện có hai quốc tịch. (Ảnh chụp màn hình Đầu Tư online)

Ông Phạm Phú Quốc, vị đại biểu Quốc hội vừa bị phanh phui có hộ chiếu châu Âu, đã xin thôi tư cách ĐBQH cũng như từ bỏ chức vụ tổng giám đốc mà ông nắm giữ ở một công ty 100% vốn nhà nước.

Trước đó, một bài báo điều tra của hãng tin Al Jazeera hôm 24/8, trong đó tiết lộ một tài liệu mật về chương trình hộ chiếu của Cộng hoà Síp (Cyprus) cho phép các chính trị gia “dễ tham nhũng” có thể có được tấm hộ chiếu nước này để trở thành công dân châu Âu, và ông Quốc, một thành viên Quốc hội Việt Nam đại diện TPHCM, có tên trong danh sách các chính trị gia “mua hộ chiếu vàng” đảo Síp.

Một ngày sau đó, lãnh đạo văn phòng Quốc hội Việt Nam cho biết đang xác minh sự việc này. Cùng ngày 25/8, ông Quốc thừa nhận khi trả lời phóng viên trong nước rằng ông có quốc tịch đảo Síp từ năm 2018 nhưng cho biết rằng tại thời điểm ứng cử đại biểu Quốc hội vào năm 2016, ông chỉ có một quốc tịch Việt Nam.

Thông tin ông Quốc xin thôi tư cách ĐBQH và chức tổng giám đốc công ty Tân Thuận – có 100% vốn thuộc Văn phòng Thành uỷ TPHCM ­– được Chánh văn phòng UBND TPHCM Hà Phước Thắng cho biết hôm 1/9, theo các bản tin trên nhiều trang mạng trong nước.

Theo ông Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ báo cáo Quốc hội để bãi miễn tư cách ĐBQH của ông Quốc trong tuần này.

“Ông Quốc có quốc tịch thứ 2 nhưng không khai báo là thể hiện việc không gương mẫu, không chấp hành quy định của Đảng,” ông Thắng được truyền thông trong nước trích lời nói tại buổi họp báo hôm 1/9. “Ông Quốc đã xin thôi ĐBQH, thôi chức vụ Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận và tiến hành giải trình.”

Chánh văn phòng UBND TPHCM cho biết sự việc sẽ được giải quyết trong tháng 9.

Ông Quốc, 52 tuổi, cùng vợ được xác định xin quốc tịch theo diện Đầu tư vào bất động sản và phát triển các dự án cơ sở hạ tầng ở Cộng hoà Síp, một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Hồ sơ của ông Quốc nằm trong những tài liệu mà Al Jazeera thu thập được, bao gồm hơn 1.400 đơn đăng ký với tên của hơn 2.500 người nhận được hộ chiếu đảo Síp từ 2017 đến 2019. Và với mức đầu tư ít nhất là 2,5 triệu USD, người chủ đầu tư có thể sở hữu hội chiếu đảo Síp, được coi là tấm vé trở thành công dân châu Âu và có thể đi lại tự do ở 27 nước thành viên EU cũng như nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.

Trong những ngày qua, nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam kêu gọi giới chức chính quyền điều tra về nguồn gốc số tiền mà gia đình ông Quốc dùng để “mua” quốc tịch. Tuy nhiên, tại buổi họp báo hôm 1/9, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM Nguyễn Như Khuê “đề ghị mọi người không nên suy diễn từ đâu đại biểu Phạm Phú Quốc có 2,5 triệu USD để mua quốc tịch.”

“Chúng ta tôn trọng lời của ông Quốc là do tài sản gia đình,” ông Khuê được Zing trích lời nói. “Không nên mở vấn đề đi xa quá.”

Người đứng đầu ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM cho biết “việc đánh giá cán bộ có nơi còn hời hợt, nhìn nhận cán bộ không sâu” và cho rằng “đây là bài học cho mỗi cán bộ công chức để tự vấn.”

Năm 2016, nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường sau khi thừa nhận mang quốc tịch Malta, có tài khoản nước ngoài và cổ phiếu quỹ Malta đã bị bãi nhiệm đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội vì “vi phạm” Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử Quốc hội và Luật Quốc tịch.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch năm 2014 cho phép một số công dân được mang hai quốc tịch, trong đó gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay trẻ em là con nuôi. Còn Luật sửa đổi bổ sung của Luật Tổ chức Quốc hội, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021, yêu cầu các ĐBQH “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG