Mặc dù lúc đầu gặp rất nhiều phản đối do những lo ngại về chủ quyền, các đặc khu kinh tế của Trung Quốc từ chỗ dè dặt với bốn đặc khu ban đầu giờ đây đã lên đến hàng trăm dưới nhiều hình thức khác nhau trên khắp cả nước, biến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong việc thực hiện chính sách đặc khu kinh tế.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là các đặc khu kinh tế Trung Quốc mở ra là bước đi táo bạo cách nay gần bốn thập niên vào lúc nền kinh tế chỉ huy và kế hoạch hóa của nước này vẫn đang trong giai đoạn gần như hoàn toàn khép kín với thế giới bên ngoài.
Trong khi đó, theo ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu IDS, nói với VOA thì nền kinh tế Việt Nam hiện nay có độ mở lớn hơn nhiều so với nền kinh tế Trung Quốc vào cuối những năm 70 khi nước này mới thực hiện những bước đi đầu tiên trong quá trình ‘cải cách khai phóng’. Do đó, theo ông A thì câu chuyện thành công trong mô hình đặc khu của Trung Quốc khó mà lặp lại trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay.
Trong khi Việt Nam mới bắt đầu làm quen với mô hình ‘đặc khu kinh tế’ với Dự luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đang được đặt lên bàn Quốc hội để tạo cơ sở pháp lý cho ba đặc khu đầu tiên ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, thì Trung Quốc đã mở đặc khu kinh tế đầu tiên của họ ở tỉnh Quảng Đông vào năm 1979.
Bốn đặc khu đầu tiên của họ là Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu thuộc tỉnh Quảng Đông và Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến là những cánh cửa đầu tiên Trung Quốc mở ra với thế giới bên ngoài để thử nghiệm những chính sách mới trong quá trình cải cách mở cửa mà sau này được áp dụng rộng rãi trên cả nước để cuối cùng dẫn đến sự phát triển nhảy vọt của kinh tế Trung Quốc trong những năm sau đó.
Bước đi táo bạo
Vào lúc đầu, các đặc khu kinh tế này đã gặp nhiều phản đối.
Trong cuốn sách “Kinh tế Trung Quốc – Chuyển đổi và Tăng trưởng”, ông Barry Naughton, một nhà nghiên cứu hàng đầu về kinh tế Trung Quốc của Hoa Kỳ tại Trường Chính sách và Chiến lược Toàn cầu thuộc Đại học California, San Diego, cho biết các đặc khu cho phép doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tự do trong lãnh thổ Trung Quốc là một chủ đề rất nhạy cảm vào lúc đó do nước này có lịch sử bị các nước phương Tây chèn ép với các tô giới.
“Các đặc khu kinh tế bị những người bảo thủ chống đối cải cách cho là xâm phạm chủ quyền Trung Quốc,” GS Naughton viết. Nhưng chính vì vậy mà việc mở các đặc khu, với sự vận động của tỉnh Quảng Đông và sự hậu thuẫn của chính quyền Trung ương, nhất là sự ủng hộ của ông Đặng Tiểu Bình, được xem là một chỉ dấu mạnh mẽ của cam kết Trung Quốc mở cửa với thế giới bên ngoài.
“Bằng cách chứng tỏ cho các doanh nghiệp nước ngoài thấy Trung Quốc sẽ duy trì một môi trường mở tại các địa điểm cụ thể, dễ dàng giám sát, các đặc khu kinh tế đã giúp tăng cường lòng tin vào quá trình cải cách,” ông Naughton cho biết.
“Đồng thời các đặc khu cũng đóng vai trò biểu tượng quan trọng mỗi khi quá trình cải cách bị thách thức: đích thân ông Đặng Tiểu Bình đã đi thăm đặc khu kinh tế Thâm Quyến hai lần vào các năm 1984 và 1992 và tuyên bố ủng hộ hoạt động của đặc khu – tiền đề cho một làn sóng mở cửa cải cách tiếp theo.”
Nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, các đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc đưa ra nhiều ưu đãi, chẳng hạn như: nguyên liệu và các bộ phận sản phẩm được miễn thuế khi nhập khẩu và không phải thông qua thủ tục hành chính, các sản phẩm xuất khẩu cuối cùng được xuất ra khỏi đặc khu mà không phải chịu thuế xuất khẩu hay thuế kinh doanh. Như vậy, nếu xét về hải quan thì các đặc khu này được xem là nằm ngoài đất nước.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được miễn thuế thu nhập từ ba cho đến 10 năm. Các thủ tục hành chính được đơn giản hóa thông qua việc phối hợp cấp giấy phép qua ‘cơ chế một cửa’ và các giới hạn về tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài và giới hạn thuê mướn nhân công nước ngoài được miễn. Các đặc khu này còn hoạt động như một thực thể thương mại – xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp điện nước với mức giá được trợ cấp cho các công ty nước ngoài.
Các đặc khu còn được giao nhiệm vụ thử nghiệm các chính sách cải cách kinh tế, chẳng hạn như Thâm Quyến thử nghiệm chính sách tiền lương linh hoạt, kêu gọi đấu thầu cho các dự án xây dựng, và phát triển thị trường bất động sản qua việc cho thuê đất. Các đặc khu được trao quyền tự trị lớn đơn cử như được quyền giữ lại phần lớn thu nhập từ thuế và ngoại tệ kiếm được từ xuất khẩu.
Các ưu đãi này hấp dẫn đến nỗi còn khiến một số doanh nghiệp nội địa phải thành lập chi nhánh hay đăng ký kinh doanh ở nước ngoài để có thể được hưởng các ưu đãi này, chẳng hạn như phải chịu mức thuế có 15% thay vì 30%.
Lan tỏa và mở rộng
Làn sóng đầu tư nước ngoài không chỉ đến với các đặc khu mà còn lan tỏa ra vùng nông thôn xung quanh, theo GS Naughton. Trong giai đoạn đầu của quá trình cải cách, đầu tư từ Hong Kong bắt đầu đến với nhiều nơi trên tỉnh Quảng Đông và vùng đồng bằng sông Châu Giang, vượt khỏi phạm vi các đặc khu kinh tế ban đầu.
Chuyến thăm đến đặc khu Thâm Quyến của Đặng Tiểu Bình vào năm 1984 đã khởi đầu làn sóng tự do hóa kinh tế thứ hai của Trung Quốc sau khi ông Đặng tuyên bố đặc khu Thâm Quyến là ‘thử nghiệm thành công’. Mười bốn ‘Thành phố Mở’, bao gồm Thượng Hải, được chỉ định dọc vùng ven biển, và tất cả những thành phố này đều thiết lập Đặc khu Phát triển kinh tế và Kỹ thuật (ETDZ) với nhiều những ưu đãi tương tự như các đặc khu kinh tế. Tiếp đó, các đặc khu khác cũng nhanh chóng nhân rộng. Toàn bộ đảo Hải Nam trở thành một đặc khu kinh tế mới trong khi các đặc khu Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn được mở rộng diện tích lên hàng chục lần. Nhiều vùng đất rộng lớn được cho phép mở cửa đón đầu tư nước ngoài, trong đó có những khu vực thuần là nông thôn, bao gồm vùng đồng bằng sông Châu Giang ở Quảng Đông, vùng đồng bằng sông Dương Tử quanh Thượng Hải và vùng ven biển của tỉnh Phúc Kiến gần Hạ Môn.
Cho đến đầu những năm 1990, thêm một đặc khu kinh tế nữa ra đời đánh dấu làn sóng mở cửa lần thứ ba của Trung Quốc: đó là đặc khu Phố Đông ở giữa lòng Thượng Hải – lần đầu tiên đặc khu được mở ở giữa lòng thành phố phát triển nhất của Trung Quốc với dân số 1,1 triệu người. Thêm vào đó là 18 khu ETDZ nữa ra đời trong hai năm 1992-1993, tiến lên phía bắc và tiến sâu vào nội địa Trung Quốc.
Cho đến năm 2003 đã có trên 100 đặc khu đầu tư được Chính phủ trung ương công nhận, 54 khu ETDZ ở cấp độ quốc gia, 53 khu công nghiệp kỹ thuật cao HIDZ và 15 khu vực đặc biệt nơi hàng hóa được để hợp pháp bên ngoài hàng rào quan thuế quốc gia. Thêm vào đó là hàng trăm đặc khu do chính quyền các địa phương mở.
Còn theo thống kê của Ngân hàng Thế giới thì cho đến năm 2013 đã có đến 191 ETDZ ở cấp độ quốc gia. Bên cạnh những đặc khu kinh tế kể trên thì cũng xuất hiện nhiều dạng đặc khu khác ở các cấp độ khác, bao gồm các khu HIDZ, khu mậu dịch tự do FTZ, khu chế xuất EPZ và các dạng đặc khu khác.
Đóng góp lớn
Ngoài chức năng thử nghiệm mô hình mới vào lúc Trung Quốc bắt đầu mở cửa, các đặc khu đầu tiên này đã giúp thu hút đầu tư nước ngoài, đem về nguồn ngoại tệ vốn rất cần thiết cho Trung Quốc vào thời điểm đó, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đa dạng hóa cơ cấu kinh tế và nhất là giúp Trung Quốc tiếp nhận những công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của thế giới mà sau đó lan tỏa đến các địa phương khác trong cả nước và lan đến những công ty nội địa.
Theo bản báo cáo có tựa đề ‘Kinh nghiệm Đặc khu Kinh tế toàn cầu’ của Douglas Zhihua Zeng thuộc Ngân hàng Thế giới được công bố vào năm 2015 thì các đặc khu kinh tế Trung Quốc đã có đóng góp to lớn vào GDP quốc gia, tạo việc làm, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Bản báo cáo ước tính rằng các đặc khu ở cấp độ quốc gia chiếm khoảng 22% GDP toàn quốc, 46% vốn đầu tư nước ngoài, 60% lượng hàng xuất khẩu và tạo ra trên 30 triệu việc làm.
Báo cáo này cho biết sự kết hợp của các chính sách ưu đãi và tập hợp đúng các yếu tố sản xuất đã tạo nên đà tăng trưởng chưa từng thấy cho các đặc khu kinh tế. Bên cạnh những con số đóng góp vào nền kinh tế quốc gia, các đặc khu này còn làm thành hình mẫu cho các khu vực khác của đất nước làm theo. Ngoài ra, những cải cách thể chế bên trong các đặc khu đã dẫn đến sự tương đồng giữa một loạt các yếu tố sản xuất trong nước và quốc tế giúp đẩy nhanh tăng trưởng. Ở nhiều địa phương, các khu công nghiệp tạo khoảng từ 50 cho đến 80-90% tăng trưởng GDP.
Báo cáo này đã chỉ ra một loạt nhân tố khiến giúp cho các đặc khu kinh tế này thành công, đó là: cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc thực thi những cải cách theo định hướng thị trường’; cải cách trong chính sách đất đai để cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất với thời hạn 20-50 năm và có thể gia hạn’; các chính sách ưu đãi đầu tư và giao quyền tự trị về thể chế; đầu tư từ cộng đồng gốc Hoa ở Hong Kong, Macao và Đài Loan; tiếp thu công nghệ, sáng tạo và mối liên kết chặt chẽ với nền kinh tế nội địa và thuận lợi về mặt vị trí địa lý…