Đường dẫn truy cập

Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ duyệt xét lại visa của ký giả nước ngoài


Ứng viên chức vụ Tổng giám đốc Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM) Michael Pack trong buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ.
Ứng viên chức vụ Tổng giám đốc Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM) Michael Pack trong buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ.

Khoảng 76 ký giả người nước ngoài làm việc cho Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) tại Washington đang đối mặt với khả năng visa của họ, nhiều trường hợp hết hạn trong tháng này, có thể không được tái tục.

Một phát ngôn viên của Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM) ngày 9/7 cho biết USAGM đang đánh giá các đơn xin tái tục visa J-1 từng trường hợp một. Đài VOA có 62 nhân viên hợp đồng và 14 nhân viên toàn thời gian đang có mặt tại Mỹ theo visa J-1. Không rõ bao nhiêu ký giả tại những thực thể khác của USAGM cũng bị ảnh hưởng.

Cho đến nay không có ký giả nào trong số này đệ đơn xin gia hạn visa J-1 có vẻ như bị bác thẳng thừng. Tuy nhiên, có ít nhất một ký giả đã quá thời hạn chót để gia hạn và phải rời khỏi Mỹ vào cuối tháng này. Những ký giả khác của VOA còn một vài tuần nữa, trước khi có thể sẽ bị buộc về nước, nơi họ lo sợ có thể bị trả thù vì làm việc cho VOA.

Phát ngôn viên của USAGM nói việc duyệt xét lại visa nhằm cải tiến công tác quản lý, bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ và đảm bảo là thẩm quyền tuyển dụng không bị lạm dụng.

J-1 là loại visa không định cư cho phép nhập cảnh Mỹ các cá nhân có năng lực đặc biệt, những người được chấp thuận cho tham gia các chương trình trao đổi dựa trên việc làm-và việc học. Visa này thường được cấp trong thời gian vài năm và được tái tục hay gia hạn. Tuy nhiên J-1 cũng nằm trong số một vài loại visa tạm thời bị chính quyền Trump cấm để đáp ứng với đại dịch virus corona, và vì chính quyền tin rằng những người có loại visa này chiếm mất việc làm của công dân Mỹ.

Do phải cung cấp nội dung báo chí chuyên nghiệp chất lượng cao trong hơn 40 ngôn ngữ, VOA thường gặp khó khăn trong việc tìm đủ nhân lực người Mỹ có kỹ năng làm báo lẫn khả năng ngôn ngữ cần thiết để đảm bảo các chương trình phát sóng của VOA. Trong những trường hợp này, VOA lâu nay dựa vào những cá nhân tuyển dụng từ những nước liên hệ hay những di dân mới đến còn phải mất một chặng đường dài mới trở thành công dân Mỹ.

VOA và những cơ quan chính phủ khác thường điều nghiên xem xét kỹ lưỡng việc tái tục các visa J-1, thường do bên thuê mướn lao động nộp đơn và đệ trình lên Bộ Ngoại giao. Trong quá khứ, một số ký giả nước ngoài tại VOA đã buộc phải rời khỏi công việc vì visa không được tái tục. Hiện chưa rõ tiến trình duyệt xét của USAGM năm nay khác với các năm trước ra sao.

“Để cải tiến quản lý cơ quan và bảo vệ an ninh quốc gia Hoa Kỳ, bắt buộc phải xác quyết là thẩm quyền tuyển dụng và các thủ tục nhân sự không bị lạm dụng. Do đó, USAGM đang tiến hành việc đánh giá toàn diện, từng trường hợp một, các nhân viên hợp đồng, hiện có visa J-1,” theo tuyên bố của phát ngôn viên USAGM. Lúc công bố tin này, USAGM chưa hồi đáp câu hỏi của VOA rằng liệu nhân viên toàn thời gian có visa J-1 có nằm trong cuộc duyệt xét năm nay hay không.

Tổng giám đốc USAGM, Michael Pack, được Tổng thống Donald Trump đề cử lãnh đạo USAGM cách đây hai năm. Nhưng với sự chống đối mạnh mẽ của phe Dân chủ, việc chuẩn nhận bị trì hoãn cho đến tháng 6 năm nay. Kể từ khi ông Pack được chuẩn nhận, các lãnh đạo của 5 mạng lưới truyền thông mà USAGM quản trị đã từ chức hay bị sa thải. Ông Pack nói với tờ Washington Times trong một cuộc phỏng vấn tháng này rằng ông đang nỗ lực điều chỉnh lại những quản lý yếu kém trong quá khứ.

“Kế hoạch của tôi, tôi nghĩ mọi người tại Tòa Bạch Ốc và những người khác biết, là đảm bảo các cơ quan này phải có trách nhiệm chu toàn nhiệm vụ, mà trong trường hợp của [Đài Tiếng nói Hoa Kỳ] là hiến chương của đài, đó là điều tôi định làm,” ông nói với Washington Times.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG