Ông William Barr, tân Bộ trưởng Tư pháp Mỹ vừa nhận nhiệm sở, sẽ phải có một quyết định hết sức khó khăn về mặt chính trị và pháp lý về chuyện công bố bao nhiêu nội dung bản báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, các chuyên gia pháp lý nhận định.
Ông sẽ phải cân bằng đòi hỏi đối nghịch nhau từ phía Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ ở Quốc hội.
Quyết định này sẽ đặt ra cho ông Barr, một người kỳ cựu hiểu rõ nội tình Washington, thử thách lớn đầu tiên kể từ khi trở thành quan chức thực thi pháp luật hàng đầu nước Mỹ hồi tháng trước – một vị trí đầy rủi ro. Hồi cuối năm ngoái, ông Trump đã sa thải ông Jeff Sessions, người tiền nhiệm của ông Barr sau khi than phiền trong nhiều tháng về quyết định của ông Sessions từ chối giám sát cuôc điều tra về sự can thiệp bầu cử của Nga.
“Tôi nghĩ rằng ông Barr đang ở trong tình huống tồi tệ đứng trên quan điểm ông ấy phải làm hài lòng hai ông chủ vốn có mong muốn hết sức khác nhau,” ông Michael Zeldin, một cựu công tố viên liên bang, nhận định. “Trên tay ông ấy là một cơn ác mộng chính trị.”
Ông Mueller, người dẫn đầu cuộc điều tra kể từ tháng 5 năm 2017, sắp sửa trình lên cho ông Barr bản báo cáo mật về việc liệu ban vận động tranh cử của ông Trump có âm mưu cùng với Nga hay không và liệu vị Tổng thống Đảng Cộng hòa này có tìm cách cản trở cuộc điều tra một cách bất hợp pháp hay không.
Đảng Dân chủ, vốn quan ngại rằng ông Barr sẽ tìm cách bảo vệ ông Trump và che giấu một số phần của bản báo cáo, đã đe dọa sẽ ra trát đòi trình báo cáo và sẽ ra tòa nếu cần để buộc ông Barr phải công bố báo cáo. Về phần mình, ông Trump có thể sẽ gây sức ép với ông Barr để che giấu những nội dung có hại trong báo cáo và công bố những phát hiện giúp ‘giải tội’ cho ông.
Phe Dân chủ đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện từ đầu năm nay và giờ đây nắm quyền ra trát. Một số ủy ban chuyên trách của Hạ viện đang điều tra ông Trump. Những kết quả của cuộc điều tra của ông Mueller sẽ rất quan trọng đối với bất cứ động thái nào ở Quốc hội để luận tội và phế truất Tổng thống Trump.
Nếu bản báo cáo chứa đựng ‘bằng chứng cho thấy sai trái của một Tổng thống Mỹ tại nhiệm’ thì “tôi nghĩ anh nên tin rằng sự quan tâm của công chúng là hết sức mãnh liệt đến nỗi sẽ có cơ chế để công bố bản báo cáo đó, và tôi nghĩ rằng cách giải quyết dễ dàng của Barr là nói rằng: ‘Tùy vào Quốc hội’,” ông Matthew Jacobs, một cựu công tố viên liên bang nay làm việc cho công ty luật Vinson & Elkins, nhận định.
Ông Barr, 68 tuổi, từng làm Bộ trưởng Tư pháp từ năm 1991 cho đến 1993 dưới thời cựu Tổng thống George H.W. Bush. Ông có quan điểm hết sức cởi mở về quyền lực Tổng thống. Vào năm ngoái, khi ông Sessions vẫn còn là Bộ trưởng Tư pháp, ông Barr đã gửi một bản ghi nhớ không được yêu cầu đến Bộ Tư pháp trong đó ông phủ nhận quyền lực của ông Mueller trong việc điều tra ông Trump cản trở công lý.
Trên phương diện pháp lý, ông Barr có một lộ trình dưới dạng các quy định của Bô Tư pháp về việc bổ nhiệm Công tố viên đặc biệt. Những quy định này đòi hỏi ông phải thông báo cho các thành viên Dân chủ và Cộng hòa hàng đầu ở các Ủy ban Tư pháp của Hạ viện và Thượng viện sau khi ông Mueller hoàn tất cuộc điều tra.
Tuy nhiên, những quy định này không yêu cầu phải công bố toàn bộ báo cáo điều tra và rõ ràng ngăn không cho ông Barr giao nộp nó cho Quốc hội. Tuy nhiên, ông Barr được quyền theo quy định công bố một phần nội dung bản báo cáo nếu như nó nằm trong lợi ích của công chúng.
Với việc quyết định nội dung nào sẽ công bố, ông Barr sẽ đối diện các vấn đề pháp lý gai góc về tính bí mật của phiên điều trần của bồi thẩm đoàn, bảo vệ những thông tin mật, những trao đổi với Nhà Trắng có khả năng tuân theo nguyên tắc đặc ân vốn bảo đảm cho một số thông tin không được tiết lộ, và giữ kín những lý do bí mật về việc tại sao một số cá nhân không bị truy tố.
Một số nhân vật trong ban vận động tranh cử của ông Trump đã nhận tội hay thậm chí bị kết tội trong cuộc điều tra của ông Mueller trong khi một số người không bị truy tố. Nếu báo cáo này đưa ra bằng chứng rằng ông Trump đã phạm tội cản trở công lý hay những tội khác, ông Barr phải quyết định công bố bao nhiêu nội dung của nó.
Bộ Tư pháp tuân theo một chính sách đã có hàng chục năm rằng một Tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố hình sự mặc dù một số luật sư chất vấn kết luận đó. Cũng là vấn đề chính sách, Bộ Tư pháp cũng không phải công khai giải thích tại sao một cá nhân nào đó không bị truy tố.
“Tôi không biết rằng Bộ Tư pháp có bao giờ gặp tình huống này chưa khi mà lý do một người không bị truy tố về tội danh nào đó là vì người đó được miễn trừ do chức vụ và do đó người đó sẽ bị luận tội,” ông Robert Litt, người từng là cựu cố vấn của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia và hiện làm việc cho công ty Morrison & Foerster, nói.
“Bản báo cáo này càng tai hại cho Tổng thống chừng nào, thì áp lực đối với ông Barr phải công bố nó càng lớn và đương nhiên là nếu nó giải tội hoàn toàn cho Tổng thống thì ông Trump sẽ muốn công bố nó,” ông Litt nói thêm.