Đường dẫn truy cập

Các chuyên gia: ‘EVFTA vẫn cực kỳ quan trọng với VN’


Xuất hiện nhiều lời kêu gọi hoãn EVFTA cho đến khi Việt Nam cải thiện nhân quyền
Xuất hiện nhiều lời kêu gọi hoãn EVFTA cho đến khi Việt Nam cải thiện nhân quyền

Sau khi một số thành viên Nghị viện châu Âu hồi tuần trước thông báo việc hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), một số nhà quan sát trong nước cho rằng không có hiệp định này cũng không “gây thay đổi gì nhiều” đối với tốc độ phát triển và độ mở của kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, hai nhà kinh tế giàu kinh nghiệm phản bác các nhận định kể trên. Chuyên gia Phạm Chi Lan và tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với VOA hôm 28/1 rằng Việt Nam vẫn rất cần EVFTA vì “các lợi ích được hưởng rất lớn” và những lợi ích đó “không chỉ là về mặt kinh tế”.

Cuối tuần qua, một số nhà quan sát Việt Nam không muốn nêu danh tính bày tỏ quan điểm với VOA rằng đất nước này đã có độ mở cửa của nền kinh tế “quá lớn rồi, không còn dư địa nhiều để mở nữa”, vì vậy, khi hiệp định thương mại với EU bị hoãn, dẫn đến việc Việt Nam chậm “nới thêm độ mở”, điều đó cũng không phải là “quá dở”.

Việt Nam được đánh giá “là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn trên thế giới” với tổng kim ngạch thương mại tương đương 200% [tổng sản phẩm quốc nội] GDP, theo lời phát biểu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại một diễn đàn về hợp tác kinh tế châu Á ở thành phố Bình Dương hồi cuối tháng 11/2018.

Hoàn toàn không có chuyện là có hay không có [EVFTA] cũng không ảnh hưởng đến nến kinh tế Việt Nam.
Nhà kinh tế Phạm Chi Lan

Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan, nữ chuyên gia kinh tế 77 tuổi, đưa ra ý kiến với VOA rằng tầm quan trọng của EVFTA không chỉ giới hạn ở vấn đề độ mở kinh tế của Việt Nam. Ngược lại, bà nói rằng cần chú ý đến việc hiệp định sẽ giúp mở cửa các nước đối tác ở châu Âu cho Việt Nam, nhờ đó Việt Nam sẽ có những điều kiện thuận lợi hơn để “thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường của họ, cũng như nhập khẩu các thiết bị, các công nghệ cần thiết cho sự cải thiện kinh tế của Việt Nam”.

Bên cạnh mối lợi về mua công nghệ từ các nước EU, bà Lan lưu ý đến việc Việt Nam muốn cử người giao lưu, học hỏi từ EU để phục vụ mục tiêu phát triển dài hạn, một khía cạnh khác về lợi ích từ EVFTA. Bà nói thêm:

“Việt Nam muốn trao đổi con người nhiều hơn để những người trẻ Việt Nam có điều kiện học hành và tiếp nhận những công nghệ, kỹ năng quản trị các mặt tốt hơn từ các nước này. Nên tôi cho rằng lợi ích Việt Nam được hưởng từ các nước này cũng rất lớn với Việt Nam. Hoàn toàn không có chuyện là có hay không có [EVFTA] cũng không ảnh hưởng đến nến kinh tế Việt Nam”.

Ghi nhận Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới nếu đo bằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP, nhưng tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với VOA rằng điều đó không có nghĩa rằng EVFTA không còn cần thiết với Việt Nam. Ông nêu ra những lý do Việt Nam vẫn “rất cần” hiệp định:

“EVFTA sẽ làm cho xuất khẩu của Việt Nam hiệu quả hơn, rồi tạo công ăn việc làm, quan hệ giữa Việt Nam và EU sẽ tốt lên, và một điểm rất quan trọng là với hiệp định này, Việt Nam có thể tạo thế quân bình hay là cân bằng giữa các khối lớn với nhau trên thế giới, như Mỹ, EU, TQ, Nhật Bản, Hàn Quốc…”

Một số nghị sĩ châu Âu hôm 22/1 nói việc thông qua EVFTA bị hoãn lại
Một số nghị sĩ châu Âu hôm 22/1 nói việc thông qua EVFTA bị hoãn lại

Một nhận định khác được một số nhà quan sát đưa ra trong cuối tuần qua là trước khi có hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã được Việt Nam phê chuẩn hổi tháng 11/2018, và hiệp định EVFTA mới bị hoãn, kinh tế Việt Nam vẫn đã tăng trưởng xấp xỉ 7%/năm, trong 4 năm gần đây, do đó, giờ đây việc hoãn EVFTA “có thể không gây ra thay đổi gì nhiều về tăng trường kinh của Việt Nam”.

Muốn duy trì tăng trưởng cao, tôi nghĩ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU là rất quan trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Đáp lại ý kiến này, tiến sĩ Nguyễn Quang A xem nó là một loại “ngụy biện nguy hiểm”. Ông cảnh báo rằng sẽ “rất khó” để Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng như trong quá khứ do thế giới trong tương lai biến động “khôn lường” và Việt Nam phải “đa dạng hóa” mối quan hệ kinh tế. Ông giải thích:

“Không nên nghĩ rằng năm ngoái được 7% thì sang năm cũng được 7%. Nếu mà nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam và ảnh hưởng đến cả thế giới. Muốn duy trì tăng trưởng cao, tôi nghĩ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU là rất quan trọng”.

Việt Nam cần phải đạt được tỉ lệ tăng trưởng khoảng 7% trong liên tục ba thập niên tới mới có thể trở thành nền kinh tế trung bình của thế giới với GDP là 1.000 tỷ đô la, theo ông Quang A.

Cũng nói về mục tiêu tương lai của Việt Nam, bà Phạm Chi Lan nhắc đến “khát vọng 2035”, do chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố hồi năm 2016, theo đó mục tiêu được đặt ra là sau hai thập niên nữa, Việt Nam trở thành nước có “thu nhập trung bình cao”.

Để Việt Nam đạt được khát vọng đó, nữ chuyên gia kinh tế có chung quan điểm với tiến sĩ Quang A rằng EVFTA là một thành tố “vô cùng quan trọng”, cùng với các hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác.

Trong bối cảnh EVFTA mới bị hoãn lại, mà theo lời một số nghị sĩ châu Âu thông báo qua các trang web của EU là do “trở ngại về nhân quyền” ở Việt Nam, bà Lan đưa ra lời tư vấn rằng Việt Nam nên nghiêm túc xem xét các khuyến nghị của EU ngõ hầu thúc đẩy việc phê chuẩn hiệp định.

Bà nhấn mạnh rằng Việt Nam không nên xem những vấn đề về quyền của người lao động và nhân quyền do EU đặt ra là sức ép của ngoại quốc, ngược lại, họ nên coi đó là những nhu cầu tự thân, vì lợi ích của chính đất nước. Bà nói với VOA:

“Trước hết, đây là [những vấn đề] phù hợp với lợi ích lâu dài của toàn thể người dân Việt Nam. Vì mình mà cải cách, và nó cũng mang lại những lợi ích cơ bản cho người dân của mình. Nếu đặt vấn đề như vậy, sẽ thấy những yêu cầu cải cách là yêu cầu tự thân của Việt Nam. Và Việt Nam dù có sức ép hay đòi hỏi từ bên ngoài hay không thì cũng tự mình phải cố gắng để mà làm”.

Lúc đó họ [giới cầm quyền] phải tự thay đổi để cạnh tranh với những thế lực chính trị khác. Nếu đi theo con đường như thế là con đường đẹp nhất cho dân tộc, cho đất nước. Còn họ cứ cố gắng chỉ đặt quyền lợi, quyền lực của họ lên trên hết, và tìm mọi cách để trấn áp, để đàn áp thì sẽ mất cả.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Từ vị trí còn là một nhà hoạt động vì tiến bộ, tiến sĩ Quang A, người từng điều trần trước ủy ban chuyên trách thương mại quốc tế của EU về EVFTA, cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện nhân quyền.

Ông nói trong ngắn hạn, điều đó không ảnh hưởng đến “ghế của các lãnh đạo”, trái lại, nếu cải thiện nhân quyền giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, tính chính đáng của chính quyền Việt Nam càng được củng cố và sẽ có lợi cho họ.

Về dài hạn, tiến sĩ Quang A dự báo rằng nếu Việt Nam thực hiện các cam kết về các quyền lập hội, lập công đoàn độc lập, v.v… nêu trong các hiệp định EVFTA và CPTPP, việc “giữ ghế” của giới lãnh đạo Việt Nam có thể bị “thách thức” theo hướng có lợi cho toàn dân. Ông nói:

“Lúc đó họ [giới cầm quyền] phải tự thay đổi để cạnh tranh với những thế lực chính trị khác. Nếu đi theo con đường như thế là con đường đẹp nhất cho dân tộc, cho đất nước. Còn họ cứ cố gắng chỉ đặt quyền lợi, quyền lực của họ lên trên hết, và tìm mọi cách để trấn áp, để đàn áp thì sẽ mất cả”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A phát biểu tại buổi điều trần của INTA và EVFTA ở Brussels, 10/10/2018
Tiến sĩ Nguyễn Quang A phát biểu tại buổi điều trần của INTA và EVFTA ở Brussels, 10/10/2018

Thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã ra sức vận động và đặt nhiều hy vọng vào việc EVFTA sẽ được Hội đồng châu Âu phê chuẩn vào tháng 2 và Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào tháng 3 để có thể có hiệu lực vào giữa năm 2019.

Nhưng trong tuần thứ tư của tháng 1, hai nghị sĩ EU đã đăng lên mạng đoạn video trong đó họ nói có “những lý do kỹ thuật” để hoãn thông qua EVFTA, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi đầy ẩn ý rằng “Liệu điều đó có xảy ra không nếu [Việt Nam] có nhiều nỗ lực hơn trong việc cải thiện nhân quyền?”

Trang web của Nghị viện châu Âu hồi tháng 2/2018 dẫn kết quả một nghiên cứu đánh giá tác động của EVFTA, cho thấy Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong các nước ASEAN với mức tăng 35% về xuất khẩu, 15% về GDP và 13% về lương bổng cho người lao động, so với kịch bản không có EVFTA.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU28) trong năm 2017 đạt 50,46 tỷ đô la, trong đó tổng lượng hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường EU đạt 38,27 tỷ đô la, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG