Đường dẫn truy cập

Czech kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh


Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh tại một buổi biểu tình phản đối đường "lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ ngoại giao Cộng hoà Czech vừa lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam thả tự do cho bà.
Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh tại một buổi biểu tình phản đối đường "lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ ngoại giao Cộng hoà Czech vừa lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam thả tự do cho bà.

Cộng hoà Czech vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ bắt giữ gần đây của chính quyền Việt Nam đối với nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh và kêu gọi trả tự do “ngay lập tức” cho người phụ nữ đã lập quỹ hỗ trợ các gia đình tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Bà Hạnh, một người tranh đấu bảo vệ nhân quyền ở Hà Nội, bị chính quyền khởi tố bắt tạm giam hôm 7/4 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, với mức án có thể tới 20 năm tù.

“Chúng tôi hết sức quan ngại về vụ bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh và những cáo buộc chống lại bà,” BNG Cộng hoà Czech nói trong một tuyên bố và được Đại sứ quán nước này ở Hà Nội đăng tải lại trên trang Facebook chính thức hôm 12/4.

Bà Hạnh từng ứng cử đại biểu Quốc hội với tư cách ứng viên độc lập năm 2016. Ngoài việc sáng lập Quỹ 50K để hỗ trợ đời sống cho gia đình các tù nhân lương tâm, bà Hạnh còn dùng tài khoản ngân hàng của mình để nhận tiền phúng điếu đám tang Cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần làng Đồng Tâm bị sát hại trong cuộc đột kích của công an Hà Nội hồi đầu năm 2020, của người dân khắp nơi gửi về.

“Đó là một người đã làm việc không mệt mỏi để hỗ trợ các gia đình của những người bị giam giữ một cách bất công,” BNG Czech nói trong tuyên bố. “Chúng tôi kêu gọi thả bà Nguyễn Thuý Hạnh ngay lập tức và vô điều kiện.”

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, cám ơn Sứ quán Séc đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho vợ ông qua trang Facebook cá nhân. Ông Chênh, người từng có nhiều bài viết mang tính chỉ trích trên trang blog cá nhân và mạng xã hội, cho biết bà Hạnh được đưa về nhà hôm 9/4 để gặp chồng và đưa lại một số vật dụng cá nhân trước khi bị đưa trở lại trại giam.

Theo truyền thông trong nước, bà Hạnh bị công an Hà Nội bắt tạm giam vì “hành vi chống phá Nhà nước.” Về việc phong toả tài khoản do bà Hạnh đứng tên quyên góp được hơn 500 triệu tiền “phúng viếng cụ Kình”, Bộ Công an nói rằng đây là một trong những biện pháp “chống khủng bố” mà pháp luật Việt Nam cho phép.

Công an Hà Nội bắt giữ bà Hạnh ngay trong tuần nhậm chức của tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, người từng có hàng thập niên làm trong ngành công an.

Ân xá Quốc tế (Amnesty International) là tổ chức nhân quyền quốc tế đầu tiên lên án việc bắt giữ bà Hạnh. Tổ chức có trụ sở ở London, Anh, cho rằng việc bắt bà Hạnh có “động cơ chính trị” và là hành động “vi phạm nhân quyền trắng trợn” của chính quyền Hà Nội. Theo phó giám đốc phụ trách các chiến dịch vận động của tổ chức này, Ming Yu Hah, bà Hạnh là “một nhà hoạt động truyền cảm hứng, người đã làm việc không mệt mỏi để hỗ trợ những người bị giam giữ bất công ở Việt Nam.”

Theo ông Chênh cho biết trong một đăng tải trên Facebook cá nhân, bà Hạnh đã đứng ra kêu gọi quyên góp tiền thuê luật sư cho những người trong hội Anh em Dân chủ bị đưa ra toà xử án và từ đó lập quỹ 50K để hỗ trợ “các gia đình tù nhân lương tâm đang gặp khó khăn.”

Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền, trong một tuyên bố đưa ra hôm 7/4 ngay sau khi bà Hạnh bị bắt, nói rằng bà Hạnh là một trong những nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền năng động nhất của Việt Nam trong những năm gần đây. Theo tổ chức này, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam “đã thực hiện nhiều biện pháp để đe doạ bà (Hạnh) buộc bà phải dừng hoạt động của Quỹ 50K, bao gồm triệu tập lên đồn công an để tra khảo, canh giữ không cho bà đi ra ngoài trong nhiều sự kiện, và bôi xấu bà trên truyền thông (do nhà nước kiểm soát). Đỉnh điểm của sự đàn áp là việc bắt giữ bà vào sáng (ngày 7/4).”

Tổ chức này kêu gọi người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ để “nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chấm dứt việc đàn áp người hoạt động và người bảo vệ nhân quyền.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG