Tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng, người vừa mãn án 6 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, nói với VOA rằng ông sẽ tiếp tục “hành trình đi tìm công lý” vì ông “bị bức cung, tra tấn và kết án oan”.
Ông Dũng, người từng viết blog dưới tên Dũng Phi Hổ, chia sẻ về bản án tù mà ông vừa trải qua.
“Theo như nhận thức của tôi và cũng xuyên suốt nhất quán như những gì tôi đã viết trong những năm qua tại trại giam Nam Hà hàng tháng, hàng quý, vào biên bản có liên quan đến vụ án của tôi, tôi đều viết và khẳng định vào trong các văn bản đó rằng đó là bản án bất công. Tôi bị bắt cóc, bị tra tấn và bị bức cung. Cho nên tôi sẽ tiếp tục hành tình tìm công lý”.
Hồi 27/9/2017, Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã chính thức bắt khẩn cấp ông Nguyễn Viết Dũng, vì có hành vi “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Ông Dũng kể lại việc ông cho rằng mình bị “tra trấn, đánh đập” khi ông bị tạm giam chờ xét xử ở trại tạm giam của Công an tỉnh Nghệ An:
“Tại trại tạm giam thì đa số những vấn đề mà tôi bị đánh đập, bị tra tấn, bị bức cung đều diễn ra tại đấy. Sau khi họ bắt cóc tôi tại một nhà ăn gần giáo xứ Song Ngọc đến khi họ đưa tôi về công an tỉnh, ép buộc tôi ký và hỏi tôi một số điều. Tuy nhiên, tôi giữ thái độ yên lặng thôi, không trả lời gì với họ cả.
“Bữa chiều thì họ đã đưa tôi vào trại tạm giam của công an tỉnh Nghệ An, tên thường gọi là trại tạm giam Nghi Kim. Tại đây, bên phía trại tạm giam đã bố trí để tôi ở vào một cái buồng mà ở đó có những con người đã được sự chỉ đạo để tra tấn tôi và đánh đập tôi và uy hiếp tinh thần tôi.
“Với điều kiện tồi tệ như thế, tôi bị cả 3 phía: phía công an điều ra có thể đánh tôi bất kỳ lúc nào, phía công an trại giam họ cũng có thể đánh tôi bất kỳ lúc nào, và hơn thế nữa đó là “những bạn tù”, mà thật ra cũng không phải là những người bạn tù, đó là những người được bố trí vào để đánh đập tôi. Thì tôi bị 3 vòng áp bức như thế thì tôi buộc phải nói hay viết những gì mà họ mong muốn”.
Khi được hỏi về nguyên nhân ông bị bắt và bị kết án, ông Dũng cho biết:
“Lý do đầu tiên mà họ đưa ra là về vấn đề là tôi đã lập đảng phái ôn hoà là đảng Cộng hòa. Phần thứ hai họ bắt tôi mà họ đưa vào trong cáo trạng đó là về vấn đề cờ vàng ba sọc đỏ, những cái video clip liên quan đến cờ vàng ba sọc đỏ và những hình ảnh có liên quan. Và những hành động cầm, căng, đeo cờ vàng ba sọc đỏ trên lãnh thổ của Việt Nam. Phần thứ ba là về những bài viết chia sẻ trên Facebook cá nhân. Ví dụ như... “Bản yêu sách 8 điểm của ông Hồ Chí Minh”, những bài về “Đọc lại bản án của chế độ thực dân Pháp” phần 1, phần 2, bởi vì lúc giờ tôi mới viết có 2 phần thì tôi đã bị bắt”.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời cơ quan điều tra khi ấy nói rằng ngoài việc lưu giữ 4 lá cờ của Việt Nam Cộng hòa tại nhà riêng, ông Dũng còn treo cờ vàng ba sọc đỏ tại khu di tích lịch sử Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), Dinh Độc Lập (Tp. Hồ Chí Minh) và tại khu du lịch Cồn Thới Sơn (tỉnh Tiền Giang) rồi chụp ảnh, quay video sau đó đăng tải trên trang Facebook cá nhân, chia sẻ phát tán công khai trên mạng Internet “nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ông Dũng chia sẻ nhận định về những cáo buộc trên:
“Cho đến bây giờ và xuyên suốt trong quá trình tôi buộc phải thi hình án, tôi cũng đã có rất nhiều đơn kháng cáo gửi đến ngài chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về vụ án của tôi để mong được xin xét lại bản án, để công bố tôi vô tội, bồi thường thiệt hại cho tôi…Tuy nhiên gần như là các đơn của tôi đều bị rơi vào im lặng.
“Tôi được cấp giấy bút để viết đơn, đề nghị xem chét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án của tôi. Tôi viết xong và tôi đã gửi đi vào ngày 17/7/2023. Tuy nhiên, từ ngày đó cho đến khi tôi ra khỏi trại giam, đến giờ phút này tôi cũng không biết là đơn của tôi đã gửi đi thật hay chưa?”.
VOA đã liên lạc Bộ Công an và Tòa án Nhân dân Tối cao và đề nghị họ cho ý kiến về trường hợp đề nghị giám đốc thẩm của ông Dũng, cũng như đã liên lạc Công an tỉnh Nghệ An liên quan việc ông bị “bức cung”, nhưng chưa được phản hồi.
“Đánh giá một cách tổng quát về chế độ nhà tù tại Việt Nam, tôi thấy, tất nhiên không phải ở nơi nào không vậy, đó là điều kiện tôi tệ. Từ phòng ở cho đến điều kiện ăn, ở cho đến những thứ khác. Ví dụ như tại trại giam Nam Hà thì họ không có đánh đập các nhóm thù nhân nữa. Tuy nhiên là họ tạo ra những điều kiện mà để một người nào đó có thể giữ vững được ý chí một thời gian dài là khá vất vả, đặc biệt trong môi trường biệt giam”, ông Dũng nói.
Trong phiên sơ thẩm vào tháng 4/2018, ông Dũng bị tuyên 7 năm tù và 5 năm quản chế, sau đó giảm xuống còn 6 năm tù và 5 năm quản chế tại phiên phúc thẩm vào tháng 8/2018.
Ông Nguyễn Viết Dũng, cùng với những nhà hoạt động khác đang bị giam cầm là Nguyễn Văn Hóa, Lê Đình Lượng, là những người tích cực giúp ngư dân các tỉnh miền trung khiếu kiện đòi nhà máy Formosa bồi thường thiệt hại do xả thải ra môi trường biển hồi năm 2016.
Trước đó, ông Dũng từng bị tuyên 15 tháng tù hồi năm 2015 vì tội “Gây rối trật tự công cộng,” theo Điều 245 của Bộ Luật hình sự, sau khi tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội.
Hồi đầu năm 2015, ông Dũng thành lập Đảng Cộng Hòa và Hội những người yêu quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Diễn đàn