Đường dẫn truy cập

Cứu trợ nạn nhân lũ lụt: Dân Việt tin ca sĩ hơn tổ chức quốc doanh


Người dân các tỉnh miền trung Việt Nam gặp khốn khó vì lũ lụt (ảnh chụp tại Quảng Trị, 12/10/2020)
Người dân các tỉnh miền trung Việt Nam gặp khốn khó vì lũ lụt (ảnh chụp tại Quảng Trị, 12/10/2020)

Khi lũ lụt ở các tỉnh miền trung Việt Nam đẩy hàng chục vạn người dân vào cảnh khốn khó, hôm 14/10, ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi quyên góp để cứu trợ các nạn nhân. Đến ngày 20/10, nữ ca sĩ nổi tiếng nhận được hơn 100 tỷ đồng từ nhiều người dân có hảo tâm, theo tin của Zing, VTC News, VietnamNet, Tuổi Trẻ và nhiều báo khác ở trong nước.

Trong cùng thời gian, nhiều tổ chức thuộc nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… cũng kêu gọi “sẻ chia, hỗ trợ” cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, song chưa có tin tức cho hay tổng số tiền họ thu được là bao nhiêu, có vượt qua con số mà ca sĩ Thủy Tiên huy động được hay không.

Lý giải về hiện tượng Thủy Tiên kêu gọi được số tiền khổng lồ trong vòng 6 ngày, một bài viết của VTC News chỉ ra rằng tuy nữ ca sĩ không phải là người nổi tiếng nhất Việt Nam, nhưng điều mấu chốt làm nên thành công của cô trong hoạt động thiện nguyện là “niềm tin và khả năng truyền cảm hứng”.

“Thủy Tiên đã nhận được sự tin tưởng cực lớn, bởi chính cô liều mạng lăn xả vào vùng lũ, lặn ngòi ngoi nước bê từng thùng mỳ đi cứu trợ đồng bào”, VTC News viết, đồng thời lưu ý rằng nữ ca sĩ không chỉ đến một thôn, một xã, chụp ảnh quay phim trong một hai ngày rồi về, mà cô đi cả tuần liền.

Họ tin cô sẽ làm từ thiện bằng cái Tâm của mình. Họ tin cô không ăn bớt, ăn xén. Họ tin là cô thực làm... Còn thực sự là họ không tin được chính quyền... Mặc dù phường, xã, tổ dân phố đến gõ từng nhà bắt nộp... Dân không tin chính quyền trong công tác từ thiện , đó là một thực tế.
Nhà văn-nhà báo Nguyễn Như Phong


Bài viết cũng nhấn mạnh rằng Thủy Tiên không chỉ trải qua vất vả, mà còn đối mặt với nguy hiểm, thậm chí cả về tính mạng, vì các nguy cơ bị nước cuốn, sạt lở đất, vùi lấp vẫn đang chực chờ.

Đối lập lại, VTC News nhắc đến thực tế đã được báo chí và người dân phản ánh nhiều lần trước đây là có quá nhiều vụ các quan chức địa phương “làm bậy” với tiền từ thiện.

“Nhiều cán bộ xã, thôn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để phân phát tiền không đúng đối tượng, phát cho họ hàng mình trong khi họ hoàn toàn không cần đến số tiền này. Không ít lần họ còn thu bớt số tiền lại ngay sau khi phát cho dân nghèo”, VTC News điểm lại.

Trên mạng xã hội, hiện tượng Thủy Tiên cũng được bàn luận rộng khắp với hầu hết các ý kiến ca ngợi việc làm của nữ ca sĩ, và đồng ý rằng niềm tin của người dân đặt vào Thủy Tiên nhiều hơn các tổ chức quốc doanh chính là yếu tố mang lại sự ủng hộ chảy về như thác đổ.

Trong số những người đưa ra ý kiến, nhà văn-nhà báo Nguyễn Như Phong viết trên trang cá nhân có khoảng 45.000 người theo dõi rằng nhiều người gửi tiền để Thủy Tiên chuyển đến nạn nhân lũ lụt “vì họ tin”.

Ca sĩ Thủy Tiên trao hàng cứu trợ cho nạn nhân lũ lụt ở miền trung Việt Nam, 15/10/2020
Ca sĩ Thủy Tiên trao hàng cứu trợ cho nạn nhân lũ lụt ở miền trung Việt Nam, 15/10/2020

“Họ tin cô sẽ làm từ thiện bằng cái Tâm của mình. Họ tin cô không ăn bớt, ăn xén. Họ tin là cô thực làm... Còn thực sự là họ không tin được chính quyền... Mặc dù phường, xã, tổ dân phố đến gõ từng nhà bắt nộp... Dân không tin chính quyền trong công tác từ thiện , đó là một thực tế”, ông Phong, từng là Phó Tổng biên tập báo Công An Nhân Dân và Tổng biên tập báo PetroTimes, viết.

Dẫn ra kinh nghiệm bản thân đã có vô số chuyến đi làm công tác xã hội-từ thiện ở các tỉnh Tây Bắc và nhiều nơi khác khi còn làm báo, ông Nguyễn Như Phong cho biết đã chứng kiến không ít cán bộ cấp địa phương gây khó khăn cho các đoàn từ thiện hoặc tìm cách bắt người nhận tiền, hàng từ thiện phải “chia sẻ”.

“Làm từ thiện mà cứ giao khoán cho mấy tổ chức đoàn thể là khéo mất toi. Nói thật là tôi mất niềm tin vào các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... và không bao giờ tôi phối hợp với các tổ chức này”, nhà văn-nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong bày tỏ.

Tiên chỉ là 1 cá nhân và Tiên sẽ làm việc theo cái tâm của 1 cá nhân mong muốn giúp đỡ cộng đồng, tiền trao tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua 1 tổ chức nào cả VÀ CŨNG KHÔNG TẠO RA 1 TỔ CHỨC NÀO CẢ.
Ca sĩ Thủy Tiên (viết trên fanpage)


Trong diễn đàn Góc nhìn Báo chí - Công dân và các trang cá nhân khác, nhiều người khẳng định rằng qua thảm nạn lũ lụt, người dân có thể thấy vai trò của các tổ chức quốc doanh như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… rất yếu ớt, chậm chạp, thậm chí hụt hơi trước yêu cầu của thực tiễn.

Tương phản lại, không ít người bình luận rằng một ca sĩ - mà theo quan niệm thông thường được coi là nữ nhi chân yếu tay mềm - lại có sức ảnh hưởng rộng lớn và làm việc hiệu quả, kịp thời hơn tất cả các đoàn thể cộng lại.

Trên trang Facebook có hơn 8,1 triệu người theo dõi, nữ ca sĩ Thủy Tiên cảm ơn sự ủng hộ và quan tâm của bạn bè và công chúng đối với hoạt động cứu trợ, từ thiện cô đang thực hiện.

Cô cũng khẳng định cô đang và sẽ làm việc “theo cái tâm của một cá nhân mong muốn giúp đỡ cộng đồng” với nguyên tắc là “tiền trao tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua 1 tổ chức nào cả”, đồng thời nữ ca sĩ nhấn mạnh “cũng sẽ không tạo ra một tổ chức nào cả”.

“Tiền người dân gửi cho Tiên đi trực tiếp giúp đỡ, là Tiên phải cầm đi, dù có cực đến mấy”, nữ ca sĩ nhấn mạnh.

Trong các cuộc thảo luận về “hiện tượng Thủy Tiên”, xuất hiện ý kiến của luật sư Ngô Ngọc Trai và một bài báo trên tờ Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng Việt Nam có Nghị định 64/2008 không cho những cá nhân, nhóm người như Thủy Tiên được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Tuy nhiên, luật sư Ngô Ngọc Trai và báo Pháp Luật TP.HCM nhận xét rằng nghị định ra đời cách đây 12 năm đã “lạc hậu”, đồng thời cũng là một văn bản dưới luật mà tự thân nó không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp.

Luật sư Trai và tờ báo kêu gọi rằng Nghị định 64/2008 “cần phải được nhanh chóng hủy bỏ”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG