Đường dẫn truy cập

Cựu Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak trong tình trạng nguy kịch


Cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak 84 tuổi, trong phiên tòa tuyên án ông về tội giết hại người biểu tình
Cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak 84 tuổi, trong phiên tòa tuyên án ông về tội giết hại người biểu tình
Các nguồn tin an ninh từ Ai Cập cho hay ông Hosni Mubarak, Tổng Thống Ai Cập bị lật đổ, đang trong tình trạng hôn mê và phải dùng máy hô hấp sau khi được đưa khẩn cấp từ nhà tù vào một bệnh viện quân sự tiếp theo sau một cơn tai biến mạch máu não.

Ông Mubarak được đưa vào bệnh viện Maadi ở phía Nam thủ đô Cairo. Sáng sớm hôm nay, các giới chức quân sự cho hay ông đang “sử dụng máy hô hấp nhân tạo.”

Các bản tin do hãng thông tấn MENA của nhà nước Ai Cập loan tải trước đó nói rằng các bác sĩ điều trị đã tuyên bố ông Mubarak “được coi như đã chết”, tuy nhiên quân đội Ai Cập nói hãy còn quá sớm để đưa ra thẩm định đó.

Một số người ủng hộ cựu Tổng Thống Mubarak đã tụ tập bên ngoài bệnh viện hôm nay, trong số này có ông Mahmoud Abdellah. Ông nhận định nhà lãnh đạo bị lật đổ của Ai Cập đã để lại một di sản vừa tích cực vừa tiêu cực.

Cảnh sát Ai Cập canh gác bên ngoài bệnh viện Maadi, nơi ông Mubarak đang trong tình trạng hôn mê
Cảnh sát Ai Cập canh gác bên ngoài bệnh viện Maadi, nơi ông Mubarak đang trong tình trạng hôn mê
Ông Abdellah nói ông và các ủng hộ viên khác đã đến đây để cầu nguyện cho Tổng Thống Mubarak, dù ông còn sống hay đã chết, những người ủng hộ sẽ cầu nguyện để ông được hưởng sự khoan dung của Thượng Đế, và hồi tưởng những điều tốt ông đã làm, bên cạnh những điều xấu.

Nhưng ở Quảng trường Tahrir, tâm điểm của các cuộc biểu tình đã buộc nhà lãnh đạo 84 tuổi phải từ bỏ vị thế quyền lực hồi năm ngoái, nhiều người khác, kể cả Ali Mohamed Ali, đang hướng nhìn về tương lai, bỏ lại thời đại Mubarak lại phía sau.

Anh Ali nói hình ảnh ông Mubarak không còn trong trái tim của người dân Ai Cập nữa, họ phải tập trung vào hiện tại và tương lai.

Quảng trường Tahrir tương đối yên tĩnh vào sáng sớm hôm nay, tiếp theo sau các cuộc biểu tình phản đối đêm hôm trước đã thu hút hàng ngàn người thuộc đủ mọi khuynh hướng chính trị kéo đến quảng trường để chống đối tuyên bố của các tướng lãnh đang cầm quyền tại Ai Cập, muốn nới rộng quyền hành đang nắm trong tay.

Cũng trong ngày hôm qua, ủy ban bầu cử Ai Cập cho hay họ đang cứu xét hàng trăm đơn khiếu kiện về những điểm bất thường trong cuộc bầu cử Tổng Thống vòng nhì giữa ông Mohammed Morsi của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và cựu Thủ Tướng Ahmed Shafiq.

Cả hai ứng cử viên đều tuyên bố mình thắng cử , nhưng một cuộc kiểm phiếu công khai được truyền thông nhà nước xác nhận, cho thấy ông Morsi đã đoạt được 52% số phiếu bầu, so với 48% số phiếu mà ông Shafiq chiếm được. Các phụ tá của ông Shafiq bác bỏ tuyên bố thắng cử của ông Morsi.

Tỷ lệ cử tri đi bầu chưa tới 50% trong tổng 50 triệu người hội đủ điều kiện đi bầu. Các giới chức bầu cử dự kiến sẽ loan báo kết quả chính thức vào ngày mai, nhưng có phần chắc ứng cử viên thất cử sẽ bác bỏ kết quả ấy là gian lận.

Các quan sát viên quốc tế, kể cả Trung tâm Carter có trụ sở đặt ở Hoa Kỳ, hôm qua nói họ đã bị ngăn cản không được tự do lui tới, và tố cáo giới lãnh đạo quân sự là cản trở tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ.

Phong trào tổ chức Huynh đệ Hồi giáo rất có thế lực đã thề sẽ thách thức những hành động mới đây của quân đội, để tái lập thiết quân luật, giải tán quốc hội do người Hồi giáo chiếm đa số, và kiềm chế các quyền hạn của vị Tổng Thống kế tiếp.

Một hiến pháp lâm thời tuyên bố một cách đơn phương trao cho các tướng lãnh và các tòa án quyền phủ quyết đối với hầu hết các chính sách đối nội và đối ngoại, cũng như quyền soạn thảo hiến pháp mới.

Theo lệnh mới này, không có cuộc bầu cử nào được tổ chức cho tới khi một uy ban do quân đội bổ nhiệm viết một hiến pháp vĩnh viễn, mà các tướng lãnh có quyền phủ quyết từng điều khoản trong đó.

Nhưng bất chấp những động thái đó, Hội đồng Quân lực Tối cao vẫn cam kết sẽ tôn trọng lời hứa đã đưa ra, là sẽ trao quyền lại cho Tổng Thống tân cử Ai Cập trước cuối tháng này.
XS
SM
MD
LG