Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tiếp tục đối mặt với vấn đề pháp lý vì không ngăn chận được những khoản thua lỗ lớn và những vụ tham nhũng trong chương trình trợ giá lúa gạo gây nhiều tranh cãi. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA ở Bangkok, Bộ Tài chánh Thái Lan ước tính chính phủ đã chi tiêu hơn 21 tỉ đô la cho các chương trình trợ giá lúa gạo trong 10 năm qua.
Chương trình trợ giá lúa gạo do cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và đảng Pheu Thai của bà đề nghị là một trong những yếu tố giúp bà giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2011.
Theo chương trình này, nông dân sẽ được trả một giá cố định, cao hơn giá thị trường, cho số lúa gạo mà họ sản xuất. Giới hữu trách hy vọng điều này giúp cho họ gia tăng sự kiểm soát đối với hoạt động xuất khẩu gạo và làm cho Thái Lan củng cố vị thế của nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Nhưng các nước sản xuất lúa gạo trong khu vực, như Ấn Độ, Việt Nam và Miến Điện, đã gia tăng sản lượng và đã bán ra nhiều hơn trên thị trường thế giới so với những năm trước đó.
Tình hình đó làm cho gạo Thái Lan bán không chạy và các khoản tiền trả cho nông dân bị trì hoãn. Chính phủ đã phải tồn kho số gạo dữ dội mà theo ước tính hiện đang ở mức 19 triệu tấn.
Ông Viroj na Ranong, một nhà kinh tế học của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, cho biết số lỗ lã mà Bộ Tài chánh ước lượng có thể tăng cao vì chính quyền quân nhân đang tính tới việc bán tống bán tháo số gạo tồn kho.
Ông Ranong noí: "Thật vậy, chuyện không tốt ở đây không phải chỉ là chính phủ của đảng Pheu Thai đã không có đủ năng lực để bán gạo của họ, mà theo dự kiến của tôi, hầu hết số gạo đó sẽ tiếp tục được tồn kho trong một thời gian rất lâu trước khi quân đội có thể giải quyết vấn đề."
Bộ Tài chánh Thái Lan ước tính số thua lỗ của chương trình trợ giá gạo dưới thời cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra là hơn 16 tỉ đô la. Họ nói thêm rằng cộng chung với số thua lỗ của những chương trình tương tự từ năm 2004, tổng số thua lỗ của các chương trình trợ giá lúa gạo vượt mức 21 tỉ đô la.
Những người chỉ trích chương trình này nói rằng tiền bạc của chính phủ cũng bị thất thoát rất nhiều vì nạn tham nhũng. Những người trong đảng của bà Yingluck khăng khăng cho rằng những người hưởng lợi của chương trình này chủ yếu là nông dân Thái Lan. Tuy nhiên, đảng Dân chủ thuộc phe đối lập đã phổ biến những bản báo cáo chi tiết về chương trình này, dựa trên thông tin của các giới chức chính phủ và các ngân hàng quốc doanh.
Ông Warong Dechgitvigrom, thuộc đảng Dân chủ, nói rằng những vụ tham nhũng có dính líu tới những công ty xay lúa, các ngân hàng do nhà nước làm chủ và những viên thanh tra của chính phủ được phái tới kiểm tra phẩm chất lúa gạo. Những hợp đồng mua bán gạo giữa chính phủ với chính phủ (thường được gọi là G to G) cũng có vấn đề.
Ônh Dechgitvigrom cho biết: "Người thanh tra cũng tham nhũng. Chính vì vậy mà gạo xấu, gạo vàng hay gạo của Campuchia và Miến Điện được mang đi tồn kho. Và rốt cuộc, khi chính phủ bán gạo, họ cũng tham nhũng. Những hợp đồng “G to G” là giả, không thật."
Bà Yingluck từng đứng đầu ủy ban giám sát chương trình trợ giá gạo và đang đối mặt với những cáo giác phạm tội bất cẩn. Bà phải ra trước Quốc hội vào này 28 tháng 11 và trong trường hợp bị luận tội bà sẽ bị cấm không được hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.
Kinh tế gia Viroj cho rằng hành động của Ủy ban Quốc gia Chống Tham nhũng nhắm vào bà Yingluck dường như “có tính chất chính trị”, vì họ chỉ dựa trên một lập luận không mấy vững mạnh là bà phải chịu trách nhiệm vì bà giữ chức chủ tịch ủy ban lúa gạo quốc gia.
Tuy nhiên, ông Warong của đảng Dân chủ nói rằng hành động pháp lý chống bà Yingluck có thể thành công, một phần là vì nhiều nông dân đã cảm thấy tức giận vì họ không được chính phủ trả tiền đúng hạn.
Ông Warong nói: "Tôi tin rằng việc luận tội sẽ thành công, và vụ án hình sự ở tòa trên, tôi tin rằng rốt cuộc cũng sẽ thành công. Cả hai cách. Người nghèo cũng đồng ý với tòa án – các chính khách phải nhận lãnh trách nhiệm đối với những vụ tham nhũng."
Các nhà xuất khẩu gạo tư nhân tiếp tục tin rằng Thái Lan sẽ phục hồi vị thế của nước xuất khẩu gạo nhiều nhất trong thế giới trong vài năm tới đây.
Các chuyên gia dự đoán Thái Lan sẽ xuất khẩu từ 10 đến 12 triệu tấn gạo trong năm 2014, xấp xỉ con số 10 triệu tấn của Ấn Độ.