Một nhân viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), từng hơn 10 năm sống ở Việt Nam, kêu gọi giới trẻ ở trong nước “không chỉ quan tâm tới vật chất” mà còn “đòi hỏi cho tự do và công bằng xã hội”.
Ông Rufus Phillips, tác giả cuốn sách “Why Vietnam Matters” mới ra mắt, tới miền Nam Việt Nam lần đầu tiên lúc 24 tuổi những năm 50, và nhiều thập kỷ sau, quốc gia nằm ở Đông Nam Á này vẫn ám ảnh ông.
Cựu nhân viên CIA này hôm 13/4 kể với phóng viên VOA tiếng Việt rằng ông vẫn “nhớ nhất cảm giác về tình anh em với những người Việt Nam cùng một lý tưởng chung là bảo vệ tự do”.
Trong căn hộ nhỏ ở vùng ven thủ đô nước Mỹ, ông Phillips lưu giữ nhiều kỷ vật suốt nhiều năm tháng qua, và ông cho biết rằng chúng luôn gợi nhắc về thời kỳ ông cho là “xáo trộn” và “nhiều sai lầm”.
Chính vì lý do đó, cựu quan chức Mỹ này mới cho xuất bản cuốn sách trên, dù từng vấp phải nhiều hoài nghi, thậm chí từ chối, của nhiều nhà xuất bản, trong đó ông đưa ra các nhận định về chính sách đúng đắn cũng như các sai lầm của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam.
Ông Phillips cho rằng “việc không hiểu cộng sản, các đồng minh Việt Nam Cộng hòa, hay ngay cả bản thân chúng tôi, đã dẫn chúng tôi tới con đường sai lầm”.
Sử dụng cả tư liệu cá nhân lẫn công, cựu quan chức Mỹ này cũng đã khắc họa chân dung của những nhân vật ông từng gặp và trao đổi như ông John F Kennedy, ông Robert McNamara hay ông Ngô Đình Diệm.
Về mối bang giao giữa Mỹ và Việt Nam, ông Phillips nhận định rằng quan hệ giữa hai quốc gia hiện “rất tốt đẹp” và đôi bên đã “vượt qua được” cái bóng của cuộc chiến.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam giờ muốn được Mỹ chống lưng vì mối lo bành trướng từ Trung Quốc, vì tranh chấp ở Biển Đông. Đó là lý do vì sao đôi bên có thể đổi chiều quan hệ.Ông Rufus Phillips nói.
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam giờ muốn được Mỹ chống lưng vì mối lo bành trướng từ Trung Quốc, vì tranh chấp ở Biển Đông. Đó là lý do vì sao đôi bên có thể đổi chiều quan hệ", ông nói tiếp.
"Tôi nghĩ rằng việc phần lớn người Việt hay người Mỹ không còn nhiều ký ức về chiến tranh cũng khiến mối quan hệ phát triển dễ dàng hơn”.
Dẫu vậy ông Phillips cho rằng Hoa Kỳ “không nên nới lỏng nỗ lực thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền” ở Việt Nam.
“Chúng ta cần phải ủng hộ nỗ lực tự do hóa Việt Nam cũng như cách thức chính quyền đối xử với người dân. Tôi nghĩ rằng đó phải là một phần những gì chúng ta thúc đẩy trong mối quan hệ này”, ông nói.
Tôi muốn khuyến khích họ tiếp tục theo đuổi, không chỉ đời sống vật chất mà còn quan tâm tới tự do và sự tôn trọng từ chính phủ đối với người dân.Ông Rufus Phillips nói.
Khi được hỏi về cơ hội gửi một thông điệp tới giới trẻ Việt Nam, cựu nhân viên CIA này nói: “Tôi muốn khuyến khích họ tiếp tục theo đuổi, không chỉ đời sống vật chất mà còn quan tâm tới tự do và sự tôn trọng từ chính phủ đối với người dân".
“Họ cũng nên khao khát thay đổi Việt Nam tự do và công bằng hơn nữa cho tất cả mọi người”, ông nói tiếp.