Đường dẫn truy cập

Cựu nhân viên CIA bị bắt vì nghi cung cấp tin mật cho TQ


Tư liệu: Tiền sảnh của tòa nhà trụ sở CIA tại Langley, bang Virginia -REUTERS/Larry Downing
Tư liệu: Tiền sảnh của tòa nhà trụ sở CIA tại Langley, bang Virginia -REUTERS/Larry Downing

Một cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), đã bị bắt và bị truy tố về tội "nắm giữ trái phép các thông tin quốc phòng, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hôm thứ Tư 16/1.

Ông Jerry Chun Shing Lee bị bắt tại phi trường JFK ở New York vào đêm thứ Hai 15/1.

Bộ Tư Pháp cho biết những thông tin mật mà ông Lee có trong tay liên quan tới mạng lưới tình báo của Mỹ ở Trung Quốc, kể cả những sổ ghi tên của những người cung cấp thông tin và chi tiết các điệp vụ của họ.

Theo một bài báo trên tờ New York Times, những thông tin mật này đã được Bắc Kinh sử dụng để phá vỡ các hoạt động tình báo Mỹ ở Trung Quốc, và phát hiện danh tính của những người cung cấp thông tin cho CIA bên trong Trung Quốc.

Ông Lee xuất hiện trước một tòa án liên bang hôm thứ Ba ở New York, tuy nhiên sẽ bị truy tố ở bang Virginia, nơi đặt trụ sở của CIA.

Nếu bị xét có tội, ông Lee có thể đối mặt với bản án tối đa là 10 năm tù. Đơn xin tại ngoại của ông đã bị bác.

Jerry Chun Shing Lee là ai?

Ông Jerry Chun Shing Lee là một công dân nhập tịch Mỹ, 53 tuổi, còn có tên là Zhen Cheng Li.

Ông khởi sự làm việc cho CIA từ năm 1994 đến 2007, trước khi rời Hoa Kỳ để sang cư ngụ ở Hong Kong.

Một cuộc điều tra nhắm vào ông Lee khởi sự vào năm 2012, 5 năm sau khi ông Lee rời CIA, theo Bộ Tư pháp Mỹ.

Một tài liệu của tòa án cho biết vào năm 2012, khi ông Lee và gia đình đang dừng chân ở Honolulu trong một chuyến bay từ Hong Kong sang Hoa Kỳ, nhân viên FBI tiến hành lục soát căn phòng khách sạn của ông với giấy phép của tòa án. FBI phát hiện và chụp nội dung trong hai sổ tay nhỏ của ông Lee, trong đó có những thông tin chép tay liên quan tới những hoạt động tình báo Mỹ kể cả các địa điểm, tên thật và số điện thoại của các nhân viên CIA.

Theo đài NPR, trong các sổ tay của ông Lee có có một trang chứa các “thông tin tuyệt mật” có thể gây tổn hại lớn cho an ninh quốc gia, nếu bị tiết lộ.

The Times nói CIA bắt đầu nghi ngờ có nội gián khi hơn một chục người cung cấp tin tức cho CIA bị sát hại hoặc tống giam ở Trung Quốc khởi sự từ năm 2010. Thất bại này của tình báo Mỹ được mang ra so sánh với những tổn thất về phía Mỹ trong vụ phản bội của Aldrich Ames và Robert Hanssen, hai cựu nhân viên CIA và FBI, đã tiết lộ tin mật cho Moscow trong nhiều năm.

VOA Express

XS
SM
MD
LG