Đường dẫn truy cập

Cưỡng chế đất gây bức xúc do ‘không minh bạch’ ở Ninh Thuận


Chính quyền huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận thực hiện lệnh cưỡng chế đất ngày 28/2/2023. Photo provided by Thanh Thanh Dai.
Chính quyền huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận thực hiện lệnh cưỡng chế đất ngày 28/2/2023. Photo provided by Thanh Thanh Dai.

Một số người dân thuộc dân tộc Chăm ở Ninh Thuận bày tỏ sự bức xúc với VOA về việc chính quyền cưỡng chế gần 20 hộ gia đình, nhưng chỉ được đền bù với giá 18.000đồng/m².

Vào ngày 21/2, UBND huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra thông báo cưỡng chế thu hồi đất đến 18 hộ gia đình trong khu vực để thực hiện Khu dân cư phục vụ dự án đường Văn Lâm-Sơn Hải theo một quyết định do ông Trương Xuân Vỹ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, ký ban hành ngày 11/1/2023. Sự việc trên đã gây ra nhiều bức xúc với người dân địa phương.

UBND huyện Thuận Nam nói trong thông báo rằng chính quyền địa phương sẽ cưỡng chế 13.125,7 m² đất đã nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng cho dự án đường Văn Lâm-Sơn Hải, xã Phước Nam.

Một số người dân nói rằng chính quyền đưa ra thông báo này mà không tham khảo ý kiến của người dân địa phương, không cho người dân biết dự án đó sẽ thực hiện ở nơi họ cư trú. Ngoài ra, thông báo của UBND huyện Thuận Nam nêu rõ thời gian thực hiện thu hồi đất sẽ bắt đầu từ 7 giờ ngày 28/2, trong khi thông báo được gởi tới các hộ gia đình bị ảnh hưởng là ngày 21/2. Có nghĩa là chỉ có 7 ngày để người dân chuẩn bị cho việc cưỡng chế đất.

Dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải dài hơn 13km có đoạn đi qua huyện Ninh Phước và nhiều xã trong địa bàn huyện, trong đó có các xã Phước Nam, xã Phước Dinh và đấu nối trực tiếp với Quốc lộ 1. Đây được xem là “dự án trọng điểm”, theo kế hoạch 2021 - 2025 được cả Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận và UBND tỉnh phê duyệt.

Trước đó, vào ngày 13/2, một số hộ dân xã Phước Nam, huyện Thuận Nam đã khiếu nại đến Trụ sở tiếp công dân tỉnh Ninh Thuận sẽ không chấp nhận các quyết định cưỡng chế đất của Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam và yêu cầu ngưng triển khai dự án đường Văn Lâm-Sơn Hải đồng yêu cầu bồi thường theo giá trị thị trường nếu như tiếp tục thực hiện.

UBND huyện Thuận Nam đã tổ chức hai cuộc họp để trả lời những thắc mắc cũng như là nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, một số cư dân cho biết chính quyền đã phớt lờ những ý kiến của họ. Nhiều hộ tại xã Phước Nam bị cưỡng chế thu hồi đất thuộc đồng bào dân tộc Chăm theo tôn giáo Bà Ni.

Bà Thập Thị Thu Thích, một trong 18 hộ dân bị cưỡng chế đất, đã gởi đơn kiến nghị đến UBND xã Phước Nam và UBND huyện Thuận Nam về việc nhà của bà bị thu hồi và muốn giữ lại căn nhà để “an cư lạc nghiệp.” Cụ thể trong lá đơn kiến nghị, bà Thích nói rằng gia đình bà đã mua 2 lô đất với diện tích 1232 m² vào năm 2017 và được huyện Thuận Nam cấp sổ đỏ vào năm 2021.

Sau khi thế chấp sổ đỏ tại một ngân hàng địa phương, gia đình bà Thích mới có đủ tiền xây nhà và chính quyền huyện Thuận Nam cũng ký xác nhận về việc vay thế chấp để xây cất này. Khi huyện Thuận Nam ra quyết định thu hồi đất, gia đình bà Thích vẫn còn phải đang trả nợ ngân hàng và bà yêu cầu huyện phải có trách nhiệm trả nợ số tiền mà bà đã vay trước đó, nhưng yêu cầu không được giải quyết.

Trong một cuộc trao đổi với đài VOA vào ngày 1/3, bà Thích nói rằng chính quyền sẽ chỉ bồi thường đất với 18.000 đồng/m² vì căn nhà mới cấp sau nên không bồi thường nhà. Tổng cộng giá trị bổi thường mà bà nhận được là 39 triệu đồng.

Trước tình hình đó, bà Thích đã làm đơn gởi đến chính quyền địa phương đến 5 lần nhưng vẫn chưa được phản hồi.

Bà Thích nói:

“Làm đơn khiếu nhiều lắm nhưng đơn đó không có ai hồi âm lại hết, thì là gởi đi là vô nghĩa thôi,” Bà Thích nói. “Chờ chính quyền muốn cưỡng chế hay sao thì tới đó biết thôi. Giống như là bà con lân cận chỉ biết ôm nhau khóc mà thôi chứ không biết làm sao hết.”

Ông Kiều Văn Hoá, một người bị ảnh thưởng do cưỡng chế, trao đổi với đài VOA vào ngày 7/3 rằng có một số hộ dân còn không nhận tiền đền bù, và bắt buộc phải ký giấy trả mảnh đất của mình cho nhà nước. Ông cho biết có những hộ dân vay tiền ngân hàng mà phải có chính quyền địa phương ký giấy cho vay thì mới được xây cất nhà.

“Tại sao khi dính vô quy hoạch chính quyền xã hay chính quyền huyện không ra thông báo gì? Để bây giờ xây nhà lên, xong rồi bắt buộc người ta phải thu hồi đất, muốn cưỡng chế, đập phá nhà người ta. Vấn đề này nói chung tôi cũng rất là bức xúc”, ông Hoá cho biết.

Ông Thành Thanh Dải, đại biểu dân sự của dân tộc Chăm trong hệ thống dân sự tại LHQ, chia sẻ với đài VOA vào ngày 2/3 rằng sau khi thực hiện cưỡng chế ngày 28/2 chính quyền địa phương cấm người dân chụp hình, quay phim, trao đổi với cơ quan báo chí, không cho họ biết thêm thông tin, và đuổi họ ra khỏi địa bàn mà họ đang sinh sống.

Việc làm, hành xử của chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, và cấp địa phương không có rõ ràng, không minh bạch, không đúng theo quy trình dự án của một nhà nước”.

Ông Dải nói thêm:

“Đã là một dự án nhà nước thì buộc phải công khai khách quan, dân chủ, minh bạch. Phải thương thảo với dân, phải họp dân, phải làm cho dân hiểu, dân đồng tình, dân ủng hộ. Tại vì đây là một dự án công lập, mang tính cách xã hội, có thể dự án đó phục vụ cho quốc gia, cho nhà nước, phục vụ cho công chúng thì không có gì chúng ta phải giấu giếm.”

Người dân cho biết có một sự chênh lệch rất lớn khi giá trị bồi thường 18.000 đồng/ m² áp theo Quyết định 1321 của UBND huyện Thuận Nam ban ngày 27/5/2014 khi huyện Thuận Nam được thành lập, so với thời giá hiện nay theo biến động của thị trường.

Tại Điều 53, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có ghi rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Người dân sẽ không được thỏa thuận giá bồi thường vì họ không phải là chủ sở hữu đất, thay vào đó chỉ là “người sử dụng đất” do nhà nước quản lý. Như vậy, khi chính quyền thực hiện thu hồi đất vì mục đích để phát triển kinh tế xã hội như là xây dựng đường xá vì lợi ích quốc gia thì người sử dụng đất phải chấp hành và không có quyền thỏa thuận giá bồi thường.

Như thế là không có công bằng, làm cho dân bất mãn, gây ra sự bạo động, có nhiều cái tiêu cực trong người dân, và gây ra sự đau khổ cho người dân tộc Chăm,” Ông Dải nói. Cái chính sách rất phi nhân đạo và vi phạm nhân quyền rất là trầm trọng”.

VOA liên lạc qua email đến UBND huyện Thuận Nam để hỏi về việc thực hiện cưỡng chế này, nhưng vẫn chưa có phản hồi. Truyền thông nhà nước Việt Nam không đưa tin về sự việc trên.

Ông Hóa bày tỏ sự bức xúc, nói rằng người dân bây giờ rất là khó khăn vừa đi làm, vừa bị áp lực về nhà cửa rồi từ chính quyền:

“Ai về người ta khóc rất là nhiều mà chính quyền không có công tâm. Nếu mà một cán bộ đủ đức đủ tài thì dân không bao giờ thiệt thòi. Đây là những cán bộ bây giờ làm theo tính toán riêng tư của mình”.

Vụ cưỡng chế đất ở Ninh Thuận diễn ra khi chính quyền Việt Nam đang lấy ý kiến của người dân cả nước về việc sửa đổi Luật đất đai 2013, trong đó sẽ bàn về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; và quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG