Đường dẫn truy cập

Cuộc tranh cử trên vấn đề di dân


Di dân vượt sông Rio Grande vào Mỹ từ Mexico đang sắp hàng làm giấy tờ tại biên giới Texas - Mexico, Eagle Pass, Texas, 23 tháng Chín, 2023.
Di dân vượt sông Rio Grande vào Mỹ từ Mexico đang sắp hàng làm giấy tờ tại biên giới Texas - Mexico, Eagle Pass, Texas, 23 tháng Chín, 2023.

Trong khi hai đảng tranh luận về di dân bất hợp pháp ở biên giới Mexico, một điều ít được nhắc tới là vai trò quan trọng của di dân trong nền kinh tế Mỹ.

Ngày Thứ Năm, hai ông tổng thống Mỹ cũ và đương nhiệm đều đến thăm biên giới Mexico ở Texas. Cựu Tổng thống Donald Trump đến Eagle Pass, đứng cách bờ sông Rio Grande hơn 60 mét. Tổng thống Joe Biden đến thị xã Brownsville, cách Eagle Pass 300 dặm nhưng cũng bên bờ sông Rio Grande.

Cái tên Rio Grande, có thể dịch nguyên văn là “Sông Cái,” là do người Mỹ đặt, dùng tiếng Tây Ban Nha (Espanol). Người Mexico gọi là Río Bravo (del Norte), nghĩa là Con Sông Cuồng Giận, phía Bắc. Rio Grande dài 3000 cây số, chạy từ phía Nam tiểu bang Colorado ra vịnh Mexico; từ năm 1848 trở thành biên giới tự nhiên giữa hai nước, sau nhiều cuộc tranh chấp.

Hai ông tổng thống Mỹ cùng đến bên bờ “Sông Cái” một ngày vì trong ba năm qua số người vượt biên từ Mexico vào nước Mỹ đã tăng kỷ lục; đảng Cộng Hòa tố cáo ông Biden là người gây nên cuộc khủng hoảng này.

Phần lớn những người vượt biên tự nhận mình là “dân tị nạn.” Từ năm 2022 đã có 116,000 người vào xin tị nạn ở nước Mỹ, thêm vài trăm ngàn người từ Afghanistan và Ukraine. Trong năm đó tổng số người bị chính phủ Mỹ bắt tại các vùng biên giới, bến cảng và phi trường, đã lên tới 5.5 triệu. Số người này chưa được chính thức chấp nhận quy chế tị nạn vì các hồ sơ bị ứ đọng suốt nhiều năm không được đưa ra “tòa án di dân,” nơi xét xử các đơn xin tị nạn.

Phải công nhận người Việt tị nạn sau năm 1975 được may mắn vì trước khi vào nước Mỹ hầu hết đã được nhân viên bộ ngoại giao công nhận là tị nạn cộng sản, không cần chờ tòa án di dân xét đến. Những người tị nạn chạy qua biên giới Mexico tự nạp mình cho cảnh sát bắt, họ phải theo nhiều thủ tục hơn.

Trước hết, họ phải thuyết phục các nhân viên di trú Mỹ rằng họ bị đối xử bất hợp pháp và tàn tệ ở trong chính nước họ, vì những lý do chính trị, tôn giáo, sắc tộc, vân vân. Xin tị nạn vì lý do nghèo khó, dù lo có thể chết đói cũng không được chấp nhận. Gần đây hàng chục ngàn thanh niên Trung Hoa đã tốn tới 5 đến 10 ngàn đô la thuê người dẫn đường vào Mexico rồi vượt biên qua Mỹ, chờ ngày được phỏng vấn. Nếu họ chứng minh được mình đang bị đàn áp vì là người gốc Tây Tạng, Uyghur, hoặc tín đồ Pháp Luân Công, thì dễ qua được cửa này. Sau đó, người tị nạn chỉ còn chờ ngày được tòa án di dân quyết định số phận mình. Những người đã qua cửa này sẽ được tự do sinh sống ở bất cứ nơi nào trong nước Mỹ, chỉ cần cho địa chỉ chờ ngày được tòa án di dân gọi. Trước tòa án, họ phải cung cấp các bằng chứng cụ thể cho thấy họ sẽ bị đối xử bất công nếu về nước.

Những thủ tục trên tuy có vẻ giản dị nhưng đã gây ra tình trạng ứ đọng vì tòa án không kịp xét xử. Thời Tổng thống Donald Trump con số đã lên tới một triệu vụ ứ đọng; thời Tổng thống Joe Biden đã lên tới ba triệu, vào tháng 11 năm ngoái, theo tổ chức TRAC (Transactional Records Access Clearinghouse) của Đại học Syracuse. Theo tính toán của TRAC, vào tháng 12 năm rồi, tổng số người chờ được tòa án di dân xét xử đông hơn dân số nhiều tiểu bang và cao hơn dân số thành phố Chicago, hơn 9 triệu.

Với hàng triệu người chờ được xét xử, nước Mỹ chỉ có 734 vị quan tòa chuyên xử về di dân; mỗi vị phải phụ trách 4,500 hồ sơ. Năm 2023, chính phủ Biden đã xin ngân sách để bổ nhiệm thêm 200 thẩm phán nhưng quốc hội chỉ cho tuyển thêm 100 vị.

Tóm lại, nguyên nhân cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới Mỹ - Mexico là nhiều người xin đến tị nạn ở nước Mỹ quá và hệ thống tư pháp dành cho vấn đề này không đủ nhân viên. Những người đến Mỹ biết rằng dù chưa được tòa án chấp nhận họ vẫn được phép sống ở đây bao nhiêu năm cũng được!

Trước vấn đề này, chính quyền Biden đã đề nghị một dự luật về di dân, mạnh mẽ ngăn chặn một số trường hợp xin tị nạn theo đề nghị của đảng Cộng Hòa. Ông Alejandro Mayorkas, bộ trưởng nội an trong chính phủ Biden nói: “Chúng ta cần một đạo luật do quốc hội thông qua. Đạo luật đó là một biện pháp có giá trị lâu dài. Các quyết định của chính quyền không thôi sẽ luôn luôn bị khiếu kiện trước tòa án.” Hơn nữa, một quyết định của hành pháp cũng sẽ không có đầy đủ ngân sách như một đạo luật được quốc hội thông qua.

Dự luật này đã được một số nghị sĩ Cộng Hòa tỏ ý ủng hộ, nhưng cuối cùng thất bại vì cựu Tổng thống Trump chống và ông chủ tịch Hạ viện, nơi đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số, tuyên bố sẽ không đưa ra thảo luận.

Ông Bien chọn không đúng lúc. Nếu ông đưa ra dự luật này từ hai năm trước thì có nhiều hy vọng, khi đó hai đảng, đã từng thông qua một dự luật xây dựng hạ tầng cơ sở, còn sẵn sàng cộng tác với nhau dễ dàng hơn. Năm nay, đảng Cộng Hòa đã từ chối không hợp tác giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp vì có thể dùng đề tài này như phương tiện trong cuộc tranh cử sắp tới.

Một cuộc nghiên cứu dư luận do hãng Gallup công bố hôm 28 tháng 2 cho thấy đa số dân Mỹ coi di dân là một vấn đề quan trọng nhất. Số người Mỹ ủng hộ chính sách biên giới cứng rắn của ông Trump đang tăng. Tại Brownsville trong ngày Thứ Năm khi ông Biden tới thăm, vài chục chiếc xe và xe tải chạy qua phía Tây thị xã, treo cờ Mỹ phất phới, hô đả đảo Biden. Bà Adrienne Peña-Garza, người tổ chức “Đoàn Xe Trump,” kêu gọi: “Những người yêu nước, những người bảo thủ, những người tranh đấu cho tự do trong Thung lũng Rio Grande, hãy biểu tình, phất cờ ủng hộ chính sách bảo vệ biên giới mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump!” báo New York Times tường thuật.

Tổng thống Biden không chịu nhường, đã phản công, dùng võ “gậy ông đập lưng ông.” Ông tố cáo cựu Tổng thống Trump đã ngăn cản chính sách biên giới của chính phủ khi thúc đẩy các đại biểu Cộng Hòa ngăn cản đạo luật biên giới do ông đề nghị, trong đó có hầu hết các biện pháp mà đảng Cộng Hòa vẫn chủ trương. Trong một thông điệp truyền hình từ Tòa Bạch Ốc, ông Biden nói: “Nhân dân Mỹ đang nhìn thấy tại sao chính sách di dân thất bại!” Tùy viên báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre lên án: “Một cuộc thương thuyết kéo dài bốn tháng ở Thượng viện đã được cả hai đảng đồng ý nay bị ông Donald Trump bảo đảng Cộng Hòa ngăn cản.”

Không thể ban hành một đạo luật, ông Biden sẽ phải dùng quyết định của hành pháp để chứng tỏ ông không mềm yếu trong vấn đề này. Ông sẽ đóng cửa biên giới để giảm bớt số người vào Mỹ xin tị nạn, nếu con số cao hơn 8,500 người trong một ngày và 5,000 người trung bình mỗi ngày trong một tháng.

Trong khi hai đảng tranh luận về di dân bất hợp pháp ở biên giới Mexico, một điều ít được nhắc tới là vai trò quan trọng của di dân trong nền kinh tế Mỹ. Trong những năm 2021, 2022, số người làm việc ở Mỹ tăng vọt lên sau khi nhiều người tị nạn được cấp giấy phép làm việc. Các di dân mới bù đắp cho những công ty đang không tuyển đủ người vì hậu quả của bệnh dịch Covid. Ở các tiểu bang chuyên về nông nghiệp, người ta chỉ mong thêm nhiều công nhân để giúp việc đồng áng mà nước Mỹ đang thiếu.

Năm 2023, số di dân mới được làm việc đã tăng lên đến mức cao nhất kể từ năm 2017. Theo Sở Ngân sách Quốc hội (CBO) hiện nay gần 19% lực lượng lao động ở Mỹ là những người sinh ra ở nước ngoài; nhờ họ mà trong 10 năm tới sẽ không thiếu người làm việc. Theo Sở Thống kê Lao động (BLS), sau cơn bệnh dịch số người sinh ở ngoại quốc trở lại làm việc nhiều hơn và nhanh hơn những người sinh ở Mỹ.

Trong tương lai, dân số các cường quốc kinh tế trên thế giới sẽ giảm bớt, lực lượng lao động còn giảm nhanh hơn. Riêng nước Mỹ sẽ tránh khỏi hiện tượng này, vì là quốc gia duy nhất sẽ tiếp tục thu hút di dân. Không thấy di dân nào xin tị nạn ở Trung Quốc, dù đang có hơn 20 triệu căn hộ bỏ trống không người ở, phải ngưng không xây cất tiếp dù đã có người đã đặt mua và đang trả góp!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG