Đường dẫn truy cập

Cuộc họp Tập-Trump sẽ bàn điều gì?


Cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) của Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) được nhận định là thử thách lớn nhất của ông Trump.
Cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) của Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) được nhận định là thử thách lớn nhất của ông Trump.

Cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này của Tổng thống Mỹ Donald Trump được nhận định là thử thách lớn nhất của ông Trump khi trở thành nhà lãnh đạo thế giới. Cuộc họp thượng đỉnh theo trông đợi sẽ đặt chiều hướng chung cho mối quan hệ đối ngoại có thể xem là quan trọng nhất của Mỹ, theo Reuters.

Hai nhà lãnh đạo sẽ rất vất vả để tìm ra điểm chung trong những vấn đề khác biệt chính giữa hai bên trong cuộc gặp diễn ra vào thứ Năm và thứ Sáu tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida.

Nghị sự chính dự kiến bao gồm:

Vấn đề Bắc Triều Tiên

Đây được xem là thách thức lớn nhất đối với ông Trump về an ninh quốc gia. Bắc Triều Tiên đã và vẫn đang tìm cách phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới Hoa Kỳ. Dự kiến, ông Trump sẽ lặp lại lời kêu gọi Trung Quốc phải làm nhiều hơn nữa để kiềm chế đồng minh và láng giềng của Bắc Kinh. Trước đó, ông Trump cảnh báo Washington có thể sẽ giải quyết các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng một mình nếu cần.

Trong khi đó, phía Trung Quốc nói họ đang làm tất cả những gì có thể và sẵn sàng cùng với Hoa Kỳ hạ giảm leo thang căng thẳng của Bình Nhưỡng.

Bắc Triều Tiên đã và vẫn đang tìm cách phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới Hoa Kỳ.
Bắc Triều Tiên đã và vẫn đang tìm cách phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới Hoa Kỳ.

Bản đánh giá chiến lược của Tòa Bạch Ốc hiện tập trung vào những cách thức gây áp lực lên Bình Nhưỡng về mặt kinh tế và quân sự. Trong số các biện pháp được xem xét là “các biện pháp trừng phạt thứ cấp” đối với các ngân hàng và công ty Trung Quốc làm ăn nhiều nhất với Bình Nhưỡng.

Một giới chức cấp cao của Hoa Kỳ cho hay một lựa chọn dài hạn cho việc trừng phạt vẫn còn nằm trên bàn thảo luận, nhưng bản đánh giá “không nhấn mạnh đến hành động quân sự trực tiếp”. Bất kỳ hành động quân sự nào cũng có thể khiến cho Bắc Triều Tiên trả đũa dữ dội và có thể gây ra số thương vong lớn tại Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như tại các căn cứ của Mỹ ở đây.

Thương mại

Thương mại là một trong những vấn đề nóng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã lên án các hoạt động thương mại của Trung Quốc, cho rằng các hoạt động này đang làm giảm công ăn việc làm của Mỹ. Ông còn thề sẽ áp thuế 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mặc dù chưa có hành động gì về vấn đề thuế quan, nhưng chính quyền của ông Trump đang nhắm mục tiêu cắt giảm mức nhập siêu lên đến 347 tỷ đôla từ Trung Quốc thông qua việc thực thi luật thương mại chặt chẽ hơn và áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross yêu cầu “sự tương hỗ” trong quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói các công ty Mỹ không được hưởng quyền tiếp cận tương tự với thị trường rộng lớn của Trung Quốc như các công ty Trung Quốc ở Hoa Kỳ.

Trung Quốc nói Washington nên tạo điều kiện tốt hơn cho đầu tư của Trung Quốc ở Hoa Kỳ nếu muốn loại bỏ sự mất cân bằng.

Cả hai bên đều không muốn có chiến tranh thương mại, nhưng cuộc gặp ở Mar-a-Lago được dự đoán khó có thể làm được gì nhiều hơn là hạ nhiệt các căng thẳng.

Một số nhà phân tích cho rằng ông Tập có thể sẽ mang một gói đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc đến tạo công ăn việc làm ở Mỹ và một triển vọng trong lĩnh vực các dịch vụ mở rộng hơn mà ông Trump xem là các thành tựu hữu hình.

Biển Đông

Biển Đông là vấn đề bao trùm trong mối quan hệ Trung-Mỹ. Bắc Kinh đang xây dựng các đảo nhân tạo và thiết đặt các cơ sở quân sự trong khu vực biển có nhiều tranh chấp.

Các giới chức Mỹ xem đây là một phần trong kế hoạch lâu dài của Bắc Kinh nhằm bác bỏ việc các lực lượng Hoa Kỳ tiếp cận với tuyến hàng hải thương mại chính toàn cầu.

Ảnh chụp các công trình xây dựng của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, do CSIS công bố ngày 9/3/2017.
Ảnh chụp các công trình xây dựng của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, do CSIS công bố ngày 9/3/2017.

Theo các giới chức Mỹ, Washington có kế hoạch hoạt động hải quân mạnh hơn nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và khẳng định quyền tự do hàng hải, mặc dù đã nhiều tháng trôi qua kể từ hoạt động cuối cùng của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, người tiền nhiệm của ông Trump.

Tình hình ở Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ đẩy vấn đề Biển Đông nóng lên trở lại vào lúc này. Ông Trump dự kiến sẽ nêu ra những quan ngại của Hoa Kỳ trong cuộc gặp sắp tới.

Tiền tệ

Ông Trump từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ để giữ cho hàng xuất khẩu có giá rẻ. Có phần chắc ông Trump sẽ nêu vấn đề này ra với ông Trump. Tuy nhiên, ông Trump được cho là đã không giữ lời hứa rằng sẽ chính thức xác định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống.

Trong lúc các kinh tế gia cho rằng Trung Quốc cố hạ thấp giá trị đồng nhân dân tệ trước đây, ngân hàng trung ương của Trung Quốc trong hai năm qua đã cố đẩy giá đồng nhân dân tệ khi dòng vốn tư bản chảy ra khỏi Trung Quốc, và Bắc Kinh đã chi hơn 1 nghìn tỷ đôla cho nỗ lực này.

Điều này sẽ rất khó lý giải cho cáo buộc thao túng tiền tệ xét theo phân tích về ngoại hối hiện nay của Bộ Tài chánh Mỹ.

“Một Trung Quốc” và vấn đề Đài Loan

Cuộc họp thượng đỉnh sẽ không diễn ra nếu như ông Trump không tái khẳng định về chính sách “một Trung Quốc”, vốn đã được áp dụng nhiều thập niên trong quan hệ Mỹ-Trung. Ông Trump từng khiến Bắc Kinh phẫn nộ khi mới được bầu làm tổng thống. Ông nhận cuộc gọi của tổng thống Đài Loan và nói rằng ông có thể sẽ không tuân theo chính sách này. Ông Trump đã không rút lại tuyên bố trên trong cuộc điện đàm với ông Tập hồi tháng Hai.

Vào lúc này, có thể ông Tập sẽ tìm cách cắt bỏ gói vũ khí lớn mới mà Mỹ đang chuẩn bị duyệt bán cho Đài Loan, theo tiết lộ của các giới chức Mỹ cho Reuters.

Về phía Đài Loan, đảo quốc này chắc chắn sẽ hồi hộp theo dõi xem có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Trump đang sử dụng Đài Loan như một con chốt để thương lượng với Bắc Kinh hay không.

VOA Express

XS
SM
MD
LG