Cách nay hơn hai thập kỷ, khi chuyện du lịch trên biển trong những chiếc du thuyền vẫn còn là một khái niệm mới đối với nhiều người Việt tại Mỹ, một chuyến hải trình được đặt tên Hội Ngộ Trùng Dương (HNTD) trên chiếc Đại Du Thuyền Inspiration từ cảng Long Beach, bang California đến đảo Ensenada, vịnh Mexico, dành riêng cho người Việt đã được khởi hành lần đầu tiên vào năm 1993.
Mặc dù chỉ kéo dài 4 ngày 3 đêm giống như nhiều chuyến du lịch bằng du thuyền khác, nhưng chuyến HNTD lại có một ý nghĩa đối với nhiều người Việt, đặc biệt là những người sống ở hải ngoại. Chia sẻ về ý nghĩa đằng sau sự ra đời của chuyến HNTD, ông Đỗ Vẫn Trọn, Tổng Giám Đốc Hệ Thống Truyền Thông Viên Thao, trưởng ban tổ chức (BTC) chương trình Hội Ngộ Trùng Dương cho biết:
“HNTD mang một ý nghĩa giống như là một trường khúc mà cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã tạo ra, nói về ba dòng sông: sông Hồng ngoài Bắc, sông Hương ở miền Trung, và sông Cửu Long ở miền Nam. Anh nghĩ rằng có những nhánh sông người Việt ở hải ngoại cũng như trong nước chúng ta cùng xuôi chảy về, để có những ngày thần tiên trên mặt biển, trên một vương quốc nhỏ bé của một thành phố nổi trên đại du thuyền của Carnival.”
Kể từ lần đầu chính thức ra khơi năm 1993, HNTD đã được tổ chức 5 lần và lần gần nhất là vào năm 2007. Là một chuyến du lịch quy mô lớn quy tụ nhiều người Việt đang sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới bao gồm Mỹ, châu Âu, Việt Nam v..v.. nhưng HNTD không phải là một sự kiện hàng năm bởi lẽ không dễ dàng để lúc nào cũng có thể bao trọn chiếc du thuyền hoàn toàn cho 3.000 người Việt. Theo lời ông Trọn, thời gian chuẩn bị cho mỗi chuyến HNTD là ít nhất một năm, trong khi thời hạn để đặt du thuyền của công ty du lịch Carnival là hai năm. Bên cạnh đó, thời tiết cũng là một rào cản khác. Do đó, chuyến HNTD thường diễn ra vào mùa thu, thời điểm khi thời tiết trở nên dễ chịu nhất để chuyến đi được thuận lợi. Tuy nhiên, những điều này chỉ là một phần trong số rất nhiều khó khăn mà BTC của HNTD phải giải quyết. Ông Đỗ Vẫn Trọn nói:
“Điều mà lo ngại nhất là khi tổ chức một chuyến đi mình bao trọn như vậy, trước tiên phải nói về tài chính, là phải trả hết số tiền cho Carnival trước rồi Carnival mới cho phép mình bán vé. Và thứ hai là làm sao có được số hành khách tham dự. Khi tổ chức, mình phải lo lắng làm sao sắp xếp cho hành khách, tại vì trên đó có bốn nhà hàng, có những hành khách đi chung với những người bạn ở tiểu bang khác. Họ yêu cầu là tôi muốn ăn chung nhóm như vậy thì phải xếp làm sao để cho họ có thể ngồi chung bàn rồi đi coi những suất hát chung với nhau.
Còn lại làm sao thẩm định được giấy tờ. Khi đi như vậy là đi ra nước ngoài từ Long Beach đi qua tới Mễ Tây Cơ (Mexico) thì cũng phải biết giấy tờ hành khách còn thời hạn hay không. Những chương trình văn nghệ thì khi lên tàu, nghệ sĩ phải có sự tập dượt, tại vì mỗi lần đi lên tàu tập dượt là một lần khó khăn. Từ những chi tiết nhỏ đó là những mối lo cho BTC, làm sao đem lại sự thành công. Sự thành công ở đây không những về tài chính mà còn đem lại sự thành công về chương trình, để cho mọi người khi đến với HNTD, họ nghĩ rằng là nếu tôi không tham dự được chuyến HNTD lần này, tôi sẽ tham dự chuyến HNTD lần khác, hoăc là sẽ có sự quyến luyến mà trong không khí 3.000 người Việt với nhau phải có tình cảm và sự vui vẻ trong chuyến HNTD.”
Tuy rằng mục đích của chuyến hải trình là để những người con Việt từ khắp nơi trên thế giới cùng có dịp được tái ngộ với những người bạn cũ hay những người đồng hương, nhưng chương trình lại có sự góp mặt của không những nhiều nghệ sĩ Việt Nam mà còn rất nhiều nghệ sĩ quốc tế tới trình diễn những vở nhạc cảnh của Las Vegas hay những vở nhạc kịch nổi tiếng Miss Saigon, Les Misérables, những vở nhạc kịch rất gần gũi với người Việt. Đặc biệt, theo lời trưởng BTC chương trình, trong trường hợp những gia đình có chồng hay vợ không phải là người Việt Nam thì họ vẫn có thể tham gia. Ông nói:
“Mặc dù mình chủ đề là HNTD và dành riêng cho 3.000 hành khách người Việt nhưng mà trường hợp những gia đình nào mà chẳng hạn chồng họ là người Mỹ hay sắc dân khác thì họ vẫn mời người chồng hay người vợ đi. Duy có một điều là nếu người chồng hay người vợ mà sắc dân khác nhưng họ hiểu được ngôn ngữ tiếng Việt thì họ cảm thấy vui hơn. Nhưng mà nếu vì chỉ cần đi với vợ hay gia đình cảm thấy vui thì nó vẫn là một không khí Việt Nam.”
Niềm vui không chỉ là tình cảm giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái được vun đắp qua chuyến đi, mà còn là khi người ta có dịp chứng kiến những cuộc đoàn tụ, hội ngộ đầy bất ngờ và xúc động:
“Anh vẫn hay nói đùa với hành khách trên tàu là không sợ say sóng mà chỉ sợ say tình thôi. Nếu những đôi uyên ương nào mà lên đại du thuyền, một thành phố nổi như vây, thì tình cảm sẽ đậm đà hơn. Tình đồng hương khi có những ngày ở với nhau trên đó, những người tình cờ gặp nhau. Tình cờ người ở bên Mỹ gặp người ở bên Pháp, bên Anh. Ngay cả chính anh cũng vậy, khi tổ chức những lần HNTD, anh cũng tình cờ gặp những người bạn cũ, những người học cùng ở Sài Gòn. Qua đây mấy chục năm tình cờ gặp nhau trên đại du thuyền như vậy, trong những ngày HNTD.”
Và những mối duyên mới cũng đã để lại cho chính trưởng BTC chuyến đi những ấn tượng khó quên:
“Có hai người gặp nhau trong những ngày HNTD, họ đã lấy nhau và sinh con, rồi đặt tên cho con mang dáng vẻ của HNTD. Một đứa bé tên là Trùng Dương, một đứa bé tên là Hoài Mong. Thỉnh thoảng mỗi năm họ hay gửi thiệp mời sinh nhật tới cho anh. Hay cũng có những mối tình chớm nở. Như một vị cao niên 70 tuổi tìm được cụ bà là ý trung nhân trong những ngày HNTD.”
Chuyến HNTD gần đây nhất được thực hiện là vào năm 2007, phải mất tới bảy năm để có chuyến HNTD lần thứ 6 và bản thân BTC cũng chưa biết khi nào sẽ có chuyến HNTD lần thứ 7. Tuy không thể tổ chức các chuyến HNTD hàng năm nhưng ông Trọn chia sẻ rằng ngoài phần thưởng về mặt tài chính mà BTC gặt hái được, phần thưởng về mặt tinh thần là động lực chính để HNTD được tiếp tục:
“Mỗi lần tổ chức HNTD thì anh cảm thấy nó là một niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt ở Mỹ, cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Qua sự nhận xét của những vị thuyền trưởng trong những lần HNTD thì có thể nói là với những mô hình tổ chức du lịch đi trên biển thì đã có từ rất lâu rồi. Nhưng ở những sắc dân khác thì cũng chưa có sắc dân khác nào tổ chức một cuộc họp mặt cho sắc dân đó. Mà riêng người Việt Nam mình thì đã tổ chức được sáu lần. Khi người Việt Nam lên đại du thuyền đó thì điều mà càng hãnh diện là đa số đây là những người thành công. Khi những người Việt Nam đi trên đại du thuyền trong những ngày HNTD thì họ rất là lịch lãm, ăn mặc rất xinh đẹp, rực rỡ. Cộng đồng người Mỹ nói về HNTD với những tờ báo Mỹ cũng nói về HNTD như là một điều gì hãnh diện cho cộng đồng người Việt. Đó là phần thưởng lớn nhất để anh theo đuổi.”
Sau 5 lần tổ chức, chuyến HNTD lần thứ 6 dự kiến có 3.000 người tham dự sẽ được khởi hành vào ngày 17/10/2014 tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ.