Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau vào chiều 16/6 ở Thụy Sĩ, lần đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức, với những bất đồng sâu sắc có thể xảy ra và kỳ vọng thấp cho bất kỳ bước đột phá nào.
Trước khi gặp nhau, cả hai nhà lãnh đạo đều cho biết họ hy vọng rằng cuộc hội đàm, diễn ra tại một biệt thự ven hồ ở Geneva, có thể dẫn đến mối quan hệ ổn định hơn và có thể lường trước được, mặc dù họ vẫn còn mâu thuẫn về mọi thứ từ kiểm soát vũ khí, tấn công mạng cho đến can thiệp bầu cử và vấn đề Ukraine.
“Chúng tôi không kỳ vọng sẽ có nhiều kết quả từ cuộc họp này”, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên trên máy bay chở Tổng thống Biden tới Geneva.
Về phía Nga, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, Yuri Ushakov, nói: “Tôi không chắc rằng sẽ đạt được bất kỳ thỏa thuận nào”.
Các mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đã trở nên xấu đi trong nhiều năm, đặc biệt là với việc Nga thôn tính Crimea từ Ukraine vào năm 2014, sự can thiệp của Nga vào Syria năm 2015 và cáo buộc của Mỹ - mà Moscow phủ nhận - về sự can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 đưa ông Donald Trump vào Nhà Trắng.
Mối quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ hơn vào tháng 3 khi ông Biden nói rằng ông nghĩ ông Putin là "kẻ giết người", khiến Nga triệu hồi đại sứ của mình tại Washington để tham vấn. Mỹ cũng triệu hồi đại sứ của mình vào tháng 4.
Quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Hoa Kỳ đang xem xét "các lĩnh vực mà việc hợp tác cùng nhau có thể thúc đẩy lợi ích quốc gia của chúng ta và làm cho thế giới an toàn hơn".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc có cử đại sứ trở lại hay không sẽ do hai tổng thống quyết định. “Hôm nay, hai tổng thống sẽ cần xác định tiếp tục thế nào với những người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao”, hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Peskov cho biết.
Dù các vấn đề được thảo luận có thể không mấy dễ chịu nhưng theo kế hoạch, hai vị tổng thống gặp nhau trong quang cảnh yên bình tại Villa La Grange, một dinh thự trang nhã nằm trong một công viên rộng 30ha nhìn ra Hồ Geneva.
Nội bất xuất, ngoại bất nhập
Vành đai quanh nơi diễn ra hội đàm bị phong tỏa với sự hiện diện dày đặc của cảnh sát hôm 16/6. Sau cuộc gặp song phương, Tổng thống Biden và Tổng thống Putin sẽ tiếp tục thảo luận với sự tham gia của các quan chức Mỹ và Nga, bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cùng các phiên dịch viên.
Kiểm soát vũ khí là một lĩnh vực có thể đạt được tiến bộ, như đã từng trong lịch sử, bất chấp những bất đồng lớn hơn giữa hai nước.
Vào tháng 2, Nga và Mỹ đã gia hạn hiệp ước START Mới thêm 5 năm, trong đó giới hạn các đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai của họ và hạn chế các tên lửa trên đất liền và trên tàu ngầm cũng như máy bay ném bom.
Quan chức cấp cao của Mỹ cho biết ông Biden cũng sẽ xác định các lĩnh vực lợi ích quốc gia quan trọng mà hành vi sai trái của Nga sẽ phải bị đáp trả. Tổng thống Biden hồi tháng 4 ký một lệnh hành pháp, trong đó cho Washington một phạm vi rộng để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Trong một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang căng thẳng, các cuộc hội đàm sẽ không bao gồm bất kỳ bữa ăn nào và ông Putin và ông Biden dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp báo riêng biệt thay vì một cuộc họp chung.
"Không chung cái gì cả", quan chức cấp cao của Mỹ nói.
Ông Vladimir Frolov, một cựu quan chức ngoại giao Nga, nói với Reuters rằng Tổng thống Putin muốn có một quan hệ được tôn trọng và được đối xử như các thành viên của Bộ Chính trị Liên Xô trong những năm 1960-1980, với "sự công nhận mang tính biểu tượng về sự ngang bằng địa chính trị với Mỹ".
“Đổi lại, họ (Moscow) sẵn sàng cắt giảm một vài thứ trong những việc điên rồ”, ông Frolov nói, đồng thời cho biết ý của ông là “không đầu độc, không bạo lực thể xác, không bắt giữ/bắt cóc công dân Mỹ và Nga,không can thiệp vào chính trị trong nước".
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Carnegie của Mỹ ở Moscow, Dmitri Trenin, đặt mức kỳ vọng thấp nhất về các cuộc hội đàm ngày 16/6.
“Cái có được cơ bản, theo nghĩa tích cực, từ cuộc họp ở Geneva là đảm bảo rằng Mỹ và Nga không tấn công nhau trên thực địa, để tránh va chạm quân sự”, ông Trenin nói.
Trái ngược với Tổng thống Trump, người có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin năm 2018 tại Helsinki, trong đó bao gồm một cuộc gặp chỉ có thông dịch viên, thì Tổng thống Biden và ông Putin dự kiến sẽ không có bất kỳ cuộc gặp riêng nào.
Đứng bên cạnh ông Putin trong cuộc họp báo chung ở Helsinki, ông Trump từ chối đổ lỗi cho nhà lãnh đạo Nga vì đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, gây nghi ngờ về những phát hiện của các cơ quan tình báo của chính ông và làm dấy lên một làn sóng chỉ trích trong nước.