Đường dẫn truy cập

Cuộc điều tra vụ nổ bom ở Thái Lan đang bị nghi vấn


Trung tướng Prawut Thavornsiri phát biểu với truyền thông tại Trụ sở Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan ở Bangkok, ngày 30/8/2015.
Trung tướng Prawut Thavornsiri phát biểu với truyền thông tại Trụ sở Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan ở Bangkok, ngày 30/8/2015.

Giới hữu trách Thái Lan bị chỉ trích sau khi khuyến cáo truyền thông và công chúng không được phổ biến hình ảnh một chiếc áo của những kẻ đánh bom tự sát được phát sóng trên truyền hình toàn quốc ngày hôm trước.

Tất cả các kênh truyền hình ở Thái Lan đã phát sóng thông báo của chính phủ quân nhân nước này vào lúc 6 giờ chiều hôm thứ Bảy về việc giới hữu trách bắt giữ một nghi can có liên hệ tới vụ đánh bom một đền thờ ở thủ đô Bangkok khiến 20 người thiệt mạng.

Thông cáo phát sóng có hình của nghi can, và cho biết nghi can là một "người nước ngoài," 28 tuổi, cùng với những hình ảnh được Trung tá Winthai Suvaree, phát ngôn viên của chính phủ quân nhân, nói là các vật liệu tịch thu được liên hệ với việc chế bom, và nhiều hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ.

giây thứ 44 của phút thứ 3 của thông cáo đặc biệt được phát sóng, một chiếc áo thường được những kẻ đánh bom tự sát sử dụng được chiếu hình, nhưng ông Winthai không nói rõ về chiếc áo đánh bom đó, và hình ảnh đó xuất hiện trên màn hình chưa tới 3 giây đồng hồ.

Các phóng viên báo chí và những người sử dụng các mạng xã hội nhanh chóng lưu ý rằng hình ảnh chiếc áo đánh bom đó xuất hiện vào tháng 3 năm 2013 trên trang web của Cơ quan Quản lý An ninh Giao thông Vận tải của Hoa Kỳ.

Ảnh nghi can Thổ Nhĩ Kỳ Adem Karadag được cảnh sát Thái Lan công bố hôm 29/8.
Ảnh nghi can Thổ Nhĩ Kỳ Adem Karadag được cảnh sát Thái Lan công bố hôm 29/8.

Cảnh sát quốc gia Thái Lan sau đó thông báo trên trang Twitter rằng chiếc áo đánh bom đó không liên hệ đến vụ đánh bom ở Bangkok đang trong vòng điều tra, và khuyến cáo người nào đăng lại hình ảnh đó lên mạng Internet có thể bị truy tố theo luật hình sự về máy tính.

Giới hữu trách không nói rõ tại sao họ phát những hình ảnh này chung với những hình ảnh họ chụp được tại căn hộ của nghi can, và ai chịu trách nhiệm trong việc đưa những hình ảnh đó vào thông cáo của chính phủ được phát sóng mà tất cả các đài truyền hình bị bắt buộc phải tiếp vận phát sóng.

Chính phủ quân nhân cầm quyền liên tục không gọi cuộc tấn công là một hành vi khủng bố và phủ nhận với đài VOA rằng người Trung Quốc có thể là mục tiêu chính.

Những tin đồn ngày càng tăng trong những ngày gần đây là có khả năng vụ nổ liên hệ đến người sắc tộc thiểu số Uighur ở Trung Quốc - hay là những người cảm tình có cùng tôn giáo với họ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính phủ quân nhân Thái Lan tháng trước đã cưỡng bách hồi hương hơn 100 người tị nạn Uighur về Trung Quốc, một động thái bị những tổ chức nhân quyền quốc tế lên án.

Việc này đưa đến một vụ tấn công vào tòa đại sứ Thái Lan ở Istanbul làm vỡ nhiều cửa sổ tại đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG