Đường dẫn truy cập

‘Cuộc chiến’ về lệnh cấm du hành của Trump vẫn tiếp diễn


Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, trái, và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Bob Goodlatte, trong cuộc họp báo về chính sách di trú ngày 29/6/2017.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, trái, và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Bob Goodlatte, trong cuộc họp báo về chính sách di trú ngày 29/6/2017.

Một thẩm phán Mỹ đưa ra những câu hỏi hóc búa cho các luật sư đại diện những tổ chức người tị nạn và những người bênh vực di dân tìm cách lật ngược chính sách gần đây nhất của chính quyền ông Trump cấm công dân của một số nước không được vào Mỹ.

Thẩm phán liên bang Theodore Chuang ở Maryland ngày 16/10 nghe tranh cãi bênh vực và chống lại lệnh cấm mới của Tổng thống Donald Trump được loan báo ngày 24/9 và có hiệu lực vào ngày 18/10.

Lệnh này hạn chế vô hạn định những người Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia, Chad và Triều Tiên đến Mỹ. Một vài giới chức chính phủ Venezuela cũng bị cấm.

Tất cả các nước này, trừ Chad, Triều Tiên và Venezuela, đều có tên trong hai danh sách đầu tiên cấm đến Mỹ mà những người chống ông Trump nói là một nỗ lực được nhẹ nhàng che đậy để hoàn tất lời hứa trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump là “hoàn toàn cấm người Hồi Giáo vào nước Mỹ.”

Thẩm phán Chuang bác bỏ lệnh cấm trước đây của ông Trump. Lệnh này đã được Tối cao Pháp viện Mỹ phục hồi một phần vào tháng 6 năm nay.

Tòa án nghe tranh luận về việc có nên ngăn chận thi hành lệnh cấm từ 3 vụ kiện chồng chéo nhau do Dự án Trợ giúp Người tị nạn Quốc tế, Liên minh người Iran qua biên giới, Hoạt động Quan hệ Hoa Kỳ-Hồi Giáo và những tổ chức khác khởi kiện hay không. Luật sư của những tổ chức phải trả lời chất vấn của thẩm phán Chuang.

Ông Omar Jadwat, luật sư của Liên minh các quyền Tự do dân sự Hoa Kỳ, cho rằng văn bản mới “là một văn bản lớn hơn, khắc nghiệt hơn của cùng một lệnh cấm” mà ông Trump mong muốn trước đây.

Những tổ chức này nói các biện pháp của ông Trump vi hiến vì kỳ thị Hồi Giáo và cũng vi phạm luật di trú cấm dựa vào quốc tịch để ngăn cản vào Mỹ.

Ông Trump cho rằng những hạn chế này cần thiết để thắt chặt an ninh và ngăn ngừa những cuộc tấn công khủng bố.

Lệnh cấm thứ ba được đưa ra dưới hình thức thông cáo của Tổng thống sau khi chính phủ tiến hành rà soát lại việc chia sẻ thông tin và các thủ tục kiểm tra an ninh của các nước trên toàn thế giới. Các chuyên gia về luật pháp nói những hạn chế mới chắc chắn có những căn bản vững chắc hơn vì có nhiều tiến trình liên hệ đến nhiều cơ quan hơn.

Thẩm phán Chuang nói ông sẽ quyết định sau về việc có cho phép những người khởi kiện yêu cầu xét lại lệnh cấm hay không.

VOA Express

XS
SM
MD
LG