Cục Hàng không Việt Nam ra thông báo chính thức hôm 31/1 (tức 29 Tết) xác nhận rằng người Việt ở nước ngoài giờ đây có thể bay bằng nhiều hãng nước ngoài để hồi hương, không nhất thiết chỉ bay bằng các hãng hàng không Việt.
“Tất cả đồng bào, công dân Việt Nam hiện đang ở nước ngoài có nhu cầu về nước có thể đăng ký trên những chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài để tiến hành các thủ tục thực hiện chuyến bay”, theo phần nội dung chính của thông cáo báo chí do Cục Hàng không đăng lên trang web của cục.
Quy định mới đã được sự đồng ý của Bộ Giao thông-Vận tải, cơ quan mẹ của cục, thông cáo báo chí cho hay.
Vẫn thông cáo cho biết thêm đây là động thái của cục và bộ thực hiện chỉ đạo của thủ tướng Việt Nam về “giải pháp bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước”, trong đó, như VOA đã đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính “yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương cấp phép cho hãng hàng không nước ngoài chở công dân Việt Nam về nước, nhất là các địa bàn hiện vẫn còn nhiều công dân đang mắc kẹt”.
Trong hai năm vừa qua, do đại dịch COVID-19 làm Việt Nam và nhiều nước trên thế giới hạn chế việc đi lại và các chuyến bay quốc tế, hàng trăm ngàn công dân Việt Nam đi làm việc, học tập hoặc du lịch, thăm thân nhân ở nước ngoài bị kẹt lại, không thể trở về nước.
Trong hơn 1 tháng đến nay, chỉ có các hãng hàng không Việt Nam và vài hãng nước ngoài được cấp phép thực hiện 9 đường bay quốc tế giữa Việt Nam và Mỹ, một số nước ở châu Âu và châu Á, không đáp ứng đủ nhu cầu nên nhiều người Việt không kịp hồi hương đón Tết.
Trước đó, nhà chức trách Việt Nam đã tổ chức hoặc hậu thuẫn những chuyến bay do các hãng Việt Nam thực hiện để đưa người Việt hồi hương trong đại dịch, thường được gọi là “chuyến bay giải cứu”.
Nhưng như VOA đã đưa tin, nhiều nhân chứng và dư luận lên án về nạn hối lộ và mức chi phí đắt đỏ đến mức bị xem là “trên trời”, “cắt cổ”, “hút máu” gắn với các “chuyến bay giải cứu” đó.
Tình trạng kể trên được xác nhận khi Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 4 cán bộ của Bộ Ngoại giao hôm 27/1, chỉ vài ngày trước Tết, gồm nữ Cục trưởng Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao, Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi; một cục phó, một chánh văn phòng và một phó phòng của cục này.
Bốn người này bị bên điều tra cáo buộc là đã “nhận hối lộ” và trục lợi cá nhân trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Theo thống kê được Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố hồi tháng 12/2021, bộ này và các cơ quan liên quan đã thực hiện “800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước”.
Sau khi tin tức về 4 quan chức Cục Lãnh sự bị bắt được loan ra, theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội nhiều người đưa ra ước tính rằng nếu mỗi công dân phải hối lộ cho các quan chức dàn xếp các chuyến bay ít nhất 1.000 đô la, tổng số tiền hối lộ lên đến 200 triệu đô la.
Số tiền này tương đương với khoảng 4 nghìn 600 tỷ đồng, gấp khoảng 6 lần số tiền hối lộ được chia chác trong vụ bê bối thổi giá các bộ xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á, một vụ việc cũng gây chấn động và căm phẫn trong dư luận Việt Nam về tình trạng có những kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi từ người dân khốn khó.