Cuba hôm 3/8 thông báo kiều dân ở nước ngoài có thể tham gia đóng góp ý kiến về những thay đổi trong bản Hiến pháp năm 1976 – lần đầu tiên quốc gia cộng sản này có động thái như vậy sau nhiều năm loại kiều dân ra khỏi nền chính trị trong nước.
Tháng trước, Quốc hội Cuba đã thông qua đề xuất sửa đổi Hiến pháp. Bản Hiến pháp sửa đổi này vẫn duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa độc đảng nhưng tái cơ cấu lại tổ chức Nhà nước và dọn đường cho việc thừa nhận doanh nghiệp tư nhân nhỏ và quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Bản dự thảo sửa đổi này sẽ được đưa ra cho người dân Cuba đóng góp ý kiến tại 35.000 buổi họp tại các cơ quan làm việc và cộng đồng dân cư ở Cuba cho đến tháng 11, trước khi đi đến bản thảo cuối cùng để đưa ra trưng cầu dân ý.
Chính phủ Cuba cho biết họ sẽ đăng những đề xuất sửa đổi này lên mạng Internet cùng với biểu mẫu để người Cuba hiện sống ở hải ngoại có thể điền ý kiến và đề xuất của họ về bản Hiến pháp.
“Điều này là bằng chứng cho thấy nỗ lực liên tục của chính phủ để củng cố mối liên hệ giữa Cách mạng và các kiều dân Cuba ở hải ngoại,” chính phủ Cuba cho biết trong một thông cáo.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Cuba đã chụp mũ những người dân đã rời bỏ hòn đảo này là ‘phản quốc’, ‘sâu bọ’, nhất là nếu họ di cư đến Mỹ. Rất ít khi các kiều dân Cuba được cấp phép về thăm quê hương.
Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ thì mọi thứ đã thay đổi. Đa số những kiều dân Cuba sống ở hải ngoại giờ đây đã được xem là di cư vì động cơ kinh tế và được chào đón trở về nước và ra đi khi nào họ muốn nếu như họ vẫn còn giữ hộ chiếu Cuba.
Ước tính hiện có khoảng hai triệu người Cuba, trong đó có những người sinh bên ngoài đảo quốc này, hiện đang sống ở nước ngoài. Trong khi đó, dân số Cuba hiện là 11 triệu người.
Năm ngoái, có khoảng 600.000 kiều dân Cuba, đa số là từ Mỹ, về thăm quê hương, theo số liệu của chính phủ.