Người dân Cuba hôm 24/2 đổ về các điểm bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới vốn đưa ra những thay đổi kinh tế và xã hội khiêm tốn trong khi vẫn duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa độc đảng.
Cho đến 5 giờ chiều – một giờ trước khi các phòng phiếu đóng cửa – đã có 81% trong số 8,7 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu, theo ủy ban bầu cử quốc gia Cuba.
Kết quả được loan báo vào thứ Hai ngày 25/2.
Không có sự cố gì xảy ra ở các điểm bỏ phiếu mặc dù có thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội cho biết cảnh sát ngăn chặn những nhóm nhỏ những người bất đồng chính kiến biểu tình ở miền đông Cuba và ở thủ đô Havana.
Tranh luận về Hiến pháp mới đã bao trùm nền chính trị Cuba trong nhiều tháng ngay cả khi nước này đang vật lộn với tình trạng kinh tế trì trệ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã lên án cuộc trưng cầu dân ý trên Twitter là ‘một thủ đoạn nữa của chế độ Cuba để che đậy sự đàn áp và chế độ chuyên chế của họ.’
Tổng thống Cuba Miguel Diaz-Canel cho biết cuộc bỏ phiếu diễn ra vào lúc những gì xảy ra ở Venezuela cho thấy ‘mối đe dọa của chủ nghĩa đế quốc’ mà khu vực đang phải đối mặt.
“Ngày hôm nay chúng ta sẽ chiến thắng… Đó cũng là một thắng lợi quan trọng dành cho Venezuela,” ông Diaz-Canel phát biểu sau khi xếp hàng bỏ phiếu ở Havana.
“Tôi nghĩ rằng người Mỹ với sự ngạo mạn của họ đã sai lầm. Người dân đang thức tỉnh khi họ nhìn thấy những hành động hung ác và nhận thấy điều gì ở đằng sau,” ông nói.
Cựu Chủ tịch Raul Castro, người vẫn giữ vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản, im hơi lặng tiếng một cách khá bất thường trong một hành động rõ ràng là nhún nhường trước Chủ tịch Diaz-Canel.
Truyền thông nhà nước chiếu hình ảnh cho thấy ông Castro bỏ phiếu và trò chuyện với học sinh tại một điểm bỏ phiếu nhưng ông phát biểu gì trước các phóng viên.
Những người thuộc phái Phúc âm ở Cuba được cho là sẽ bỏ phiếu chống lại dự thảo Hiến pháp bởi vì họ lo ngại nó sẽ mở đường cho hôn nhân đồng tính trong khi Giáo hội Công giáo cũng đã lên tiếng chỉ trích.
Những người bất đồng và những người Cuba lưu vong đã phát động một chiến dịch bác bỏ Hiến pháp trên mạng xã hội bởi vì nó buộc chặt Cuba với chủ nghĩa cộng sản.
Chính quyền Cuba đã tổ chức cuộc tranh luận ở cấp cơ sở về dự thảo Hiến pháp hồi năm ngoái nhưng kể từ khi họ thông qua văn bản cuối cùng để đưa ra trưng cầu dân ý, họ đã tận dụng sự độc quyền về truyền thông và không gian công cộng để hối thúc người dân chấp nhận Hiến pháp mới và kiểm duyệt những ai có quan điểm trái chiều.
Các quan sát viên địa phương và nước ngoài nói có khoảng từ 70 cho đến 80% cử tri Cuba sẽ phê chuẩn Hiến pháp mới. Họ cũng cho rằng sẽ có nhiều phiếu chống và phiếu trắng hơn so với năm 1976. Lúc đó bản Hiến pháp hiện hành được 97,8% cử tri bỏ phiếu thuận.
“Người dân Cuba có cơ hội thảo luận về Hiến pháp ở nơi cư trú và nơi làm việc của họ,” ông Lazaro Rodriguez, 58 tuổi, nói trong khi ông đang đi chợ ở một chợ nông sản ở Havana.
“Nó cập nhật hệ thống kinh tế của chúng tôi vốn không được tốt cho lắm, nhưng chúng tôi đang cố gắng hiện đại hóa và đó là một điều rất tích cực,” ông nói và cho biết ông sẽ bỏ phiếu thuận.
Những thay đổi được đề xuất trong Hiến pháp cho thấy Cuba đang dần mở cửa kể từ khi quốc gia bảo trợ cho họ trước đây là Liên Xô sụp đổ.
Có những điều khoản trong Hiến pháp đề cập đến thị trường và công nhận quyền sở hữu tư nhân, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhỏ, bình đẳng giới tính, mạng Internet, quyền có đại diện pháp lý khi bị bắt và lệnh đình quyền giam giữ.
Hiến pháp mới cũng sẽ tái cơ cấu chính phủ, đặt ra chức vụ Thủ tướng và giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, cùng những thay đổi khác.