Thú thực, bình thường tôi không chú ý đến các giải thưởng văn học nghệ thuật ở trong nước. Và từ lâu, cũng không chú ý đến các diễn văn về văn học nghệ thuật của giới lãnh đạo cộng sản. Tuy nhiên, hôm nay, lúc lướt mạng, tình cờ một bài viết đã khá cũ, nhan đề “Đảng, Nhà nước ta tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn học, nghệ thuật phát triển”, đập vào mắt. Tự dưng tò mò, đọc thử. Đó là bài nói chuyện của Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, nhân buổi lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và danh hiệu nghệ sĩ nhân dân vào sáng ngày 19/5 tại Hà Nội. Đọc xong, thấy vui, bèn viết vài lời tản mạn.
Nhưng, trước hết, xin giải thích một chút về câu mở đầu ở trên. Lý do chính khiến tôi không chú ý đến các giải thưởng văn học nghệ thuật trong nước vì chúng nhảm. Giải thưởng văn học nào cũng có hạn chế. Ngay cả giải thưởng văn học nổi tiếng nhất thế giới như giải Nobel cũng có vấn đề. Cũng bỏ sót nhiều tác giả và tác phẩm xuất sắc. Và cũng trao nhầm cho những người tài năng làng nhàng bậc trung. Thật ra, đó chỉ là chuyện bình thường. Giải thưởng nào cũng do một số người lựa chọn. Là người, không có ai không có những giới hạn nhất định. Về kiến thức. Về nhận định. Về quan điểm thẩm mỹ. Và về khả năng cảm thụ.
Có điều, các giải thưởng có uy tín trên thế giới cũng có những tiêu chí nhất định. Tiêu chí ấy, trước hết, dựa trên tính thẩm mỹ và tính nghệ thuật. Ở Việt Nam thì khác.Tiêu chí hàng đầu là tiêu chí chính trị. Trong chính trị, tiêu chí hàng đầu lại là tiêu chí phục tùng và minh họa chính sách. Thành ra, cho đến nay, hầu hết những tác phẩm được tặng giải thưởng là những tác phẩm kém.
Có thể tóm tắt thành một lời khuyên thế này: ở Việt Nam, nghe một tác phẩm nào đoạt giải, bạn đừng đọc; nghe một nhà văn hay nhà thơ nào được trao tặng danh hiệu “cao quý” nào đó, bạn đừng thèm ngó mắt đến.
Về các lời phát biểu của giới lãnh đạo cũng vậy. Trước, tôi sưu tập và đọc khá nhiều, khá kỹ các bài phát biểu ấy chủ yếu để tìm tài liệu viết cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng sản, 1945-90 (1991 & 1996). Đọc như một cực hình. Cái cực hình khi nghe một người dốt nói chuyện. Nói lải nhải. Lại nói một cách đầy quyền uy. Xin lưu ý: tôi dùng chữ “dốt” chứ không phải “ngu”. Không, tôi không nghĩ những kẻ ngoi lên được những cái ghế cao vòi vọi và giữ chúng một cách vững chắc lâu dài vậy là ngu. Họ không ngu nhưng dốt: ở lãnh vực này, họ không có chút kiến thức chuyên môn nào cả.
Bài phát biểu của ông Trương Tấn Sang “kế thừa” đầy đủ những cái dốt truyền đời của giới lãnh đạo cộng sản. Cũng xem văn học như một thứ vũ khí đơn giản của chính trị. Cũng xem giới cầm bút như những tôi đòi chỉ biết vâng vâng dạ dạ. Cũng muốn sử dụng những biện pháp hành chính thô bạo để kiểm soát thế giới sáng tạo vốn tự bản chất, phải được tự do, của con người. Cũng có ảo tưởng loại văn chương cung đình họ nuôi dưỡng lâu nay là văn học đích thực.
Bài phát biểu của Trương Tấn Sang chỉ có một ưu điểm: ông không hề nhắc đến chữ “chủ nghĩa xã hội” như một ý thức hệ. Trong cả bài, chữ “chủ nghĩa xã hội” chỉ xuất hiện có một lần, một lần duy nhất, ở câu cuối cùng, nhưng nó nằm trong cụm từ “Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Như một danh xưng. Chứ không phải như một ý thức hệ.
Ngày xưa, giới lãnh đạo cộng sản xem chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như một phương pháp sáng tác duy nhất được chấp nhận dưới chế độ của họ. Sau năm 1991, khi chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ hoàn toàn ở Nga và châu Âu, họ bỏ dần cái thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong các bài diễn văn. Nói cách khác, trong việc lãnh đạo, họ bỏ qua vấn đề phương pháp. Điều đó mặc nhiên có nghĩa là: giới cầm bút có thể sử dụng phương pháp sáng tác gì cũng được. Tuy nhiên, họ vẫn giữ lại một giới hạn về ý thức hệ: đó là chủ nghĩa xã hội. Bây giờ, khi nhắc đến các mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược, Trương Tấn Sang hoàn toàn lờ đi mấy chữ “chủ nghĩa xã hội”.
Ông chỉ nói: “Mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của đất nước ta hiện nay là đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thấm đượm tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng, là động lực và mục tiêu phát triển đất nước, theo quan điểm Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đó, cùng với toàn Đảng, toàn dân, các văn nghệ sỹ có vinh dự và trọng trách lớn. Đảng, Nhà nước ta tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật Việt Nam; xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ; cùng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới.”
Việc bỏ đi những chữ nhảm nhí ấy dĩ nhiên là một điều hay. Tuy nhiên, vấn đề là: bỏ đi cả phương pháp sáng tác (chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa) lẫn ý thức hệ (chủ nghĩa xã hội), vậy thì sự lãnh đạo của đảng Cộng sản trong lãnh vực văn học nghệ thuật sẽ còn lại gì?
– Không còn gì cả.
Xin nói ngay: đó là điều đáng mừng chứ không phải đáng tiếc. Văn học nghệ thuật vốn là thế giới của sáng tạo, mà sáng tạo, tự bản chất, lại gắn liền với tự do cá nhân – tự do và cá nhân, không cần bất cứ sự lãnh đạo nào. Ở Tây phương, chả có nhà chính trị nào dám mở miệng nói đến chuyện lãnh đạo văn học nghệ thuật.
Điều bất hạnh lớn nhất của văn học nghệ thuật hiện đại Việt Nam là lúc nào nó cũng bị lãnh đạo. Chính những sự lãnh đạo dốt nát, hẹp hòi và thô bạo ấy đã làm văn học nghệ thuật càng ngày càng ốm o, còi cọc, què quặt, dị dạng. Ngay cả những tài năng kiệt xuất nhất cũng chịu bó tay, không sáng tác nổi một cái gì ra hồn.
Muốn cứu vãn văn học nghệ thuật Việt Nam, điều duy nhất đảng cộng sản và nhà cầm quyền nên làm và cần làm là cứ bỏ mặc nó. Đừng lãnh đạo gì cả. Đừng lập ban bệ gì cả. Đừng tổ chức hội nghị hay họp hành gì cả. Đừng trao giải thưởng hay phong danh hiệu gì cho ai cả.
Cứ để cho giới cầm bút được tự do. Tự do, tự nó, không đủ sinh ra tài năng. Nhưng nó sẽ giúp tài năng được nảy nở.
Khi tài năng được nảy nở, tác phẩm lớn sẽ ra đời.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Nhưng, trước hết, xin giải thích một chút về câu mở đầu ở trên. Lý do chính khiến tôi không chú ý đến các giải thưởng văn học nghệ thuật trong nước vì chúng nhảm. Giải thưởng văn học nào cũng có hạn chế. Ngay cả giải thưởng văn học nổi tiếng nhất thế giới như giải Nobel cũng có vấn đề. Cũng bỏ sót nhiều tác giả và tác phẩm xuất sắc. Và cũng trao nhầm cho những người tài năng làng nhàng bậc trung. Thật ra, đó chỉ là chuyện bình thường. Giải thưởng nào cũng do một số người lựa chọn. Là người, không có ai không có những giới hạn nhất định. Về kiến thức. Về nhận định. Về quan điểm thẩm mỹ. Và về khả năng cảm thụ.
Có điều, các giải thưởng có uy tín trên thế giới cũng có những tiêu chí nhất định. Tiêu chí ấy, trước hết, dựa trên tính thẩm mỹ và tính nghệ thuật. Ở Việt Nam thì khác.Tiêu chí hàng đầu là tiêu chí chính trị. Trong chính trị, tiêu chí hàng đầu lại là tiêu chí phục tùng và minh họa chính sách. Thành ra, cho đến nay, hầu hết những tác phẩm được tặng giải thưởng là những tác phẩm kém.
Có thể tóm tắt thành một lời khuyên thế này: ở Việt Nam, nghe một tác phẩm nào đoạt giải, bạn đừng đọc; nghe một nhà văn hay nhà thơ nào được trao tặng danh hiệu “cao quý” nào đó, bạn đừng thèm ngó mắt đến.
Về các lời phát biểu của giới lãnh đạo cũng vậy. Trước, tôi sưu tập và đọc khá nhiều, khá kỹ các bài phát biểu ấy chủ yếu để tìm tài liệu viết cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng sản, 1945-90 (1991 & 1996). Đọc như một cực hình. Cái cực hình khi nghe một người dốt nói chuyện. Nói lải nhải. Lại nói một cách đầy quyền uy. Xin lưu ý: tôi dùng chữ “dốt” chứ không phải “ngu”. Không, tôi không nghĩ những kẻ ngoi lên được những cái ghế cao vòi vọi và giữ chúng một cách vững chắc lâu dài vậy là ngu. Họ không ngu nhưng dốt: ở lãnh vực này, họ không có chút kiến thức chuyên môn nào cả.
Bài phát biểu của ông Trương Tấn Sang “kế thừa” đầy đủ những cái dốt truyền đời của giới lãnh đạo cộng sản. Cũng xem văn học như một thứ vũ khí đơn giản của chính trị. Cũng xem giới cầm bút như những tôi đòi chỉ biết vâng vâng dạ dạ. Cũng muốn sử dụng những biện pháp hành chính thô bạo để kiểm soát thế giới sáng tạo vốn tự bản chất, phải được tự do, của con người. Cũng có ảo tưởng loại văn chương cung đình họ nuôi dưỡng lâu nay là văn học đích thực.
Bài phát biểu của Trương Tấn Sang chỉ có một ưu điểm: ông không hề nhắc đến chữ “chủ nghĩa xã hội” như một ý thức hệ. Trong cả bài, chữ “chủ nghĩa xã hội” chỉ xuất hiện có một lần, một lần duy nhất, ở câu cuối cùng, nhưng nó nằm trong cụm từ “Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Như một danh xưng. Chứ không phải như một ý thức hệ.
Ngày xưa, giới lãnh đạo cộng sản xem chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như một phương pháp sáng tác duy nhất được chấp nhận dưới chế độ của họ. Sau năm 1991, khi chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ hoàn toàn ở Nga và châu Âu, họ bỏ dần cái thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong các bài diễn văn. Nói cách khác, trong việc lãnh đạo, họ bỏ qua vấn đề phương pháp. Điều đó mặc nhiên có nghĩa là: giới cầm bút có thể sử dụng phương pháp sáng tác gì cũng được. Tuy nhiên, họ vẫn giữ lại một giới hạn về ý thức hệ: đó là chủ nghĩa xã hội. Bây giờ, khi nhắc đến các mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược, Trương Tấn Sang hoàn toàn lờ đi mấy chữ “chủ nghĩa xã hội”.
Ông chỉ nói: “Mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của đất nước ta hiện nay là đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thấm đượm tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng, là động lực và mục tiêu phát triển đất nước, theo quan điểm Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đó, cùng với toàn Đảng, toàn dân, các văn nghệ sỹ có vinh dự và trọng trách lớn. Đảng, Nhà nước ta tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật Việt Nam; xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ; cùng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới.”
Việc bỏ đi những chữ nhảm nhí ấy dĩ nhiên là một điều hay. Tuy nhiên, vấn đề là: bỏ đi cả phương pháp sáng tác (chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa) lẫn ý thức hệ (chủ nghĩa xã hội), vậy thì sự lãnh đạo của đảng Cộng sản trong lãnh vực văn học nghệ thuật sẽ còn lại gì?
– Không còn gì cả.
Xin nói ngay: đó là điều đáng mừng chứ không phải đáng tiếc. Văn học nghệ thuật vốn là thế giới của sáng tạo, mà sáng tạo, tự bản chất, lại gắn liền với tự do cá nhân – tự do và cá nhân, không cần bất cứ sự lãnh đạo nào. Ở Tây phương, chả có nhà chính trị nào dám mở miệng nói đến chuyện lãnh đạo văn học nghệ thuật.
Điều bất hạnh lớn nhất của văn học nghệ thuật hiện đại Việt Nam là lúc nào nó cũng bị lãnh đạo. Chính những sự lãnh đạo dốt nát, hẹp hòi và thô bạo ấy đã làm văn học nghệ thuật càng ngày càng ốm o, còi cọc, què quặt, dị dạng. Ngay cả những tài năng kiệt xuất nhất cũng chịu bó tay, không sáng tác nổi một cái gì ra hồn.
Muốn cứu vãn văn học nghệ thuật Việt Nam, điều duy nhất đảng cộng sản và nhà cầm quyền nên làm và cần làm là cứ bỏ mặc nó. Đừng lãnh đạo gì cả. Đừng lập ban bệ gì cả. Đừng tổ chức hội nghị hay họp hành gì cả. Đừng trao giải thưởng hay phong danh hiệu gì cho ai cả.
Cứ để cho giới cầm bút được tự do. Tự do, tự nó, không đủ sinh ra tài năng. Nhưng nó sẽ giúp tài năng được nảy nở.
Khi tài năng được nảy nở, tác phẩm lớn sẽ ra đời.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.