Nhóm tự phát Vietvision thường đăng các video ủng hộ nhà nước Việt Nam mới đây thông báo “tự giải tán”. Nhiều người sử dụng mạng xã hội cho rằng trong khoảng một năm trở lại đây nhóm này “phá rối” xã hội và việc họ chấm dứt hoạt động là điều “đáng mừng”.
Thông báo của Vietvision đăng trên tài khoản Facebook có tên Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, được cho là thuộc về ông Hoàng Công Cường, một sáng lập viên của nhóm, nói rằng nhóm “tự giải tán” kể từ 3h chiều ngày 7/3/2018.
Lý do được tài khoản Nguyễn Ngọc Bảo Trâm đưa ra là do “đặc thù công việc, tình hình sức khỏe và điều kiện bản thân” của các thành viên, cũng như “tiếp thu ý kiến của nhiều bạn bè, khán giả thân hữu”.
VOA cố gắng liên lạc với hai thành viên chủ chốt của nhóm để tìm hiểu thêm về lý do cụ thể đằng sau diễn biến này, nhưng họ không nghe máy.
Người đăng thông báo của Vietvision cho hay nhóm này “rất lấy làm tiếc và luôn trân trọng tình cảm của các anh chị em đã dành cho Vvs [Vietvision] trong suốt thời gian qua”.
Dư luận bắt đầu chú ý đến Vietvision kể từ năm 2014 khi nhóm này tung ra các video trên mạng trong đó mà họ nói rằng có mục đích “ủng hộ chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước”, “chống phản động” và “chống xuyên tạc về Việt Nam”.
Theo giới quan sát, Vietvision được cho là một nhóm tự phát, dù thể hiện quan điểm thân nhà nước nhưng dường như họ không nhận tài trợ của nhà nước. VOA không thể độc lập xác minh thông tin này.
Không chỉ dừng ở việc tranh luận trên mạng, nhiều thành viên của nhóm đã tập hợp ở ngoài đời thực, tiến hành các cuộc “phản biểu tình” vào một số dịp khi người dân biểu tình về chủ quyền biển đảo năm 2015 hay vì kiện tụng về thảm họa môi trường biển ở miền trung năm 2017.
Sau khi thông báo tự giải tán được đăng, đã có hàng trăm lời bình luận của những người sử dụng mạng xã hội. Một phần các ý kiến dường như của những người ủng hộ nhóm cho rằng đó là “tin buồn”, “gây thất vọng”. Trong khi đó, phần lớn hơn là nhiều ý kiến cho rằng nhóm đã đi chệch khỏi tôn chỉ, mục đích ban đầu, và vì thế dừng hoạt động là “đúng”.
Họ làm rầm rĩ lên, cho rằng Thiên chúa giáo là giặc. Họ kích động, đả phá Thiên chúa giáo ở Việt Nam. Đó là một điều mà tôi cho là không thể chấp nhận đượcông Dương Xuân Thành
Từng theo dõi Vietvision trong nhiều năm, ông Dương Xuân Thành, 67 tuổi, cho VOA biết, ban đầu ông ủng hộ nhóm này, thậm chí còn có ý định tài trợ để nhóm này sản xuất các video nói về những tiến bộ, phát triển ở Việt Nam. Nhưng trong khoảng hơn một năm trở lại đây, ông càng ngày càng nhận thấy hoạt động của họ “phá rối đất nước”.
Là người hàng năm dành nửa thời gian sống ở Việt Nam và nửa thời gian sống ở châu Âu, ông Thành tự đánh giá mình có đủ hiểu biết và nhìn nhận khách quan về Việt Nam. Trên nền tảng đó, ông thấy lo ngại và bức xúc về những việc làm của Vietvision mà theo lời ông là “gây xáo trộn nhân tâm” và “kích động chống tôn giáo”.
Trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2017, đã có một số cuộc biểu tình lớn ở Nghệ An và Hà Tĩnh, do các giáo dân thực hiện để phản đối, khiếu kiện hãng Formosa gây ô nhiễm môi trường biển.
Cùng thời gian này, Vietvision tung ra các video phản bác các cuộc biểu tình đó, trong các video, theo nhiều người sử dụng mạng xã hội, có những lời lẽ không đúng mực nói về Thiên chúa giáo và các linh mục ở địa phương.
Ông Thành bình luận về việc làm đó của Vietvision:
“Họ làm những việc gây mâu thuẫn tôn giáo, khuấy động phòng trào chống tôn giáo. Họ làm rầm rĩ lên, cho rằng Thiên chúa giáo là giặc. Họ kích động, đả phá Thiên chúa giáo ở Việt Nam. Đó là một điều mà tôi cho là không thể chấp nhận được”.
Họ đã làm rối ren trong mấy tháng trời. Họ kêu gọi một số cựu chiến binh ít hiểu biết, ít suy nghĩ để làm đơn yêu cầu đảng, nhà nước phải hủy bộ sử. Tôi cho rằng đó là cái cụ thể nhất họ là cái người phá rối.ông Dương Xuân Thành
Nhưng hoạt động mà ông Thành xem như giọt nước làm tràn ly là “chiến dịch” trên mạng của Vietvision “lên án”, “chụp mũ” các nhà sử học khi họ công bố bộ sử mới của Việt Nam vào tháng 8/2017 trong đó không còn dùng từ “ngụy quân”, “ngụy quyền” để nói về Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Thành khẳng định việc làm của Vietvision khi đó là đỉnh cao của sự “phá quấy đất nước” cũng như “gây chia rẽ dân tộc”:
“Họ làm rùm beng lên. Họ cho là như thế là viết sai lịch sử. Họ đã làm rối ren trong mấy tháng trời. Họ kêu gọi một số cựu chiến binh ít hiểu biết, ít suy nghĩ để làm đơn yêu cầu đảng, nhà nước phải hủy bộ sử. Tôi cho rằng đó là cái cụ thể nhất họ là cái người phá rối. Nếu họ giải tán thật, đấy là một điều tốt đẹp”.
Đón nhận tin Vietvision giải thể, ông Vũ Minh Khánh ở Thanh Hóa, người cho đến cách đây vài tháng vẫn ủng hộ nhóm này, nói với VOA ông “không vui, không buồn”.
Từ nửa cuối năm 2017 đến nay, tình hình chính trị Việt Nam rối ren, nên sự thực phải nói là dột từ trên nóc dột xuống, thượng bất chính, hạ tắc loạn. Trong lúc này, tôi mong là người ta [Vietvision] nên im lặng đi...ông Vũ Minh Khánh
Theo nhìn nhận của ông Khánh, những diễn biến chống tham nhũng ở Việt Nam có thể là tác nhân dẫn đến việc Vietvision đóng cửa. Nhiều người sử dụng mạng xã hội chỉ ra rằng chính một số thành viên của nhóm thân chính quyền này đã chụp mũ nhau là “phản động” hay “chống cộng” sau khi họ có những quan điểm bất đồng về các vấn đề hiện nay ở Việt Nam.
Ông Khánh đưa ra ý kiến:
“Từ nửa cuối năm 2017 đến nay, tình hình chính trị Việt Nam rối ren, nên sự thực phải nói là dột từ trên nóc dột xuống, thượng bất chính, hạ tắc loạn. Trong lúc này, tôi mong là người ta [Vietvision] nên im lặng đi vì sự thực là giòi từ trong ruột giòi ra. Tốt nhất phải dẹp im trong nhà đã”.
Tự giới thiệu rằng mình có ông và cha là đảng viên, từng chống Pháp, chống Mỹ, ông Khánh cho rằng những người làm công việc có tính chất như của Vietvision trước mắt “nên nhìn lại đất nước mình đã” và nên dành thời gian để nói nhiều hơn về việc chống tham nhũng.
Ông nói thêm, trong bối cảnh đất nước còn có nhiều vấn đề như hiện nay, những lời phản biện của Vietvision đối với những người bị gán mác “phản động”, “chống cộng” chỉ làm cho người ta “cười”.