Ủy ban Bảo vệ Ký giả, gọi tắt là CPJ, nhận định rằng Việt Nam sẽ thắt chặt việc kiểm soát các blogger và các hình thức truyền thông khác với những luật lệ mới trong đó tăng cường quyền lực vốn đã rất mạnh mẽ của họ nhằm hạn chế tự do báo chí .
Trong một công bố được đăng tải trên trang web của mình hôm 13/1, CPJ cho biết nghị định dài 44 trang được ban hành hôm 6/1 qui định những khoản tiền phạt đối với các ký giả không chịu tiết lộ nguồn tin hay đăng tải các bài viết dưới các bút danh.
Theo CPJ những hạn chế mới được qui định trong điều 7 của nghị định này cụ thể nhắm vào cộng đồng blog, nơi nhiều blogger thường viết bài dưới các bút danh để tránh bị chính phủ trừng phạt.
Theo CPJ những qui định mới sẽ có hiệu lực từ tháng Hai dựa trên những hành động trước đây nhằm “đưa truyền thông mạng vào vòng kiểm duyệt giống như đối với báo chí truyền thống”.
Hãng thông tấn Pháp trích lời giới chức cao cấp của CPJ, ông Shawn Crispin phát biểu trong công bố rằng "nghị định mới này là nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính phủ đối với giới truyền thông đã phải hoạt động dưới những qui định khắt khe và bị trấn áp cao độ.”
Nghị định này cũng qui định một khoản tiền phạt từ 3 triệu đồng cho những ai đăng tải tài liệu hay thư từ mà không tiết lộ nguồn tin. Nếu tài liệu này có liên quan đến một cuộc điều tra chính thức thì số tiền phạt sẽ lên tới 20 triệu đồng.
Một bài viết về dự thảo nghị định này đăng trên báo Thanh Niên trích lời luật sư Trịnh Thanh nói rằng các ký giả phải bảo vệ nguồn tin của họ khi viết về các đề tài nhạy cảm, đặc biệt là về vấn đề tham nhũng.
Hồi năm 2008, một phóng viên của báo Thanh Niên đã bị kết án 2 năm tù giam với tội danh “lợi dụng tự do dân chủ” sau khi phóng viên này góp phần phát hiện ra một vụ bê bối tham nhũng. Trong khi một phóng viên báo Tuổi Trẻ và người cung cấp tin cho những phóng viên này cũng từng bị khởi tố.
Các tổ chức nhân quyền cho rằng Việt Nam tăng cường trấn áp những người bất đồng chính kiến trước kỳ Đại hội Đảng Cộng sản được khai mạc hôm thứ Tư để lựa chọn các vị lãnh đạo mới.
Hồi tháng trước, Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak cũng nhận định rằng tự do Internet tại Việt Nam đã xấu đi. Ông Michalak cũng cho rằng điều này là khá tệ vì nếu Việt Nam tiếp tục phát triển tự do Internet, tự do báo chí, tự do thảo luận thì chúng sẽ là những thành tố quan trọng giúp Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề khác.
Nguồn: AFP, CPJ
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1