Đường dẫn truy cập

CPJ: 2013 là năm đầy chết chóc và nguy hiểm cho ký giả


2013 là năm chết chóc và nguy hiểm cho ký giả, với 70 người thiệt mạng trên toàn thế giới và hơn 200 người bị bỏ tù.
2013 là năm chết chóc và nguy hiểm cho ký giả, với 70 người thiệt mạng trên toàn thế giới và hơn 200 người bị bỏ tù.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả nói năm 2013 là một năm chết chóc và nguy hiểm cho ký giả, với 70 người thiệt mạng trên toàn thế giới và hơn 200 người bị bỏ tù. Nhóm tranh đấu này cũng cảnh báo các chương trình theo dõi của chính phủ đề ra một thách thức mới cho một nền báo chí tự do.

Trong gần 30 năm, Ủy ban Bảo vệ Ký giả, tức CPJ, đã theo dõi các điều kiện của giới truyền thông trên khắp hoàn cầu.

Bản phúc trình Những cuộc Tấn công vào Báo chí của CPJ nói rằng Syria vẫn là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với ký giả, với 29 người bị giết hại hồi năm ngoái. Việc bắt cóc các thành viên của giới truyền thông cũng đang gia tăng và hàng chục ký giả Syria đã bỏ trốn khỏi nước.

Syria không phải là địa điểm u ám duy nhất trong khu vực. Phối hợp viên Chương trình Trung Ðông và Bắc Phi của CPJ Sherif Mansour nêu ra Iran, Iraq và Ai Cập là tất cả những khu vực quan ngại nghiêm trọng.

“Iran vẫn là nước đứng hàng thứ hai về bỏ tù các nhà báo trên khắp thế giới; chúng ta ghi nhận được 35 ký giả bị bỏ tù vào cuối năm. Chúng ta còn chờ đánh giá xem liệu Tổng thống Hassan Rohani có sẽ thực hiện những lời hứa về tự do báo chí hay không.”

Ông Sherif nói Ai Cập đã chứng kiến tình trạng xuống dốc đáng kể trong thành tích báo chí. Lần đầu tiên. nước này được xếp hạng trong danh sách của CPJ về những nước bỏ tù nhiều ký giả nhất thế giới, và đã trở thành nơi làm việc nguy hiểm hàng thứ ba đối với báo giới, sau Syria và Iraq.

Iraq vẫn là một khu vực quan ngại chính, với 10 nhân viên truyền thông bị giết trong năm 2013, và nhiều người rời khỏi nước. CPJ nói Baghdad và giới hữu trách khu vực người Kurd đã nhiều lần tìm cách bịt những tiếng nói chỉ trích qua việc bắt giam, không cấp phép hành nghề, và tấn công các đài phát thanh truyền hình.

CPJ cảnh cáo rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành những nơi đàn áp hơn trong năm ngoái. Phối hợp viên Chương trình Âu châu và Trung Á Nina Ognianova nói sự chú ý quốc tế dồn vào Nga vì Thế vận hội Sochi không giúp nới lỏng những hạn chế đối với báo giới Nga trong 12 tháng vừa qua.

“Nga kiểm duyệt trực tiếp hoặc hăm dọa các cơ quan truyền thông và ký giả độc lập phải tự kiểm duyệt qua việc sách nhiễu quan liêu, giam giữ ngăn chặn, kiểm tra vì động cơ chính trị và truy tố, ngăn trở, và khỏa lấp việc tường thuật chỉ trích cùng sách nhiễu các nguồn cung cấp thông tin.”

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là nước bắt giam nhiều ký giả lớn nhất liên tiếp qua năm thứ nhì, đứng ngay trên Iran và Trung Quốc, với 40 nhân viên truyền thông bị bỏ tù.

Tại châu Á, bản phúc trình nói Hong Kong, từng là nơi an toàn cho việc tường thuật truyền thông về lục địa Trung Quốc, nay không còn như thế nữa, dẫn tới hiện tượng tự kiểm duyệt nhiều hơn và bớt phần tường thuật điều tra về Trung Quốc.

Trong khi ở châu Phi, tự do báo chí lâm nguy ở Ethiopia, Somalia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Gambia. Cũng có những xu hướng tiêu cực ở một số nước dân chủ hơn như Tanzania, Zambia, Kenya, Liberia và Nam Phi.

CPJ cũng nêu ra những quan ngại trong bản phúc trình về những ảnh hưởng đối với việc lưu chuyển thông tin do hậu quả của vụ gián điệp NSA mới đây ở Hoa Kỳ và việc sử dụng theo dõi bằng kỹ thuật số. Chủ biên Ðiều hành của CPJ Joel Simon nói Liên Hiệp Quốc có trách nhiệm cấp thiết trong việc bảo đảm quyền tự do phát biểu phải được tôn trọng trên thực tế.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG