Cứ đối chiếu cả diễn biến lẫn tác động của đợt dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam đến dân sinh, kinh tế, xã hội, với các chỉ đạo về phòng, chống dịch, cũng như thực thi, chắc chắn sẽ thấy, việc lựa chọn – bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã khiến tai họa do đại dịch tăng nhiều lần…
Bởi không dễ liệt kê đủ và đặc biệt là rất khó để lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu trong vô số dẫn chứng, có lẽ tốt nhất là so sánh các tuyên bố của ông Phạm Minh Chính – nhân vật vừa là Ủy viên Bộ chính trị, đại biểu Quốc hội, vừa là Thủ tướng để minh họa nhân sự đã góp phần khiến hậu quả của đại dịch trở thành nghiêm trọng thế nào…
***
Ngày 8 tháng 7, khi dịch COVID-19 tại TP.HCM đã trở thành nghiêm trọng tới mức cần phải tiến hành phong tỏa toàn thành phố này (thực hiện Chỉ thị 16), hôm sau, ông Chính, trong vai trò vừa là người lãnh đạo hệ thống chính trị, vừa là người lãnh đạo hệ thống công quyền tại Việt Nam yêu cầu chính quyền TP.HCM phải thực hiện nghiêm các biện pháp trong Chiến lược phòng, chống dịch mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã đề ra và thực thi từ năm ngoái là “truy vết, cưỡng bức cách ly, khoanh vùng (cô lập khu vực có dịch)”. Theo chỉ đạo của ông Chính, toàn hệ thống phải tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” (1).
Nói cách khác, ông Chính nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nói chung, tiếp tục gạt bỏ tất cả cảnh báo của các chuyên gia dịch tễ, y tế, kinh tế về hậu quả của những biện pháp cực đoan khi dịch đã lan rộng, cũng như những khuyến nghị về việc nên áp dụng các biện pháp khoa học hơn, hữu hiệu hơn…
Cuối cùng thì chính thực tế chứng minh, cả ông Chính lẫn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đều sai, hậu quả thì như mọi người đã biết và đang thấy. Một số viên chức hữu trách thừa nhận: Đặt truy vết lên hàng đầu không còn phù hợp (2)! Do vậy, chẳng riêng F1, ngay cả F0 cũng cho cách ly tại nhà vì tỉ lệ lây nhiễm, tỉ lệ tử vong trong các khu cách ly tăng chóng mặt, hệ thống y tế quá tải. Hôm 30 tháng 7, trong cuộc họp giữa chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, chính phủ thú nhận, thúc đẩy đeo đuổi “truy vết” là lý do khiến một số địa phương xét nghiệm quá thoải mái dẫn tới lãng phí tiền bạc và nhân lực (3)…
Ông Chính phản ứng ra sao khi thực tế cho thấy, yêu cầu “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” của chính ông khiến mọi thứ tồi tệ hơn? Theo tường thuật của hệ thống truyền thông chính thức, ông vẫn… đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất quyết liệt nhưng lần này là… về vấn đề thu dung và nghiên cứu phân loại nhanh F0 theo tình trạng bệnh (rất nhẹ, nhẹ, nặng, rất nặng, cấp cứu) để… có biện pháp quản lý phù hợp với năng lực cách ly và tập trung nguồn lực điều trị. Cụ thể, phân loại người nhiễm thành các tầng điều trị một cách khoa học, hợp lý, sát thực tế. Nhẹ, rất nhẹ có thể điều trị ở tuyến xã, huyện hoặc nghiên cứu điều trị thí điểm F0 không có triệu chứng tại nhà một cách an toàn, trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm của thế giới, còn nặng, rất nặng thì chuyển lên tuyến trên (4)!..
Không những không thừa nhận đã sai, Thủ tướng còn nhấn mạnh… Các ý kiến đều thống nhất đánh giá, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của BCH TƯ đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng tình, ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình để đối phó dịch bệnh và đã đạt được một số thành tựu bước đầu, có nhiều tín hiệu tích cực, đồng thời lưu ý phải… “hết sức tránh quan liêu, xa dân”, không để tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong phòng chống dịch, triển khai tiêm vaccine bảo đảm an toàn, hiệu quả!
Hóa ra bất chấp các cảnh báo, khuyến nghị của cả chuyên gia lẫn góp ý của dân chúng thuộc nhiều giới, khăng khăng buộc các cấp thừa hành phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” không phải là “quan liêu, xa dân”? Vừa xin dân góp tiền mua vaccine, vừa vung tiền vào những chuyện đã vô bổ còn gia tăng rủi ro như “truy vết, cưỡng bức cách ly”, phun hóa chất khử khuẩn ngoài trời và vào người (5),… chẳng lẽ là đúng đắn, không… “lãng phí” và nhờ vậy tránh được chuyện tạo điều kiện để ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong phòng chống dịch?
Nếu BCH TƯ đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, và cả hệ thống chính trị đừng… chỉ đạo sát sao, không… cùng vào cuộc như vừa qua, số ca nhiễm, số người chết có tăng hay sẽ giảm như các chuyên gia từng phân tích khi đưa ra các cảnh báo và khuyến nghị?
Tương tự, dân sinh, kinh tế, xã hội có hỗn loạn, suy kiệt như đang thấy hay ổn định hơn? Chẳng lẽ thực trạng tồi tệ như đã biết lại là… thành tựu bước đầu và là… những tín hiệu tích cực? Thêm bao nhiêu ca nhiễm, bao nhiêu người chết, cần bao nhiêu doanh nghiệp kiệt sức, ngưng hoạt động thì sẽ tuyên bố… thành công mỹ mãn?
Không may cho người Việt là Ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung rất… nhất quán trong… chỉ đạo cũng như… vào cuộc. Chẳng hạn như cách đối xử với nạn dân từ nhiều nơi, bỏ trú xứ về quê lánh nạn.
Ngày 16 tháng 7, giữa lúc thiên hạ sững sờ trước cảnh nạn dân bất kể đói, khát, phải ăn bờ, ngủ bụi, tuy thiếu phương tiện vận chuyển vẫn lũ lượt dắt díu nhau lánh nạn, ông Chính chỉ đạo: Các tỉnh, thành phải phối hợp với TP.HCM lập kế hoạch chuyên chở người lao động về địa phương, thực hiện quy định cách ly, phòng chống dịch và chuẩn bị điều kiện cần thiết khác theo tinh thần hỗ trợ tối đa, không gây khó khăn, phiền hà cho dân và các tổ chức liên quan, không để tình trạng quy trình, thủ tục phức tạp, kéo dài (6).
Hai tuần sau, hôm 31 tháng 7, ông Chính ra lệnh cho chính quyền các địa phương: Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31 tháng 7 tới khi hết giãn cách (7). Tuy lệnh này có kèm yêu cầu: Tổ chức hỗ trợ, cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân… nhưng đến nay, đã có bao nhiêu người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ thực sự được hỗ trợ, cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm từ chính quyền chứ không phải từ những người giàu từ tâm?
Những ai sẽ chịu trách nhiệm và ông Chính có nằm trong số phải chịu trách nhiệm liên đới khi càng ngày càng nhiều người uổng mạng vì bị nhiễm COVID-19 trong các khu cách ly hay vì cần cấp cứu do mắc những bệnh khác song không nhận được hỗ trợ y tế cần thiết bởi bất cập, bất nhất trong chỉ đạo và thực thi các giải pháp phòng, chống dịch?
***
Nếu đọc kỹ những tuyên bố của ông Chính trong cuộc họp giữa chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vào ngày 30 tháng 7, người ta hẳn phải tự hỏi, tại sao trước đó hai ngày, ông Chính thừa nhận phải xem lại, phải thay đổi vấn đề thu dung và nghiên cứu phân loại nhanh F0 theo tình trạng bệnh, không hăm hở truy vết theo kiểu “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để cưỡng bức cách ly nữa, mà vẫn khẳng định công tác phòng chống dịch bệnh đang đi đúng hướng, các chủ trương, đường lối, chính sách, quy trình rất nhất quán, rõ ràng, bám sát thực tiễn. Chẳng lẽ cứ là Thủ tướng thì có thể phủi tay, giũ sạch trách nhiệm khi… hạn chế, bất cập lớn nhất là khâu tổ chức thực hiện?
Vai trò của Thủ tướng - người đứng đầu hệ thống công quyền là gì – khi các chủ trương, đường lối, chính sách, quy trình rất nhất quán, rõ ràng, bám sát thực tiễn song việc tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa đạt hiệu quả, thậm chí còn trì trệ? Thừa nhận hay không thì rõ ràng việc Thủ tướng – nhân vật lãnh đạo chính phủ - chuyển trách nhiệm của mình trong phòng, chống dịch bệnh sang những cá nhân lãnh đạo hệ thống công quyền các tỉnh, thành phố, có quan hệ nhân – quả với những bi kịch như… thế nào là “thiết yếu”, cái gì là… “thiết yếu”, cho nạn dân qua hay chặn họ lại… khiến mức độ trầm trọng của thảm kịch tăng không ngừng.
Thủ tướng như thế thì Chủ tịch các tỉnh - thành phố, Chủ tịch các quận – huyện, Chủ tịch các phường – xã, tất nhiên cũng sẽ như thế, không giống như thế mới là khác thường. Đó cũng là lý do vì sao, trước nay, nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương luôn luôn phải được… qui hoạch. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Quy mô, sự khốc liệt của thảm họa có như thế nào thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng như thế và vẫn như thế!
Chú thích
(6) https://vnexpress.net/thu-tuong-khong-gay-kho-cho-nguoi-tu-tp-hcm-ve-que-4325589.html