Đường dẫn truy cập

COVID tăng, Quảng Châu lập thêm bệnh viện dã chiến và khu cách ly


Rào cản tại một điểm kiểm soát an ninh ở quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, nơi các ca COVID-19 hàng ngày tăng mạnh (ảnh chụp ngày 11/11/2022).
Rào cản tại một điểm kiểm soát an ninh ở quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, nơi các ca COVID-19 hàng ngày tăng mạnh (ảnh chụp ngày 11/11/2022).

Thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, đang dựng các bệnh viện dã chiến và khu cách ly với sức chứa gần 250.000 giường cho các bệnh nhân COVID, các quan chức loan báo ngày 17/11, trong bối cảnh số ca nhiễm trên cả nước đạt mức cao nhất kể từ tháng 4.

Trung Quốc đang vật lộn với dịch bùng phát ở nhiều thành phố lớn, bao gồm Trùng Khánh và thủ đô Bắc Kinh, đồng thời thực hiện các bước để tìm cách giảm bớt gánh nặng của chính sách nghiêm ngặt zero-COVID, chính sách đã gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng và sự thất vọng lan rộng gần ba năm sau đại dịch.

Tại thành phố miền trung Trịnh Châu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề, nhà chức trách cho biết sẽ điều tra cái chết của một em bé 4 tháng tuổi mà người cha nói rằng em không được điều trị kịp thời khi họ ở trung tâm cách ly, trường hợp mới nhất gây phẫn nộ trên mạng.

Quảng Châu, một trung tâm sản xuất có 19 triệu dân, hiện đang chiến đấu với đợt bùng phát mới nhất, lớn nhất của Trung Quốc, với số ca nhiễm hàng ngày tăng lên 8.761 và làm dấy lên lo ngại rằng nó đang đạt đến quy mô tương đương với đợt bùng phát của Thượng Hải vào đầu năm nay.

Vào tối ngày 14/11, người dân đổ ra đường phẫn nộ tại quận bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thành phố, nơi đã bị phong tỏa, trong một cuộc biểu tình phản đối hiếm hoi đã bị xóa khỏi các phương tiện truyền thông xã hội bị kiểm duyệt nặng nề của Trung Quốc.

Một quan chức Quảng Châu nói trong một cuộc họp báo ngày 17/11 rằng thành phố đang đẩy nhanh việc xây dựng các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly, với kế hoạch xây dựng không gian cho 246.407 giường.

Vào cao điểm bùng phát dịch bệnh ở Thượng Hải vào tháng 4, bao gồm hai tháng phong tỏa, thành phố có hơn 300.000 giường bệnh.

Một số hạn chế được nới lỏng

Trung Quốc báo cáo 23.276 ca nhiễm mới hôm 17/11, nhiều nhất kể từ tháng 4 và tăng so với 20.199 ca một ngày trước đó.

Nước này đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế liên quan đến xét nghiệm hàng loạt và cách ly đối với người nước ngoài đến, thúc đẩy sự lạc quan rằng Trung Quốc đang tiến tới mở cửa trở lại và hoạt động kinh tế có thể tăng trở lại, mặc dù các nhà phân tích không dự kiến có sự nới lỏng đáng kể trước tháng 3 hoặc tháng 4.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc mở cửa trở lại hoàn toàn đòi hỏi một nỗ lực tăng cường tiêm chủng rộng lớn và cũng sẽ cần một sự thay đổi trong thông điệp ở một quốc gia mà nhiều người vẫn còn sợ COVID dù tổng số trường hợp mắc bệnh thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu.

Các quan chức đã ra lệnh cho chính quyền địa phương ngừng sử dụng các phương pháp đổ đồng, nói rằng công chúng cần được quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và thực phẩm ngay cả trong thời gian phong tỏa.

Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục bảo vệ cách tiếp cận đối với COVID, một chính sách đặc trưng của Chủ tịch Tập Cận Bình mà họ cho là cứu được nhiều mạng người.

Các quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia hôm 17/11 nhắc lại rằng họ sẽ thực hiện 20 biện pháp được điều chỉnh đối với chính sách COVID của đất nước và sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng COVID.

Họ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng thêm các bệnh viện dành cho COVID và tăng cường khả năng cấp cứu hồi sức đặc biệt, nói rằng số giường ICU cần chiếm 10% tổng số.

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG