Các hệ thống bệnh viện Châu Âu có nguy cơ bị sụp đổ vì căng thẳng do lây nhiễm COVID-19 tăng mạnh khiến lục địa này một lần nữa là trung tâm của đại dịch toàn cầu vào ngày 21/10 trong khi gần hai phần ba các tiểu bang Mỹ đang trong ‘vùng nguy hiểm’ của virus corona.
Với số ca nhiễm tại Châu Âu, sau thời gian khống chế bằng những biện pháp đóng cửa chưa từng có vào tháng Ba và tháng Tư, hiện đang tăng liên tục, nhà chức trách các nước từ Ba Lan đến Bồ Đào Nha đã cho thấy báo động ngày càng tăng về cuộc khủng hoảng trở lại mà hạ tầng cơ sở y tế của họ phải đối mặt.
Bỉ, đang vất vả đối phó với điều mà Bộ trưởng Y tế nước này gọi là “cơn sóng thần” lây nhiễm, đang hoãn lại những ca phẫu thuật không cần thiết tại bệnh viện, và những biện pháp tương tự đang dần được áp dụng tại các nước khác.
Theo dữ liệu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu, châu lục này ghi nhận hơn 5 triệu ca nhiễm và 200.000 người chết, những ca mới bắt đầu gia tăng mạnh mẽ từ cuối tháng 9.
Tại Mỹ, 32 trong 50 tiểu bang đã bước vào vùng nguy hiểm với tỷ lệ 100 ca mới trên mỗi 100.000 người trong tuần qua, và trên toàn quốc có trung bình 120 ca mới trên mỗi 100.000 người, cao nhất kể từ đỉnh điểm vào tháng 7, theo phân tích của Reuters.
Một khối các tiểu bang tại trung tây và vùng núi từ Idaho đến Illinois là vùng đỏ cùng với Alaska, cho thấy lây nhiễm gia tăng nhanh chóng.
Vùng trung tây gia tăng kỷ lục hôm 19/10 với hơn 27.000 ca nhiễm mới và số nhập viện cũng tăng kỷ lục, với 10.830 ca trong ngày thứ 5 liên tiếp hôm 20/10, theo dữ liệu của Reuters.
Tương tự như Châu Âu, việc này gây nên những lo ngại là các bệnh viện có thể trở nên quá tải như trong những tháng đầu đại dịch tại miền đông bắc nước Mỹ.