Phản ứng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam trong đợt dịch COVID-19 thứ tư (từ hạ tuần tháng 4 đến nay) chứng minh… chiến lược phòng – chống dịch là một số 0 tròn trĩnh…
***
18 tháng sau khi COVID-19 trở thành đại dịch, khi thật sự phải đối phó với số ca nhiễm tăng từng ngày trên diện rộng, chiến lược phòng – chống dịch mà Việt Nam từng tự hào là… sáng tạo, quyết liệt hóa ra là không có kế hoạch nào cả.
Vì thiếu viễn kiến và không có kế hoạch nào thật sự mang tầm… chiến lược, đúng với ý nghĩa của hai từ chiến lược nhằm nâng cao khả năng hồi phục của kinh tế, xã hội, giúp dân sinh ổn định, Việt Nam mới bị động trong việc mua, sử dụng vaccine như đang thấy.
Cuối cùng, do chủ động… đi sau vì có… chiến lược phòng chống dịch khiến… cộng đồng quốc tế thán phục và học hỏi (!), không biết bao giờ phòng - chống dịch COVID-19 mới thật sự về tới đích.
Tuy trước giờ, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đã loan báo rộng rãi, rằng hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 do Sinopharm (Trung Quốc) bào chế rất thấp (1), không ít quốc gia dẫu tỉ lệ dân chúng nhận đủ số liều vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm đạt 50% nhưng dịch tiếp tục lan rộng (2) song cuối cùng, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn quyết định mua – sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm (3) nhằm giải tỏa áp lực dư luận về trách nhiệm của họ.
Đã đề cập đến chiến lược thì phải xét tới kế hoạch và hiệu quả. Chẳng lẽ lựa chọn vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm một cách đột ngột và không có gì bảo đảm sự chắc chắn về hiệu quả cũng là… chiến lược?
***
Đợt dịch COVID-19 thứ tư còn bày ra cho thiên hạ thấy, rằng chiến lược phòng chống dịch mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không ngừng quảng bá là… sáng tạo, quyết liệt khiến… cộng đồng quốc tế thán phục và học hỏi đã đặt rất nhiều bệnh viện vào tình trạng thiếu đủ thứ thiết bị, vật liệu y tế, dược phẩm để cứu chữa những bệnh nhân đang trong tình trạng thập tử nhất sinh vì không dự trữ đủ số lượng cần thiết cho trường hợp dịch COVID-19 tái bùng phát.
Thậm chí một số bệnh viện khẳng định họ không thiếu tiền nhưng vẫn phải kêu gọi công chúng hỗ trợ bởi không thể chờ cho đến khi hoàn tất thủ tục đấu thầu để mua những thứ cần thiết theo các qui định hiện hành (4).
Giống như các đợt dịch trước, trong đợt dịch này, hệ thống truyền thông chính thức trưng ra vô số hình ảnh kiểu như vận chuyển nhân viên y tế bằng… xe lôi vào vùng dịch, cả ăn lẫn nghỉ đều hết sức tạm bợ sau khi đã tự vắt kiệt sức trong phòng ngừa, cứu chữa bệnh nhân (5) để thúc giục công chúng động viên, đóng góp giúp đỡ những chiến sĩ áo trắng. Rõ ràng là trong… chiến lược phòng chống dịch, hệ thống chính trị, hệ thông công quyền Việt Nam vẫn không hề bận tâm đến con người, kể cả những người ở… tuyến đầu!
***
Trong đợt dịch thứ 4, chiến lược phòng chống dịch hệ thống chính trị, hệ thông công quyền Việt Nam còn cho thấy từ trung ương đến địa phương… không có kế hoạch nào đáng gọi là… kế hoạch cả.
Bởi hệ thống chính trị, hệ thông công quyền trung ương buộc hệ thống chính trị, hệ thông công quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về hiệu quả phòng, chống dịch và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương không thể nhìn xa hơn, không biết làm gì hơn là… CẤM nên mới có chuyện các địa phương thi nhau ra lệnh cô lập TP.HCM với hy vọng điều đó sẽ giúp giảm hoặc chặn được những ca lây nhiễm mới trên địa bàn của mình. Cuối cùng thì sao?..
Cuối cùng là hỗn loạn lan rộng từ trong ra ngoài (6), từ dưới lên trên (7), không chỉ người nghèo như công nhân, nông dân mà người giàu – chủ các doanh nghiệp cũng khóc! Sau khi vung tay ban hành lệnh cấm mà không lường được đủ loại tác động tiêu cực , các viên chức hữu trách của chính quyền nhiều tỉnh (Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Bạc Liêu,…) đang thành kính… phân bua vì sao lại áp dụng lệnh cấm qua lại, vì sao lại buộc tất cả mọi người đến từ TP.HCM phải cách ly 21 ngày (8),…
COVID-19 đã góp thêm một ví dụ minh họa về viễn kiến, khả năng đối phó với thiên tai, thảm họa của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đến mức nào. Với việc lựa chọn, sắp đặt những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương như đã biết, hệ quả tất yếu luôn sẽ là các hệ thống này chỉ có thể... qui hoạch, bổ nhiệm được những viên chức giỏi báo công, không thấy cũng như không bao giờ biết nhận trách nhiệm. Cần ứng phó luôn lúng túng như… “gà mắc tóc”.
Chú thích
(1) https://baoquocte.vn/tiet-lo-ve-hieu-qua-vaccine-covid-19-cua-trung-quoc-146615.html
(3) https://laodong.vn/y-te/viet-nam-phe-duyet-vaccine-covid-19-cua-sinopharm-trung-quoc-916700.ldo
(8) https://tuoitre.vn/roi-voi-quy-dinh-chong-covid-19-cua-cac-tinh-20210607075820751.htm