Đường dẫn truy cập

Covid-19 bùng phát ở Campuchia: người dân mất Tết


Đường sá ở thủ đô Phnom Penh bị phong tỏa vào ngày 15/4
Đường sá ở thủ đô Phnom Penh bị phong tỏa vào ngày 15/4

Không khí ngày Tết ở Campuchia còn buồn hơn ngày thường, một người gốc Việt ở thủ đô Phnom Penh nói với VOA trong lúc dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở ở nước này khiến nhiều nơi phải giãn cách xã hội.

Theo thống kê mới nhất từ chính quyền Campuchia, nước này ngày 15/4 tư phát hiện thêm 344 ca nhiễm virus corona, trong đó chỉ riêng thủ đô Phnom Penh có 243 ca. Cho đến nay Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 5.218 ca nhiễm với 36 ca tử vong.

Chính phủ hoàng gia Campuchia đã khẩn cấp thực hiện giãn cách xã hội tại thủ đô Phnom Penh và khu vực Takmao để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong vòng 14 ngày kể từ 15 đến 28/4, truyền thông nước này đưa tin.

Việc giãn cách xã hội diễn ra trong lúc người dân Phnom Penh nói riêng và Campuchia nói chung đang đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây từ ngày 14 đến 16/4. Đây là ngày lễ lớn nhất trong năm của người dân xứ Chùa Tháp.

Ai ở nhà nấy

Theo đó người dân không được đi ra ngoài ngoại trừ có việc cấpbách, đi bệnh viện hay đi chợ để mua nhu yếu phẩm và không được phép tụ tập đông người. Những ai vi phạm có thể bị phạt hoặc thậm chí là bị bắt giam.

Các dịch vụ và các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa trong thời gian cách ly trong khi chợ búa, bệnh viện, các siêu thị vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Các nhà hàng và quán ăn chỉ được phép phục vụ đem về chứ không cho ngồi ăn tại chỗ.

Các nhà máy, xí nghiệp và các trang trại phải sắp xếp số lượng công nhân làm việc ít nhất có thể. Trong khi đó, các dịch vụ vận chuyển, giao hàng, giao thức ăn vẫn được phép hoạt động.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen được truyền thông nước này dẫn lời nói tất cả những việc này ‘không phải để giết dân mà đang bảo vệ người dân’ và Thủ tướng ‘sẽ không để bất kỳ ai thiếu lương thực trong quá trình cách ly’.

Từ Phnom Penh, một người Campuchia gốc Việt nói với VOA với điều kiện giấu tên do lo sợ những rắc rối với chính quyền cho biết không khí Tết ở thủ đô năm nay ‘rất trầm lắng’.

“Dịch tràn lan nên không có ăn Tết được, không có không khí Tết rộn ràng như những năm trước,” người phụ nữ 50 tuổi chỉ xưng tên là Quy nói với VOA vào ngày đầu tiên của năm mới Campuchia.

Ba cho biết vào ban ngày thì ai ở nhà nấy. Sau 08.00 tối là giới nghiêm ai đi ra đường sẽ bị phạt. Về phần mình, bà Quy nói năm nay gia đình bà không có ăn Tết vì Tết còn thua ngày thường ‘do không có đi đâu được’.

‘Buôn bán khó khăn’

“Ai cũng phải lo mua đồ ăn để thủ trong nhà thôi chứ không có ai đi chơi,” bà Quy nói. “Ngay cả đi chợ cũng đi cho lẹ rồi về thôi.”

Bà Quy hiện sống bằng nghề bán các món ăn Việt Nam cho biết vào lúc này bà chỉ còn có thể bán đồ ăn giao qua mạng chứ không thể bán tại nhà được nữa.

“Thời buổi này người ta kiếm tiền mua gạo, mua đồ ăn chứ người ta đâu có đi ăn, đi chơi đâu. Thành ra mình không có bán gì được hết,” bà phân trần.

Theo lời bà thì hiện giờ công việc buôn bán của bà chỉ còn 2 phần so với 10 phần lúc trước do bà chỉ có thể bán đồ ăn đem đi giao cho khách.

Bà Quy sống ở gần khu chợ Orussey ở ngay trung tâm thành phố và bà cho biết khu chợ này cũng đã bị đóng cửa.

Bà cho biết trước khi có lệnh giãn cách xã hội thì bà đã phải đóng cửa tiệm từ ngày 20/2 nhưng vẫn phải trả tiền thuê nhà lên đến 4.000.000 riel mỗi tháng tương đương 1.000 đô la.

Chính phủ Cambodia chỉ hỗ trợ cho những người bị mắc bệnh chứ những tiểu thương như bà không được hỗ trợ gì hết, bà cho biết, và bà phải điều đình với chủ nhà giảm tiền thuê nhà.

‘Người dân tự giác’

Theo bà Quy thì chính quyền Campuchia chống dịch ‘rất quyết liệt’. Tại khu phố bà có tổ trưởng-khóm trưởng đi đến từng nhà dặn dò mọi người không tiếp khách.

Trước khi có lệnh giãn cách xã hội thì những người dân được yêu cầu tự giác hạn chế đi ra ngoài, cũng theo lời bà Quy.

“Mình tự cách ly mình đó chứ. Ý là mình bảo vệ an toàn cho mình và người kế bên người ta cũng bảo vệ họ chứ khu mình chưa có ai bị bệnh bị cách ly hết,” bà nói về sự tự giác của người dân trước khi có lệnh giãn cách. (7:00)

Bà nói dịch cứ tăng hoài làm cho bà lo lắng nhưng lo ‘cũng không giải quyết được gì hết’.

Bà Quy đã đăng ký chích vaccine (miễn phí) cho hai vợ chồng bà nhưng hiện giờ do chính quyền đang ưu tiên cho những người công nhân trên tuyến đầu nên bà vẫn đang chờ đợi tới lượt, bà cho biết.

Khi được hỏi có muốn về Việt Nam tránh dịch hay không, bà Quy nói bà sinh ra ở Campuchia và có quốc tịch Campuchia và không còn quốc tịch Việt Nam nữa ‘nên không thể về’.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG