Đường dẫn truy cập

Corona gõ cửa nhưng chủ nhà đi vắng


Tác giả lần đầu đặt chân đến ... "Bolsa", đại lộ lớn nhất chạy ngang cộng đồng Việt lớn nhất ở Mỹ.
Tác giả lần đầu đặt chân đến ... "Bolsa", đại lộ lớn nhất chạy ngang cộng đồng Việt lớn nhất ở Mỹ.

Tôi mới đi vắng có mấy ngày mà nước Anh có vẻ ‘toang’ rồi thì phải. Đại học Goldsmiths thuộc University of London mà tôi dạy hôm 4/3 thông báo một người từng thăm ký túc xá của trường đã dương tính với corona. Trường tôi khá cẩn thận và đã vài lần gửi email nhắc nhở sinh viên và nhân viên trong trường phải cẩn thận, thường xuyên rửa tay, tránh sờ tay lên mặt mũi và thậm chí còn khuyên nếu thấy người có biểu hiện ốm thì đi ra khỏi phòng và đóng cửa lại. Hiện các sinh viên có khách dương tính tới thăm đang tự cách ly.

Trong một trường hợp khác ở hạt Kent nơi tôi sống, người ta đã phải tẩy rửa khoa ngoại trú cho trẻ em ở một bệnh viện vì có người dương tính với corona từng thăm khoa này. Nhưng bệnh viện vẫn mở cửa bình thường. Chỗ đó cách thành phố tôi ở chừng một tiếng lái xe nên cũng không đáng lo ngại.

Vụ ở đại học của tôi xảy ra khi tôi đang có khoá dạy về báo chí kỹ thuật số ở Kiev, Ukraina. Còn vụ ở bệnh viện xảy ra lúc tôi đang ở California, Hoa Kỳ trong chuyến đi tư vấn truyền thông tới Quận Cam. Hồi còn làm báo toàn phần tôi từng đùa với các bạn đồng nghiệp rằng Việt Nam chỉ thực sự mạnh khi có được cả Hoàng Sa, Trường Sa và Bolsa. Nói vậy nhưng tôi chưa bao giờ tới thủ phủ của người Việt tị nạn cho tới cuối tuần qua.

Trước khi đi hơn một tuần tôi phải đăng ký trước qua mạng với cơ quan di trú Hoa Kỳ để lấy miễn thị thực có thời hạn hai năm. Họ nói sẽ có miễn thị thực trong vòng hai ngày làm việc nhưng chỉ vài tiếng sau khi đăng ký đã nhận được rồi.

Chuyến bay mùa Covid-19 vẫn đông nhưng không bán hết vé. Tôi mua vé hạng rẻ nhất và không được chọn chỗ nhưng cả lúc đi và về đều có ghế trống bên cạnh nên tôi vẫn được ngồi bên lối đi như thường. Bay 11:30 phút mới tới Los Angeles, sân bay lác đác hành khách đeo khẩu trang. Một vài nhân viên sân bay cũng vậy. Tới nơi tôi tìm đường ra chỗ bắt Uber để tới Quận Cam.

Anh bạn lái Uber là người Tunisia mới qua Hoa Kỳ được vài năm. Tôi bảo quê anh nổi tiếng với mùa xuân Arab. Anh nói ‘ờ, giờ có tự do rồi nhưng kinh tế vẫn kém lắm’. Tôi đáp quê tôi thì ngược lại, kinh tế tạm ổn nhưng tự do thì hãy đợi đấy. Chúng tôi đang nói chuyện ở đất nước có cả hai thứ này, thật xa xỉ. Tôi hỏi anh có lo gì về corona không. Anh nói có lo cũng vẫn phải đi làm thôi.

Chuyến thăm chớp nhoáng của tôi chủ yếu xoay quanh các cuộc họp và nhìn Bolsa qua cửa kính xe Tesla là chính. Lần đầu xem xe tự lái thấy cũng thích. Tôi đùa hỏi chủ xe liệu nó có tự đưa tôi ra sân bay và lái về lại nhà không. Tôi nghĩ rồi công nghệ sẽ khá tới mức đó.

Trước khi ra sân bay chiều Chủ Nhật tôi ghé khu Phước Lộc Thọ và đi chụp hình đại lộ Bolsa với tên Trần Hưng Đạo được viết phía dưới. Giờ đang là mùa bầu cử ở California và biển quảng cáo tên các ứng viên gốc Việt có nhiều ở Quận Cam. Người đưa tôi ra sân bay là tài xế mới từ Armenia sang Hoa Kỳ chưa được hai năm. Anh tham gia chương trình xổ số thẻ xanh của Hoa Kỳ và may mắn trúng giải. Vậy là anh đưa vợ cùng con gái sang Hoa Kỳ. Giấc mơ Mỹ của anh là trở thành kỹ sư giàu khí và anh vừa chạy taxi vừa đi học đại học. Vợ anh là y tá. Tôi hỏi anh biết tiếng Nga không vì Armenia từng thuộc Liên Bang Xô Viết. Thế là anh chuyển luôn sang tiếng Nga. Tôi hiểu cũng tạm nhưng nói không lại vì hơn hai chục năm không mấy khi dùng tới tiếng Nga. Anh nói anh cũng từng sống ở Nga khi còn trẻ nhưng khi muốn có cuộc sống ổn định hơn anh đã về lại Armenia. Anh nói anh ghét sự độc chiếm quyền lực của Putin và mafia Nga.

Máy bay rời Los Angeles lúc 9h tối Chủ Nhật và tới London lúc 3h chiều thứ Hai. Vừa hạ cánh tôi đã nhận được tin nhắn của vợ rằng tôi nên tự cách ly 14 ngày vì sợ vi-rút. Tôi gửi cho vợ danh sách các nước mà cơ quan y tế Anh NHS đưa vào hai nhóm, một là nguy cơ cao và phải cách ly, hai là cần chú ý nhưng không cần cách ly. Nhóm cần chú ý có Việt Nam và nhiều nước châu Á cộng thêm miền bắc Ý, không có Hoa Kỳ. Mà nước Anh và Hoa Kỳ giờ độ rủi ro có lẽ ngang nhau.

Nhưng về London thứ Hai thì thứ Ba tôi đã phải bay sang Kiev để chuẩn bị dạy cho văn phòng BBC bên đó nên tôi ở tạm khách sạn gần sân bay Gatwick cho tiện và đỡ phải tranh luận thêm về corona. Một bài viết của BBC nói mỗi năm có một tỷ người nhiễm cúm thường và số người chết là từ 290.000-650.000. Nỗi sợ Covid-19 có vẻ đã vượt qua sự cảnh giác cần thiết. Có người ở Hoa Kỳ thậm chí còn bị doạ giết trong khi nhiều người bị hàng xóm ruồng bỏ. Tại Anh một người Thái Lan và một người Singapore đã bị hành hung cũng vì corona. Khi ở Quận Cam tôi cũng thấy một số người có ánh nhìn dò xét khi nghe tiếng ho. Tôi còn nghe nói nói mẹ một học sinh gốc Việt đang kiện nhà trường vì phân biệt đối xử với cháu khi cháu ho chỉ vì sặc nước. Thầy giáo bắt cháu đi gặp y tá và khi quay về lớp không được vào. Người ta cũng đang sợ nguy cơ Covid-19 gia nhập nhóm cúm mùa. Hy vọng không phải như vậy nhưng nếu nó vẫn xảy ra thì cúm mới lâu ngày cũng thành cúm thường thôi. Không lẽ mỗi năm cách ly một tỷ người?

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG